Trong những cách định nghĩa khác nhau về chuẩn đầu ra, có vẻ như Bộ GD-ĐT chọn khái niệm chuẩn đầu ra bao gồm những kiến thức, kỹ năng, thái độ, hành vi cần đạt được của SV sau khi kết thúc quá trình đào tạo ĐH. Nhưng nếu đối chiếu với nội dung những bộ chuẩn đầu ra của các trường ĐH đã ồ ạt ban hành thời gian qua, có thể nhận thấy những bộ chuẩn được ban hành không theo chuẩn nào cả.
Có trường xây dựng chuẩn theo hướng định lượng, các tiêu chí yêu cầu đối với SV tốt nghiệp rất cụ thể cho từng ngành đào tạo. Thậm chí còn đo đếm bằng thang điểm. Nhưng ngược lại, có trường hoàn toàn sử dụng các tiêu chí định tính, tiếng là có chuẩn cho từng ngành đào tạo nhưng tất cả nội dung đều như nhau, không có sự phân biệt rõ rệt SV tốt nghiệp giữa các ngành khác nhau.
Vì thế cùng là chuẩn đầu ra của cùng khối ngành nhưng có trường gồm ba, có trường có đến năm tiêu chí. Chỉ riêng yêu cầu về ngoại ngữ, do bộ chưa có một chuẩn chung đối với SV tốt nghiệp ĐH nên ngay cả khi cùng chọn TOEIC làm chuẩn, có trường đặt yêu cầu SV tốt nghiệp phải đạt 500 điểm, có trường chỉ bằng lòng với mức 350 điểm…
Đồng thời, có lẽ vì ban hành chuẩn đầu ra theo phong trào, chưa xuất phát từ mong muốn, nhu cầu thực tế nên bộ chuẩn đầu ra của một số trường ĐH được xây dựng theo kiểu lấy lệ, mang tính hình thức và thiếu khả thi. Chính vì thế mà có trường đã “mạnh dạn” đặt ra yêu cầu SV tốt nghiệp phải thành thạo đến... hai ngoại ngữ. Trong khi ai cũng biết rằng thực tế hiện nay, yêu cầu SV tốt nghiệp (trừ các ngành chuyên ngữ) thành thạo được một thứ tiếng đã là mơ ước không dễ đạt được của giáo dục ĐH Việt Nam.
Không chỉ hình thức về mặt nội dung, nhiều chuyên gia cũng đánh giá ban hành chuẩn đầu ra chỉ là một bước mở đầu. Không có sự thay đổi đồng bộ ở những khâu khác trong quá trình đào tạo như về chương trình đào tạo, hoạt động đào tạo, đánh giá chất lượng… thì có chuẩn cũng chỉ cho vui.
Theo một thống kê của Bộ GD-ĐT cách đây không lâu, trong số gần 4.200 chương trình đào tạo của gần 300 trường ĐH, CĐ hầu hết đều có mục tiêu đào tạo rất chung chung, thậm chí lấy nguyên văn từ Luật giáo dục, không xác định được các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của SV, không xác định rõ vị trí làm việc của SV sau khi tốt nghiệp, không đề cập thái độ và đạo đức nghề nghiệp… Với thực trạng này, không ít bộ chuẩn đầu ra ngay từ đầu đã “lệch pha” so với chương trình đào tạo.
Theo các chuyên gia, việc thực hiện các điều kiện để đảm bảo chuẩn đầu ra đã công bố của các trường ĐH phải được cụ thể hóa thành một dạng cam kết giữa nhà trường với SV và được giám sát chặt chẽ bởi một hội đồng độc lập bao gồm cơ quan kiểm định chất lượng, đại diện SV, đại diện phụ huynh SV, doanh nghiệp…
Xây dựng và công bố chuẩn đầu ra để công khai với xã hội về sản phẩm đào tạo của mỗi trường ĐH là cần thiết. Có chuẩn đầu ra, người dạy, người học và người sử dụng lao động đều được minh bạch về thông tin chất lượng đào tạo. Trong đó, người học được lợi nhất: định hướng được nghề nghiệp, biết được mục tiêu, yêu cầu đào tạo, tự đối chiếu được khả năng bản thân...
Nhưng có lẽ mục tiêu cuối cùng không phải là bao nhiêu trường công bố được chuẩn đầu ra mà phải là sự chuyển biến thật sự về chất lượng đào tạo, thể hiện cụ thể, sinh động trên chính sản phẩm đào tạo của mỗi trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận