10/12/2008 08:50 GMT+7

"Quan tài không có túi"...

THU HÀ - THANH HÀ
THU HÀ - THANH HÀ

TT - Hội thảo quốc tế Việt Nam học - được đánh giá là một trong những sự kiện khoa học quốc tế lớn nhất ở VN năm 2008 - đã kết thúc khá thành công. Ít ai biết đằng sau cuộc hội thảo quy mô này, những người lo khâu “hậu cần” đã phải méo mặt vì vấn đề kinh phí.

Để chuẩn bị cho hội thảo, ban tổ chức đã gửi thư tới vài chục tổ chức, doanh nghiệp lớn trong nước đề nghị tài trợ nhưng đến phút cuối - vì những lý do nào đó - không nhận được hồi âm nào, ngoài một nơi duy nhất: Quỹ Ford.

Nhưng đây chẳng phải lần đầu những sự kiện lớn có ý nghĩa cực kỳ to lớn trong việc quảng bá, giới thiệu về hình ảnh VN nhận được những cái lắc đầu từ nhiều doanh nghiệp VN. Trong khi cũng chính các doanh nghiệp đó sẵn lòng tài trợ cho rất nhiều cuộc thi nhan sắc, lễ hội khác. Dĩ nhiên trong cơ chế thị trường, có tiền trong túi, muốn đầu tư vào đâu, muốn tài trợ để quảng bá tên tuổi mình ở đâu là quyền của doanh nghiệp. Nhưng liệu có phải bỏ tiền cho các hội thảo, sự kiện khoa học - nhất là về chính đất nước mình - là không đáng hay không cần thiết?

GS.TS Vladimir Kolotov - nhà nghiên cứu lịch sử và cũng là một nhà VN học người Nga - cho biết các doanh nghiệp Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều luôn có ý thức công dân mạnh mẽ khi không những sẵn sàng móc hầu bao cho những sự kiện tương tự, mà còn chủ động tìm kiếm những nhà nghiên cứu, những nhà hoạt động văn hóa, những nghệ sĩ trẻ, những nhà khoa học tiềm năng để tài trợ những hoạt động sáng tạo của họ, thông qua hàng loạt quỹ hỗ trợ.

Có một câu chuyện như thế này: một nhà nghiên cứu VN vào tuổi “cổ lai hi” đã không thể tìm được nguồn tiền nào từ trong nước để in tuyển tập tác phẩm của mình, và thật bất ngờ Toyota Foundation đã chủ động đặt vấn đề tài trợ để in sách sau khi tìm hiểu rất kỹ các công trình của ông. Số tiền thật ra không lớn, chỉ hơn 10.000 USD, nhưng khi nhiều doanh nghiệp VN quay lưng thì một quỹ nước ngoài tự tìm đến! Trong lòng không khỏi ngân ngấn nước khi nghe câu chuyện này...

Trở lại với nhà VN học người Nga - GS Kolotov, ông chia sẻ điều chua xót khi một hội thảo VN học quy mô như vậy, tổ chức ngay tại VN mà chỉ có duy nhất một quỹ nước ngoài tài trợ. Ông phân tích: “VN học nói riêng cũng như vấn đề nghiên cứu và quảng bá hình ảnh đất nước VN nói chung không phải là việc cá nhân, không phải là sở thích của một nhóm học giả. Đó là một công việc mang tính quốc gia. Nhà nước chỉ có thể có chủ trương, có những chính sách khuyến khích; còn thúc đẩy, thực thi phải do những con người cụ thể thực hiện, mỗi công dân đều có trách nhiệm.

Trong đó, các doanh nghiệp và doanh nhân VN, những người thụ hưởng trước tiên những thành quả đó - thông qua việc bán được sản phẩm ở nước ngoài - phải coi việc cung cấp những tiền đề vật chất cho các nhà khoa học là nghĩa vụ của mình với đất nước mình, đồng bào mình. Đó là trách nhiệm công dân. Xét về phương diện lợi nhuận, việc làm đó giống như đầu tư mở đường để rồi chính mình đi trên con đường đó”.

GS hóm hỉnh: “Cũng còn vì, nói như lời sám hối của một tài phiệt người Nga, chỉ đến khi sắp chết ông ta mới hiểu ra: “quan tài không có túi!”. Khi ta chết đi, tiền bạc không mang theo được, cũng không ai nhớ ông tỉ phú đó đã từng đi ôtô hay mặc complê đáng giá bao nhiêu tiền, chỉ có thể mang theo niềm tự hào và được ghi nhớ vì những việc có ích đã làm cho xã hội, đất nước”.

THU HÀ - THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên