23/10/2008 08:14 GMT+7

Thấp bé, nhẹ cân, ngực lép... bỗng dưng muốn khóc!

 TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
 TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TT - Cấm người thấp bé, nhẹ cân, ngực lép điều khiển xe máy, ôtô là đúng, nếu lợi ích mà họ tìm kiếm - sự thỏa mãn nhu cầu đi lại - thật sự xung đột, mâu thuẫn không thể điều hòa với một loại lợi ích lớn hơn, của cộng đồng, có tên là “trật tự công cộng, an toàn xã hội”.

Vấn đề là cho đến nay, chưa ai thiết lập được bằng chứng khách quan, có giá trị khoa học và thuyết phục về tính hiện thực của xung đột, mâu thuẫn ấy: chưa có cuộc điều tra chính thức nào được tiến hành để đi đến kết luận, bằng số liệu cụ thể rằng người lùn, nhẹ cân, ngực lép mà điều khiển xe máy, ôtô là tác giả của nhiều vụ tai nạn giao thông và do đó, được coi là nhân tố gây nguy hiểm tiềm tàng cần loại trừ.

Ở các nước phát triển, các trường dạy lái xe được phép (và có bổn phận) mở rộng cửa đón tất cả những công dân có đủ năng lực hành vi dân sự. Chỉ cần trải qua thành công một cuộc sát hạch theo thể thức chung, bất kỳ ai cao hay lùn, nhẹ cân hay nặng cân, ngực lép hay ngực đầy đều nhận được giấy phép lái xe. Người cao, vạm vỡ mà vụng về hoặc không thuộc luật sẽ bị loại; người lùn, yếu nhưng thông hiểu luật và đủ khả năng kiểm soát phương tiện vẫn thi đỗ. Tất cả những điều ấy, suy cho cùng, chỉ là biểu hiện sự tôn trọng các nguyên tắc không phân biệt đối xử và bình đẳng giữa các chủ thể, nằm trong nhóm những nguyên tắc chủ đạo của luật cơ bản.

Khi xây dựng luật để giải quyết mâu thuẫn giữa các lợi ích khác biệt trong xã hội có tổ chức, người làm luật mà quyết định hi sinh một lợi ích để bảo toàn lợi ích còn lại, thì phải bảo đảm việc bồi thường thỏa đáng cho người có lợi ích bị hi sinh.

Giả sử lệnh cấm được thực thi, người lùn, nhẹ cân, ngực lép chỉ còn có thể lựa chọn giữa hai phương án di chuyển: hoặc sử dụng xe máy phân khối nhỏ, hoặc sử dụng các phương tiện chuyên chở công cộng; những người gọi là bình thường, về phần mình, vẫn còn đầy đủ các phương án lựa chọn. Đáng lý ra, cùng một lúc với việc thu hẹp các khả năng lựa chọn về cách di chuyển của những người có cấu tạo thể chất khiêm tốn, nhà chức trách phải tổ chức việc bù đắp những thiệt thòi mà họ phải chịu do sự thu hẹp đó.

Chẳng hạn, sẽ có những phần đường dành riêng cho người điều khiển xe máy phân khối nhỏ mà các xe lớn không được chen vào; người bị bất lợi về cấu tạo thể chất sẽ được quyền ưu tiên bước lên các phương tiên vận chuyển công cộng... Cấm rồi để mặc cho người ta tự xoay xở, lệnh cấm đồng nghĩa với sự xua đuổi một nhóm thành viên xã hội ra khỏi không gian chung bằng biện pháp hành chính.

Đáng chú ý nữa là theo các quan chức có thẩm quyền của ngành y tế, nhà chức trách sẽ kiểm nghiệm tính hợp lý của các quy định ấy trong quá trình áp dụng và sẽ kịp thời điều chỉnh những quy định tỏ ra bất hợp lý. Kiểu trấn an đó dễ khiến người ta nghĩ rằng đối với người làm luật, xã hội được ví như một con chuột bạch, một cơ thể sống mà trên đó người nắm quyền lực công tha hồ thực hiện các thí nghiệm về quản lý; nếu có lỡ làm sai, chỉ cần xóa đi và làm lại là xong.

Luật và các quy định như luật được làm trong khuôn khổ một hệ thống tư duy rất đặc thù như thế, sẽ có xu hướng từ bỏ chức năng cao quý của công cụ bảo vệ trật tự xã hội và lẽ phải, để trở thành một hình thức của bạo lực.

Muốn lái xe, phải qua 83 “ải” tiêu chuẩnToàn văn Quyết định, “Tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới” và Biểu mẫu Giấy chứng nhận sức khỏe của Bộ Y tế.Mọi người đều có quyền bình đẳng"Ngực lép" không được lái xe trên 50 cc!Sự phân biệt đối xử vô tình!Người dưới 40kg và dưới 1,45m không được cấp bằng lái: Chỉ áp dụng cho trường hợp cấp mớiQuyền đi lạiChiều cao, cân nặng không đủ yêu cầu: không được đi xe máy!

 TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên