Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Ngay lập tức, lãnh đạo Bộ Công thương và một vị phó tổng giám đốc khác của EVN đã phủ nhận thông tin này. Đến nay qua báo cáo của ngành điện, chưa nói tới những yếu tố giúp EVN lãi, sự thật EVN đang lãi và mức lợi nhuận 2.763 tỉ đồng là không hề nhỏ.
Lạm phát đang cao, người dân khó khăn, doanh nghiệp và Nhà nước luôn muốn hạ giá thành đầu vào, đặc biệt là giảm giá các loại năng lượng then chốt, trong đó có điện. EVN kêu thiếu vốn. Thủ tướng yêu cầu phải chuyển tiền chênh lệch từ đợt tăng giá điện ngày 1-1-2007 vào quỹ đầu tư phát triển. Thế nhưng EVN xin trích 36% lợi nhuận để lập quỹ khen thưởng, sau đó mới chuyển vào quỹ đầu tư theo yêu cầu của Thủ tướng. Bên cạnh đó, EVN vẫn trình phương án tăng giá điện do thiếu vốn đầu tư, do giá bán chưa thu hút đầu tư vào ngành điện...
Vậy áp lực thiếu vốn của EVN có thật sự lớn? Ngành điện đã thật sự tiết kiệm các nguồn lực để đầu tư? Trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với chính công việc của mình từ những vị lãnh đạo EVN thế nào khi liên tục kêu thiếu vốn, nhưng khi vừa có lợi nhuận lại đòi chia ngay, tới hơn một phần ba số lợi nhuận đó?
1.002 tỉ không phải số tiền nhỏ. Nó bằng tổng số thu ngân sách của một tỉnh, với đóng góp cả triệu người dân trong một năm. Có thể nó không lớn so với nhu cầu đầu tư của EVN nhưng số tiền đó nếu giúp giảm được một ngày cắt điện, cũng rất đáng đem đi đầu tư. Nó sẽ giúp hàng ngàn doanh nghiệp, hàng chục ngàn công nhân bớt đi những nhọc nhằn, thiệt hại như đã thấy trong những ngày thiếu điện gay gắt tháng sáu, tháng bảy vừa qua.
Doanh nghiệp được quyền có lãi. Người VN đã đủ thực tế để không tin vào những lời hứa viển vông, sự tận tụy trên giấy tờ của các doanh nghiệp. Điều họ cần là làm rõ những khoản tiền họ đóng, những “chia sẻ” của họ được sử dụng thế nào. Mức đóng của họ có hợp lý hay không. Trước đây, với giá cước điện thoại di động là 3.000đ/phút, Vinaphone vẫn kêu khó khăn, kêu lỗ. Nay độc quyền vẫn chưa hết, tới lượt các công ty xăng dầu, EVN kêu khó khăn.
Với một doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội, sự tôn trọng người tiêu dùng cao nhất chính là sự minh bạch. Minh bạch trong giá, minh bạch về chất lượng phục vụ... Sự minh bạch ấy nếu doanh nghiệp không tự công bố thì Kiểm toán Nhà nước sẽ phải công bố, đặc biệt đối với các doanh nghiệp độc quyền. Không thể kéo dài mãi tình trạng tù mù về lãi lỗ của các doanh nghiệp nhà nước. Vì vốn của Nhà nước thật ra cũng là vốn của nhân dân.
Đây cũng là cơ hội để xem lại thời điểm tăng giá, mức tăng giá mà EVN đề xuất đã hợp lý chưa. Hiện EVN có lãi nhưng không ưu tiên đầu tư, cùng đó vẫn kiên quyết tăng giá với lý do để có tích lũy đầu tư, khi được tăng giá rồi, lợi nhuận cao hơn, EVN còn đòi trích đến mấy ngàn tỉ để tự khen thưởng chính mình?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận