24/08/2008 08:32 GMT+7

Khi người làm được thì không được làm

ĐẶNG NHƯ LỢI(phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội)VÕ VĂN THÀNH ghi 
ĐẶNG NHƯ LỢI(phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội)VÕ VĂN THÀNH ghi 

TT - Câu hỏi vì sao công chức nghỉ việc hàng loạt đã trở thành mối quan tâm không chỉ của những người có trách nhiệm. Khi xã hội đã dùng hình ảnh "làn sóng" để nói về vấn đề này là lúc cần phải nhìn nhận vấn đề đúng tầm mức của nó, nhất là trong bối cảnh Quốc hội đang thảo luận một đạo luật về cán bộ, công chức.

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Nhìn vào những nguyên nhân sâu xa của thực trạng công chức xin nghỉ việc, rõ ràng không chỉ có một câu chuyện về tiền lương. Phải bắt đầu mổ xẻ "làn sóng" này từ mối quan hệ giữa con người với con người trong công việc.

Trong khi tinh giản biên chế đang là một mục tiêu được theo đuổi, việc công chức viết đơn xin nghỉ việc có lẽ không đáng bận tâm đến vậy, nếu như không có một thực tế chỉ những công chức giỏi mới có khả năng ra vùng vẫy ở bên ngoài. Thành quả lao động là niềm vui đối với những người có năng lực, một môi trường làm việc có điều kiện phát huy được năng lực đối với họ là điều rất quan trọng. Nhưng cái khó của khu vực nhà nước là nhiều khi cơ chế dẫn đến việc chọn người được làm, chứ không chọn người làm được.

Hãy thử hỏi trong một vài cơ quan nhà nước có công chức giỏi xin ra làm ngoài, xem người lãnh đạo sử dụng họ như thế nào, bố trí và đánh giá công việc của họ ra sao, có trao cho họ quyền làm việc bằng cái đầu của mình không? Nếu như người lãnh đạo đó không giỏi hơn họ về chuyên môn, lại ra quyết định trái với chuyên môn họ nghiên cứu thì làm sao những công chức giỏi, đầy tự trọng có thể chịu được?

Dĩ nhiên, tiền lương là một nguyên nhân quan trọng. Cùng một năng lực, người công chức ra làm ngoài sẽ có thu nhập gấp nhiều lần so với ở trong khu vực nhà nước, vậy thật dễ hiểu khi họ ra đi. Việc tăng lương nói chung hoặc trả lương xứng đáng cho những công chức có năng lực đều là những bài toán khó. Làm sao có thể trả lương cho một công chức trẻ có năng lực cao hơn một công chức đã cống hiến 20 năm, 30 năm cho Nhà nước? Giải quyết cho ông công chức lâu năm kia thôi việc cũng là điều không thể với hoàn cảnh thực tế hiện nay.

Nhưng có một thực tế là những ngành nghề như hải quan, thuế, cấp giấy tờ đất đai, quy hoạch đô thị..., nói chung là những công việc có liên quan đến xin - cho thì ít thấy ai bỏ việc. Trong khi đó, những người làm việc trong các tổ chức Đảng, đoàn thể, trong các khu vực soạn thảo văn bản chính sách... thu nhập thường khiêm tốn mà công việc đòi hỏi ở họ rất lớn. Ai đó đã đúng khi nói rằng người giỏi không mất đi mà chỉ chuyển từ nơi này sang nơi khác, và dù ở đâu họ cũng đều đóng góp năng lực của mình cho xã hội. Có điều nếu như trong khu vực hoạch định chính sách không có một đội ngũ cán bộ, công chức giỏi, làm sao ra được một hệ thống chính sách hợp lý và tổ chức thực hiện tốt hệ thống đó để thúc đẩy sự phát triển chung?

Tôi đã nhiều lần tham gia ý kiến với Chính phủ về việc sửa đổi hệ thống tiền lương của cán bộ, công chức. Với sức chịu đựng của ngân sách và trong bối cảnh lạm phát hiện nay, chúng ta không thể làm nhanh vấn đề này, nhưng cần phải có phương án cụ thể được thực hiện kiên quyết. Đặc biệt là vấn đề gắn việc xếp lương, trả lương với trình độ, chất lượng, trách nhiệm và kết quả công tác của cán bộ, công chức. Theo tôi, đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng để chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, công chức để họ làm tốt công tác quản lý nhà nước, không gây phiền hà, sách nhiễu đối với dân. Bao giờ cũng vậy, con người là yếu tố quyết định, con người tốt thì bộ máy mới vận hành trơn tru và hiệu quả.

ĐẶNG NHƯ LỢI(phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội)VÕ VĂN THÀNH ghi 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên