10/04/2006 05:30 GMT+7

Làm gì để trả nợ mỗi năm 2 tỉ đôla?

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Cú sốc “mỗi năm trả nợ 2 tỉ USD” đã lan khắp bề mặt báo chí trong tuần qua. Điều đó cho thấy công luận và công chúng quan tâm đến đất nước như thế nào. Hãy nhìn thấy nơi làn sóng quan tâm đó một vận hội tích cực: vận hội “thật sự liêm chính cần kiệm”.

jjx0RqwU.jpgPhóng to
PMU 18 luôn được ưu ái giao cho quản lý hàng trăm triệu USD từ nguồn vốn ODA, vốn trái phiếu chính phủ... để đầu tư hạ tầng giao thông. Trong ảnh: cầu Hoàng Long (TP Thanh Hóa) sau khi khánh thành đã xảy ra hàng loạt sự cố sụt lún, làm thay đổi thiết kế, tăng chi phí xây dựng tới 36 tỉ đồng
TT - Cú sốc “mỗi năm trả nợ 2 tỉ USD” đã lan khắp bề mặt báo chí trong tuần qua. Điều đó cho thấy công luận và công chúng quan tâm đến đất nước như thế nào. Hãy nhìn thấy nơi làn sóng quan tâm đó một vận hội tích cực: vận hội “thật sự liêm chính cần kiệm”.

Liêm chính như là điều kiện tiên quyết để có thể nghĩ đến bất cứ điều gì, cần kiệm, nâng cao năng lực, cải cách hành chính… cho bộ máy công quyền hiện tại đã có quá nhiều khuyết tật.

Hãy nương theo làn sóng ý dân muốn “sạch” đó để thật sự làm sạch bộ máy. Từ đó, hãy khởi sự một ý thức mới “chúng ta đang nợ, hãy sống, làm việc, sử dụng nợ như là những con nợ chứ đừng như là các chủ nợ !”. Một khẩu hiệu có như “xát muối” như thế sẽ dã tật hơn là những khẩu hiệu “đầu môi chót lưỡi” kiểu “chống lãng phí là nghĩa vụ và quyền lợi của… toàn dân” như đã từng thấy qua từng đợt tuyên truyền.

Hãy dịch, in và tổ chức học tập các công ước chống tham nhũng quốc tế mà VN đã ký với Liên Hiệp Quốc và OECD/ADB song chưa chuyển qua Quốc hội phê chuẩn để đến khi phê chuẩn các quan chức, công chức đều thuộc nằm lòng đâu là những hiểm nguy chờ đợi họ nếu như họ tham nhũng, chuyển tiền rửa tiền ra nước ngoài...

Không một bộ luật chống tham nhũng nào của ta có sức răn đe do tính chất truy nã toàn cầu bằng các công ước đó.

Cũng đừng băn khoăn: sao mà hết giám đốc WB lại đến đại sứ Nhật nhắc nhở vụ PMU18…? Thật ra họ, những nhà tài trợ ODA - từ nay xin gọi là các chủ nợ cho đúng bản chất - đã quá “rành sáu câu” các PMU “bại hoại” của chúng ta, chứ không phải nay do báo chí “khui” mà họ mới giật mình. Chẳng qua họ chưa có dịp nói thẳng “ngay chính diện” đó thôi.

Tháng mười năm ngoái, họ đã phổ biến một nghiên cứu gồm đến 105 nhận xét về cách thức chúng ta sử dụng ODA (từ nay hãy gọi là nợ cho khỏi quên), do Jacquemin và Bainbridge chấp bút theo ủy nhiệm của các tổ chức “chủ nợ” (còn gọi là nhà tài trợ), tổng cộng có 25 chủ nợ gồm các quốc gia và 15 tổ chức quốc tế.

Hãy cùng đọc một trong số 105 nhận xét đó: “Một số nhà tài trợ cho rằng chính do các quyền lợi “thâm căn cố đế” của mình mà các bộ chủ quản không hậu thuẫn việc loại bỏ các PMU. Một đại diện LHQ phát biểu: “Chúng tôi muốn ra khỏi cơ cấu song hành này song họ lại thích PMU. Các bộ không lợi lộc gì một khi loại bỏ các PMU.

Sự mâu thuẫn giữa quyền làm chủ mục tiêu của Chính phủ và sự đáp ứng (của các nhà tài trợ) với các cơ cấu của Chính phủ cứ tồn tại là do một số thành viên Chính phủ cứ khăng khăng duy trì các cơ cấu song hành đó” (nhận xét 68).

WB cũng đã phổ biến “Cẩm nang chống tham nhũng tại VN” mà trong đoạn “Thay lời tựa” có ghi rõ: “Tài liệu này đã được soạn như là một công cụ cụ thể giúp chống tham nhũng tại VN, đặc biệt nhắm đến các quan chức quản lý dự án”. Qua đó, họ vạch rõ những gì “ta tưởng họ không biết song thực ra họ quá biết”, thậm chí đến cả trong tâm tư các quan chức của ta như sau:

- Trong số các viên chức liên quan đến dự án, các viên chức trong các cơ quan thực hiện dự án cần được chú ý nhất. Xem xét lợi lộc của họ là gì và quyền hạn tác động của họ nơi các công đoạn then chốt của dự án đến đâu. Một số lợi ích cá nhân có thể xảy ra trong các trường hợp sau:

+ Viên chức được đánh giá trên cơ sở “biết điều” với cấp trên thay vì trên hiệu quả.

+ Do phải chi trả phí “mua chỗ hái ra tiền” nên phải lo thu hồi vốn bằng các thu chi bất hợp pháp từ ngân sách dự án...

- Qui mô kinh phí dự án càng lớn, quyền lực càng lớn, lợi ích càng béo bở. Các viên chức trong các chức vụ béo bở thường hay phản đối các biện pháp làm tăng tính công khai minh bạch hoặc thụ động trước các biện pháp đó.

- Mỗi cá nhân viên chức có thể không đủ sức hay vị thế để vượt qua những cám dỗ tham nhũng mang tính hệ thống trong cơ quan đó cho dù trong lòng họ không muốn thế”.

Hãy nghiên cứu các nhận xét và khuyến cáo của họ và từng bước tự giải quyết các tồn tại trong hệ thống quản lý của chúng ta. Từ đó, mới có thể chống thất thoát, chống tham ô, chống lãng phí và tiết kiệm được đủ để trả nợ mỗi năm 2 tỉ USD.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên