22/03/2006 02:07 GMT+7

Chế độ pháp trị

TS NGUYỄN SĨ DŨNG
TS NGUYỄN SĨ DŨNG

TT - Nhà nước pháp quyền được xây dựng trên nền tảng của chế độ pháp trị. Vì vậy nếu dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội X của Đảng đề ra nhiệm vụ “xây dựng cơ chế vận hành của nhà nước pháp quyền”, thì cơ chế đó chính là chế độ pháp trị (the rule of law trong tiếng Anh).

80FgK9mk.jpgPhóng to
Bao nhiêu kỳ họp Quốc hội nữa thì Việt Nam thực sự có nhà nước pháp quyền?
TT - Nhà nước pháp quyền được xây dựng trên nền tảng của chế độ pháp trị. Vì vậy nếu dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội X của Đảng đề ra nhiệm vụ “xây dựng cơ chế vận hành của nhà nước pháp quyền”, thì cơ chế đó chính là chế độ pháp trị (the rule of law trong tiếng Anh).

Chế độ pháp trị gắn liền với nhà nước pháp quyền có khái niệm khác hẳn với chế độ pháp trị bắt nguồn từ tư tưởng của Hàn Phi Tử, một triết gia Trung Quốc cổ đại.

Khái niệm pháp trị trong cách hiểu của người Trung Quốc cổ đại đối lập với khái niệm đức trị. Pháp trị là dùng pháp luật để cai trị, chứ không phải dùng đạo đức để cai trị. Trong trường hợp này, pháp luật chỉ là công cụ của nhà nước, và nhà nước đứng trên pháp luật. Một nhà nước chuyên quyền sẽ ban hành mọi thứ luật mà nhà nước đó muốn và cần để cai trị.

Còn khái niệm pháp trị gắn liền với nhà nước pháp quyền thì đối lập với khái niệm nhân trị. Pháp trị là pháp luật cai trị chứ không phải con người cai trị. Trong trường hợp này không ai có thể đứng trên pháp luật, kể cả nhà nước.

Theo cách hiểu như trên, pháp trị là một trật tự pháp lý độc lập (với chính trị, tôn giáo...). Nó bao gồm ba ý nghĩa cơ bản sau đây: pháp trị là công cụ để điều chỉnh nhà nước (điều chỉnh quyền lực); pháp trị có nghĩa là tất cả mọi chủ thể đều bình đẳng trước pháp luật; pháp trị có nghĩa là bảo đảm công lý về thủ tục và về hình thức.

Với tư cách là công cụ điều chỉnh quyền lực, pháp trị có hai chức năng: một là hạn chế sự độc đoán của nhà nước và hạn chế sự lạm quyền; hai là làm cho nhà nước hành xử hợp lý, làm cho chính sách của nhà nước được anh minh. Lạm quyền được hạn chế bằng những nguyên tắc sau đây:

1. Bảo đảm tính tối thượng của pháp luật. Pháp luật phải được đặt trên nhà nước và đảng phái.

2. Nhà nước phải tuân thủ một hệ thống thủ tục được xác lập từ trước và được công bố công khai.

3. Bảo đảm nguyên tắc người dân được làm mọi điều pháp luật không cấm, nhưng nhà nước chỉ được làm những điều mà pháp luật cho phép.

Mặc dù những nguyên tắc nói trên hạn chế khả năng hành xử tùy tiện của nhà nước, nhưng chúng lại làm cho việc hành xử của nhà nước được dẫn dắt nên thường hợp lý và anh minh.

Với tư cách là công cụ bảo đảm công lý về thủ tục và về hình thức, chế độ pháp trị đòi hỏi:

1. Hệ thống pháp luật phải có đầy đủ các qui định công bằng và minh bạch về thủ tục ban hành quyết định (không thể thích thế nào thì quyết thế ấy).

2. Các qui định về thủ tục ban hành quyết định phải được xác định từ trước và phải được công bố công khai từ trước (không thể sửa luật chơi trong lúc đang chơi).

3. Các qui định về thủ tục ban hành quyết định phải được áp dụng một cách công khai, minh bạch (không thể áp dụng các qui định mà không dẫn chiếu được, không lý giải được).

4. Các qui định về thủ tục ban hành quyết định phải được áp dụng một cách nhất quán (không thể nay áp dụng thế này, mai áp dụng thế khác).

Việc xây dựng chế độ pháp trị là rất cần thiết để vận hành nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tránh được sự nhầm lẫn về khái niệm giữa pháp trị theo cách hiểu của người Trung Quốc cổ đại và pháp trị theo cách hiểu hiện đại. Vì rằng, nếu chúng ta nhầm lẫn thì việc xây dựng đất nước theo một mô hình “cổ kính” là điều rất dễ xảy ra.

TS NGUYỄN SĨ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên