01/12/2011 08:00 GMT+7

Bangkok những ngày nước rút

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Suwat, anh chàng hướng dẫn viên người Thái, cười toét, hồ hởi vượt xa yêu cầu xã giao khi gặp khách ở sân bay Suvarnabhumi (Bangkok, Thái Lan).

ls5etbo3.jpgPhóng to
Nước vẫn còn lấp xấp nhưng người dân ở thủ đô Bangkok đã bắt đầu trở về dọn dẹp nhà cửa - Ảnh: P.VŨ

Chúng tôi là đoàn khách đầu tiên của anh sau gần hai tháng “thất nghiệp” vì nước lũ. “Không có việc làm, nhà ở ngoại ô nước ngập tới ngực nên tôi sang Việt Nam du lịch cả tháng trời, vừa mới về đây thôi” - Suwat kể. Và anh còn hồ hởi hơn nữa: “Giờ nước rút nhiều rồi, tôi sắp được về nhà”.

Xắn quần chờ nước rút

Nhà anh Suwat ở quận Bang Khen, cách trung tâm Bangkok hơn 30km. Đến thăm nhà anh phải đi qua những con đường cao tốc có hàng ôtô đậu tránh lũ dài hàng kilômet. Rẽ khỏi đường lộ vào khu dân cư là thấy nước. Xắn quần lội vào, nước ngập ngang bắp chân nhưng so với mớn nước còn đóng rêu trên tường thì ba phần đã rút hết hai rồi. Khu dân cư này vốn đông đúc nhưng đến hôm nay đa số nhà vẫn còn khóa cửa, điện vẫn cắt, chủ nhân phải đi tìm các khu chung cư, nhà trọ, khách sạn ở khu vực khác để trú tạm từ hai tháng nay như anh Suwat. Nhiều bảng thông báo được treo lủng lẳng trước cửa.

Ưu tiên phục hồi ngành du lịch

Du lịch, ngành kinh tế chiếm tỉ trọng 15% GDP Thái Lan, là một ngành được ưu tiên dành nhiều nỗ lực để hồi phục sau lũ sớm nhất. Cập nhật tin tức, hình ảnh từng phút ra thế giới, tổ chức các đợt bán hàng giảm giá, nâng giá trị tour du lịch, tổ chức lễ hội hoa, liên hoan phim... là các chương trình đã và sẽ được Tổng cục Du lịch Thái Lan phối hợp với các ngành và doanh nghiệp tổ chức để kích hoạt trở lại hoạt động du lịch Thái.

“Việt Nam là một thị trường khách du lịch rất quan trọng mà chúng tôi hướng đến để thu hút, nhất là trong dịp Tết âm lịch sắp tới” - ông Sugree Sithivanich, phụ trách truyền thông Tổng cục Du lịch Thái Lan, khẳng định.

Trong các quán ăn, ghế vẫn gác trên bàn, một vài chiếc ôtô vẫn còn được treo trên giàn, soi bóng xuống nước. Rẽ vào các ngõ nhỏ hơn nữa, mức nước ngập cao hơn, vài người chèo xuồng nhựa qua lại giữa các nhà trao đổi vài món đồ gia dụng.

Đã có một số nhà mở cửa. Chủ nhân xắn quần, chân mang ủng, tay cầm bàn chải, chổi cọ lom khom lúi húi tìm cách dọn dẹp, chà rửa các mảng tường. Lại có người cầm máy ảnh, điện thoại loay hoay tìm góc chụp căn nhà ngâm trong nước, cười tươi giải thích với khách lạ: “Để nộp cho nhà nước, còn nhận trợ cấp của chính phủ”. Khoản tiền 5.000 baht trợ cấp cho mỗi hộ không lớn nhưng cũng là một nguồn động viên giúp mọi người nở được nụ cười những lúc lội nước đi ngang qua nhà mình. Những chiếc xe bán tải tấp nập qua lại, phía sau chất đồ đạc lỉnh kỉnh của những người đã có may mắn được trở về nhà.

“Chưa bao giờ thấy nước nhiều như vậy”, người Thái nào cũng ngạc nhiên kể khi gặp khách nước ngoài ở khách sạn. Các khách sạn lớn như Prince Palace ngày thường tràn ngập khách quốc tế nhưng hôm nay có rất nhiều người Thái. Ở, ăn tại khách sạn với mức giá ưu đãi, các khu dịch vụ ngay sát xung quanh, đi làm lại tránh bớt được nạn kẹt xe ở Bangkok vốn đã nổi tiếng thế giới, nhưng ai nấy đều sốt ruột chờ tin nước rút.

Đi về phía bắc Bangkok chừng 60km, nước vẫn còn ngập tới hơn 1m. “Còn ngập nhưng nước không lên nữa mà xuống là mừng lắm rồi. Sắp được về nhà” - vừa lấy một suất ăn buffet, chị Klongsakon, nhà ở quận Don Mueang, không giấu được sự hồi hộp nói. Don Mueang là một trong 13 quận của Bangkok (tổng số 52 quận) vẫn còn bị ngập đến hôm nay. Chị phải rời nhà gần hai tháng rồi.

Dọc các cao ốc lộng lẫy, các khu trung tâm thương mại rộng lớn, ngay cả đường vào hoàng cung là những dãy bao cát xếp chồng chồng, lớp lớp, thỉnh thoảng lại có những cổng, cửa đã được bao bọc sẵn bên ngoài một khung ximăng cao cả mét. “Những thứ này là để phòng hờ khi có thông báo toàn Bangkok sẽ ngập. Nhưng cuối cùng nước đã không đến đây” - anh Suwat giải thích.

Nước không ngập đến tận đây nhưng nước cũng chưa rút đi ở các khu xung quanh nên sự hiện diện của các bao cát dù có vướng víu cũng không làm ai cảm thấy khó chịu. Các du khách Việt Nam thì mỉm cười: “Giống quê mình quá. Thì ra với lũ lụt, ở đâu cũng xài bao cát”.

Vẫn xinh đẹp, vẫn bình yên

“Beautiful Thailand” (Thái Lan vẫn xinh đẹp) là thông điệp mà Chính phủ Thái quyết tâm gửi đến toàn thế giới sau trận lũ lịch sử. Và Thái Lan vẫn bình yên là cảm nhận của những du khách đầu tiên đến khi lũ đang rút như chúng tôi.

Royal Dragon là nhà hàng lớn nhất Bangkok, cũng là lớn nhất Thái Lan với diện tích hơn 8 ha, sức chứa 5.000 khách, hôm nay vắng đìu hiu. Các khoảng sân rộng mênh mông với đèn lồng, ao sen, những bộ bàn ghế đẹp và vài bàn khách lẻ loi trông buồn lạ. Tuy vậy trên các bàn ăn, chén đũa vẫn được xếp chỉn chu. Các món ăn vừa lấy ra khỏi bếp khói bốc nghi ngút vẫn được người phục vụ trượt patin lao vun vút qua sân mang đến thực khách.

Trên sân khấu, vũ khúc Apsara vẫn rộn ràng và cứ 15 phút một lần, một vũ công mặc bộ áo quần nữ thần lấp lánh, tay mang mâm thức ăn bốc lửa, “bay” qua khoảng sân mênh mông khiến ai nấy đều phải ngoái nhìn...

“Đó là tiết mục đặc biệt của nhà hàng chúng tôi. Các đặc trưng, đặc sản của nhà hàng vẫn được duy trì trọn vẹn để phục vụ thực khách dù rằng hơn ba phần tư trong số hơn 1.200 nhân viên đang phải tạm ngừng việc. Họ bỗng dưng lại được nghỉ phép dài ngày trong mùa mà hằng năm là cao điểm này. Được nghỉ đi chơi mà ai cũng sốt ruột. Chúng tôi đang chờ cơ hội hồi phục trở lại vào tháng 12, dịp sinh nhật đức vua” - ông Vichai Sahassapol, quản lý nhà hàng, vẫn cười rất tươi khi kể với khách những nỗi lo lắng của mình.

Đến xem chương trình văn nghệ tạp kỹ Siam Niramit cũng vậy. Lượng khách tối nay chỉ hơn 200 so với hơn 2.000 của những ngày trước cơn lũ. Nhưng khu giới thiệu văn hóa Thái không vì thế mà buồn, sô diễn dài 80 phút tái hiện lịch sử hình thành và phát triển đất nước Thái Lan không vì thế mà kém hoành tráng.

Bước một bước qua những khu giới thiệu ngành nghề thủ công, những căn nhà sàn dân tộc là nghe thấy lời chào “Sawatdee ka”, ngẩng lên là gặp những nụ cười Thái xinh đẹp. Người đổ bánh khọt, người pha trà, người quay tơ, người khâu áo... bình yên như cơn lũ chưa từng đi qua. Và khi sân khấu mở màn, dù khán phòng chỉ đầy một phần, hơn 100 diễn viên vẫn bay lượn nhảy múa nhiệt tình như khi phía dưới là một đám đông nghẹt cứng.

Phút bất ngờ một dòng sông xuất hiện trên sân khấu, trong khán phòng có rất nhiều tiếng xuýt xoa thán phục như là lần đầu tiên nhìn thấy nước, quên cả cảnh những con đường bỗng biến thành dòng sông mà họ đã xem trên báo, truyền hình trước khi đến đất Thái.

Và khi đường đi đến điểm vui chơi nổi tiếng Safari vẫn ngập trong nước, Safari World đã mau chóng được thay thế bằng những điểm khác như Khau Kheow để giới thiệu với khách và để các gia đình người Thái đến thư giãn sau những ngày vật lộn với nước lũ. Lần đầu tiên phải ứng phó với lũ, người Thái Lan đã cố gắng ứng phó và vẫn với nụ cười Thái.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên