Phóng to |
Điều đáng trân trọng ở những người công an ít khi mặc sắc phục này là sự hi sinh thầm lặng để chặn đứng các đường dây tội ác.
Họ chính là những chiến sĩ PC.17 - Phòng cảnh sát điều tra tội phạm ma túy. Nhắc đến họ là nhắc đến một tập thể những “người hùng”, mà đi đầu là những cái tên quen thuộc: Hai “lửa”, Lý Đại Bàng...
PC.17 chính thức thành lập từ tháng 2-1998 với quân số ban đầu vỏn vẹn 32 cán bộ chiến sĩ, được điều động từ các đơn vị nghiệp vụ... chẳng liên quan tí gì đến ma túy: hình sự, trật tự, giao thông, quản lý hành chính... Hồi đó, từ chỉ huy cho đến trinh sát do mới tiếp cận, đấu tranh với loại tội phạm mới, nghiệp vụ còn hạn chế nên ba năm đầu (1998-2000) PC.17 dường như chỉ... học việc, phá một vài chuyên án nhỏ lẻ mà cấp phường bây giờ cũng có thể làm được. Trong khi đó, bọn tội phạm mua bán heroin, thuốc lắc ngày càng lộng hành, thách thức pháp luật. Những tụ điểm mua bán, hút chích nổi lên như nấm sau mưa...
Những trận đánh làm nức lòng dân
Đầu năm 2001, ban giám đốc Công an TP.HCM quyết định chấn chỉnh, củng cố lực lượng (tăng lên 64 cán bộ, chiến sĩ), nâng cao nghiệp vụ, trang bị phương tiện cho PC.17. Một số gương mặt “khét tiếng” trong lĩnh vực trấn áp tội phạm như Lê Thanh Liêm - phó Công an Q.Tân Bình lúc đó - được điều về làm trưởng phòng, Lý Đại Bàng - phó Công an Q.5 - về làm phó phòng, cùng nhiều cán bộ, trinh sát dạn dày kinh nghiệm được tăng cường về PC.17.
PC.17 đã khám phá 383 vụ án ma túy, trong đó có 68 tổ chức, đường dây mua bán ma túy lớn; bắt 921 tên, thu giữ 140kg heroin, gần 30.000 viên và 2,5kg ma túy tổng hợp, 5.000 ống tân dược gây nghiện, 5 khẩu súng, 2 quả lựu đạn, 66 viên đạn, gần 1,4 tỉ đồng, 300.000 USD, kê biên 23 căn nhà mặt tiền, hàng chục hecta đất trang trại, 9 ôtô, hàng trăm xe máy (tổng cộng tài sản tịch thu, kê biên lên đến hàng trăm tỉ đồng)... Trong bốn năm qua, nhiều cá nhân, tập thể PC.17 được nhận: Huân chương chiến công hạng II, Huân chương chiến công hạng III, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM, Bộ Công an, giấy khen của giám đốc Công an TP.HCM...; được lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ nhiều lần đến thăm, khen ngợi. |
Ngay trong lần ra mắt đầu tiên, Lê Thanh Liêm đã chỉ huy chuyên án 420E bắt trùm đường dây thuốc lắc Châu Phát, thu 1.310 viên (kỷ lục lúc đó). Tiếp đó, ngày 19-5-2001, bắt đường dây thuốc lắc do Ngô Khải Minh, Lâm Đại Du, Bùi Thụy Giang Thanh, thu 8.047 viên. Rồi chuyên án 425E bắt Quách Tiểu Bửu, Nguyễn Trang Bích Đào khi vừa bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất cùng 1.470 viên. Từ ba đường dây này, PC.17 phăng ra và bắt "trùm" Tay Chin Kheng cùng 12.000 viên thuốc lắc...
Sau một thời gian bị đánh rát, bọn mua bán ma túy không còn mặn mà với thuốc lắc mà chuyển sang heroin. Mở màn cho chiến dịch này là chuyên án 430H bắt trùm La Thị Hạnh cùng bốn tên, thu một bánh heroin (thời điểm đó là khá lớn). Tiếp đó, chuyên án 126H triệt phá đường dây vận chuyển heroin từ Campuchia, bắt vợ chồng Nguyễn Ngọc Vương - Trần Thị Ngọc Yến và Huỳnh Kim Ngân, thu 4,5 bánh (lớn nhất tính tới thời điểm đó). Ngày 9-1-2002, PC.17 tung mẻ lưới cất gọn năm đối tượng do Nguyễn Tiến Ngọc cầm đầu, thu giữ 4,5kg heroin (chuyên án 120H).
Phóng to |
Lê Thanh Liêm (phải), trưởng phòng PC17, đối diện với một trùm ma túy |
Ngày 22-11-2002, chuyên án 101H mở màn, bắt quả tang Nguyễn Thị Tư và Đào Văn Út đang vận chuyển một bánh heroin đi “bỏ mối”. Khai thác hai đối tượng trên, ban chuyên án lần ra một mắt xích quan trọng là Đỗ Thị Hoa (Hoa “minơ”) đang lẩn trốn tại Q.7. Sau nhiều ngày đeo bám, tổ trinh sát bắt được một đối tượng... lạ hoắc, trông chẳng giống Hoa “minơ” như trong ảnh hồ sơ.
Đấu tranh hàng giờ đồng hồ, người này vẫn kêu oan. Trinh sát gọi điện về ban chỉ huy xin thả nhưng nhận được lệnh: “Chờ chút”. 15 phút sau, trưởng, phó ban chuyên án Lê Thanh Liêm và Lý Đại Bàng có mặt. Và cũng chỉ cần 15 phút truy xét, Hoa “minơ” gục đầu thừa nhận: “Em là Hoa “minơ”. Để tránh gặp các anh, em đã đi thẩm mỹ. Không ngờ...”.
Hoa “minơ” cũng không ngờ rằng chỉ vài giờ sau đó “anh chị cả” của thị là Chu Đức Hải - Nguyễn Thị Nga cũng bị các trinh sát trẻ của PC.17 “ốp” gọn gàng trên đường Huyền Trân Công Chúa cùng 30 cục heroin. Khám xét nhà riêng của Hải - Nga trên đường Lê Hồng Phong các anh thu thêm 12kg. Một tháng sau, bảy đối tượng khác trong đường dây của Chu Đức Hải cũng lần lượt sa lưới.
Phóng to |
Đây là Dũng “lừng”, một đối tượng ma túy đặc biệt nguy hiểm lọt vào tầm ngắm của trinh sát PC17. Mọi bước đi của hắn đều bị... ghi hình |
Có được chiến công này, tập thể cán bộ, chiến sĩ PC.17 đã vắt kiệt mồ hôi ròng rã suốt sáu tháng trời theo dõi, trinh sát, tập hợp hồ sơ mới có trong tay sơ đồ của đường dây ma túy này. Và chỉ trong vòng một tuần truy tìm, toàn bộ đối tượng đã bị bắt…
“Thương hiệu" chất lượng cao
PC.17 được nhắc đến như một “thương hiệu” chất lượng cao của ngành Công an TP.HCM. Lãnh đạo Bộ Công an, Công an TP.HCM tự hào khi có một đơn vị nghiệp vụ cự phách. Các đồng nghiệp Công an TP hay các tỉnh, thành trên cả nước nhắc đến PC.17 với niềm trân trọng, cảm kích. Có được những thành tích ấy, theo thượng tá Lê Thanh Liêm - trưởng phòng PC.17, là sự nỗ lực của cả một tập thể.
Từ cán bộ chỉ huy như Lê Thanh Liêm (thường được gọi là Hai “lửa”-trưởng phòng), Lý Đại Bàng, Bùi Văn Ngạn (phó phòng), Nguyễn Mộng Hùng, Nguyễn Trọng Ninh (chỉ huy đội)... cho đến những trinh sát, chiến sĩ trẻ luôn sát cánh bên nhau đóng góp công sức vào thành công chung.
Trung tướng Nguyễn Việt Thành - tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát - có lần khen ngợi: “Thành tích của PC.17 là một dấu son của lực lượng Công an TP.HCM nói riêng và của ngành công an nói chung. Đây là một tập thể đoàn kết, có tinh thần chiến đấu cao, nghiệp vụ giỏi và đặc biệt có những cá nhân xuất sắc, đầy trách nhiệm. Trong đó phải kể đến Lê Thanh Liêm - người đã có công thổi ngọn lửa khát khao chiến thắng và lòng dũng cảm, gan dạ vào từng cán bộ chiến sĩ thuộc cấp của mình...”.
Trong những thành tích chiến đấu của PC.17 đã xuất hiện nhiều hình ảnh đẹp của người cán bộ, chiến sĩ không quản ngại gian khổ, dũng cảm đối mặt với tội phạm nguy hiểm. Một trong những yếu tố thành công cần ghi nhận và đáng được trân trọng chính là sự hi sinh thầm lặng hạnh phúc gia đình, bản thân cho nhiệm vụ chung.
Có những trận đánh từ cán bộ chỉ huy cho đến trinh sát phải “cấm trại 100%”, tức không tiếp xúc với bên ngoài hàng tháng trời ròng rã. Họ lao vào những cuộc chiến triền miên đến nỗi “quên” cả vợ con, người thân. Đại úy Nguyễn Trọng Ninh tâm sự: “Mình có vợ, có con, có cha mẹ già nhưng khi vào trận thì phải “quên” tất cả. Mọi tâm trí lúc đó chỉ dành cho công việc, để cùng anh em phá án càng nhanh càng tốt”.
Sau những trận đánh khốc liệt, gian khổ, họ quay về với gia đình, với đời thường cùng bao nỗi lo toan vất vả quanh chuyện áo cơm. Vậy mà, từ lúc “biết đánh án” (theo cách nói của anh em ở PC.17) cho đến nay chưa có một cán bộ, chiến sĩ nào mềm lòng trước những “lời đề nghị khiếm nhã” và những cám dỗ vật chất hấp dẫn mà bọn tội phạm giăng ra. Đáng nể hơn, từ trước đến nay cũng chưa có ai sa ngã trước tội phạm ma túy, đánh mất danh dự cá nhân và uy tín của đơn vị này.
Thượng tá Lê Thanh Liêm thổ lộ đầy vẻ tự hào: “Tôi biết anh em rất khó khăn và chịu nhiều thiệt thòi. Nhưng tôi biết họ là ai và tôi tin họ. Họ biết cách đứng vững trước mọi thử thách để không bán đứng anh em, đồng đội mình”.
Hết chuyên án này đến chuyên án khác, tập thể cán bộ, chiến sĩ PC.17 vẫn “nặng lòng” với ma túy. Nói như “anh cả” Lê Thanh Liêm: “Mỗi ngày thấy lớp trẻ lao vào ma túy, anh em chúng tôi không thể làm ngơ và nhận thấy trách nhiệm của mình càng lớn thêm. Cuộc chiến với ma túy là cuộc chiến trường kỳ. Nếu lơi lỏng, mất cảnh giác thì hậu quả thật khó lường”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận