11/08/2005 07:47 GMT+7

Mất hàng trăm, nghìn hecta đất nhưng không thấy ai bị bỏ tù!

ĐOAN TRANG
ĐOAN TRANG

TT - Đó là thắc mắc của Bộ trưởng Mai Ái Trực khi kiểm tra ở Hà Tây. Những vấn đề lãng phí đất đai, tồn đọng “sổ đỏ” và những phản ánh bức xúc của người dân cũng là vấn đề mà các đoàn kiểm tra khác luôn phải “đối mặt”...

Kiểm tra tình hình thực hiện luật đất đai:

9825NPeZ.jpgPhóng to
Trưởng đoàn kiểm tra số 12 Võ Tử Can (ngồi bên trái) đang tiếp bà con Tây Ninh tại trụ sở UBND P.4, thị xã Tây Ninh - Ảnh: Minh Luận
TT - Đó là thắc mắc của Bộ trưởng Mai Ái Trực khi kiểm tra ở Hà Tây. Những vấn đề lãng phí đất đai, tồn đọng “sổ đỏ” và những phản ánh bức xúc của người dân cũng là vấn đề mà các đoàn kiểm tra khác luôn phải “đối mặt”...

Hà Tây: không có “sổ đỏ” thì phát triển cái gì?

Không ồn ào, náo nhiệt, các hộ dân có mặt trong buổi tiếp dân của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Mai Ái Trực tại thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Tây), chiều qua (10-8) đã cho thấy quá trình thi hành Luật đất đai tại cơ sở có quá nhiều khiếm khuyết.

Theo báo cáo của UBND thị trấn Xuân Mai, sau khi có Luật đất đai năm 2003, toàn thị trấn mới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho 16% đất ở, 32% đất do các cơ quan, đơn vị quản lý.

Quá bức xúc vì không có “sổ đỏ”, công dân Nguyễn Trọng Thường chất vấn: “Thị trấn khuyến khích người dân phát triển kinh tế nhưng phát triển cái gì nếu không có “sổ đỏ”? Không có “sổ đỏ” nên chúng tôi chẳng thể thế chấp vay vốn được”.

Giải thích về sự chậm trễ này, ông Nguyễn Minh Ngọc, chủ tịch UBND thị trấn, cho rằng do Xuân Mai nằm trong chuỗi đô thị Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn chưa có qui hoạch chi tiết nên dẫn tới khó khăn trong việc cấp “sổ đỏ”.

Không đồng ý với cách giải thích đó, công dân Lê Xuân Thưởng phản ứng: “Cấp chậm vì sự hướng dẫn ở tỉnh, huyện chưa cụ thể chứ không phải chờ qui hoạch”.

Ông Mai Ái Trực quay sang hỏi cán bộ địa chính thị trấn: “Luật đất đai có hướng dẫn không có qui hoạch thì không cấp giấy chứng nhận không?”.

Ông Nguyễn Như Vân, cán bộ địa chính, cho biết việc không cấp “sổ đỏ” cho dân là do Luật đất đai qui định chỉ cấp “sổ đỏ” cho những trường hợp đất đã được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với qui hoạch sử dụng đất. Ông Trực ngao ngán: “Các anh hiểu thế thì thiệt cho dân”.

Ngoài sự chậm trễ trong việc cấp “sổ đỏ”, các công dân có mặt tại buổi tiếp cũng đã thông báo với Bộ trưởng Mai Ái Trực về tình trạng đất công bỏ hoang trên địa bàn thị trấn và việc các cơ quan Nhà nước tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất của nhà nước.

Ông Mai Ái Trực cũng khá bức xúc với tình trạng này. Ông Trực chỉ ra hai khuyết điểm của các cơ quan nhà nước trên địa bàn thị trấn là giao đất trái phép và để đất bị lấn chiếm. Ông Trực thắc mắc: “Mất hàng trăm, nghìn hecta đất mà không ai bị bỏ tù thì vô lý”.

Đồng Nai: sẽ điều chỉnh một số qui hoạch “treo”

“Qui hoạch khu du lịch hồ Suối đá rộng 120ha “treo” quá lâu (hơn 10 năm), huyện kêu chờ tỉnh, tỉnh nói đang kêu gọi đầu tư.

Dân kêu vì không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đường giao thông chưa có, điện cũng chưa”, ông Trần Huy Minh, chủ tịch UBND thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, phản ảnh như vậy với ông Nguyễn Khải - trưởng đoàn kiểm tra tình hình thi hành Luật đất đai số 1 chiều 10-8.

Ông Minh cũng bức xúc về dự án đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa lộ giới 50m, có tới 200 hộ bị giải tỏa trắng nhưng chưa có kinh phí thực hiện, chưa có chỗ tái định cư...

Huyện Trảng Bom (Đồng Nai): Những “chuyện lạ”

Gia đình liệt sĩ... bị “đì”

Chị Nguyễn Thị Nhàn, con liệt sĩ Nguyễn Tư Thanh, ở ấp Bàu Cá, xã Trung Hòa đã khiếu nại để xin được đền bù hơn 1.100m2 đất mà gia đình chị được cấp từ năm 1981.

UBND xã không giải quyết và nói rằng đất nhà chị Nhàn để làm công trình công cộng (mở rộng quốc lộ). 14 năm trôi qua, tiền đền bù không có, đường cũng chưa thấy làm nhưng toàn bộ đất nhà chị lại được UBND xã giao cho hộ khác sử dụng.

Xã tự qui hoạch

Năm 2003, UBND xã Đông Hòa cắm trên đất bà Phạm Thị Độ bảng qui hoạch làm trung tâm văn hóa xã. Bà Độ không đồng ý, gửi đơn thưa.

Tháng 5-2004, xã cho người rút bảng qui hoạch này và cắm sang đất nhà bà Hoàng Thị Lãng. Bà Lãng đã chết vì uất ức vào tháng 8-2004. Anh Trần Văn Chu, con trai bà Lãng, đi khiếu kiện.

Mới đây, xã lại đem bảng qui hoạch cắm sang đất anh Nguyễn Văn Hạnh. Trưa 10-8, anh Chu và anh Hạnh rủ nhau đi tìm đoàn kiểm tra để hỏi cho ra lẽ: “Vì sao xã tự ý qui hoạch lung tung, gây xáo trộn đời sống dân cư như vậy?”.

300 lần đi khiếu kiện

Đó là trường hợp ông Nguyễn Anh Nhung, 72 tuổi, ngụ tại ấp Phú Sơn, xã Bắc Sơn. Năm 1969, ông mua 1,2ha đất tại xã Bắc Sơn.

Năm 1984, ông Nhung được điều lên công tác ở TP.HCM. Hai người hàng xóm là ông Nguyễn Văn Phê và Đào Văn Bình đã mượn đất ông Nhung canh tác.

Tháng 1-1998, ông Nhung phát hiện hai người nay đem bán đất của ông nên ông làm đơn khiếu kiện.

Từ đó đến nay đơn của ông đi theo một đường vòng khép kín: từ xã chuyển lên huyện, huyện chuyển lên tỉnh, tỉnh chuyển về thanh tra huyện, huyện chuyển trở lại xã.

Buổi sáng, khi làm việc với UBND huyện Trảng Bom, đoàn đã lưu ý nhiều đến tình hình bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án. Từ tháng 7-2004 đến nay, trên địa bàn huyện có trên 400 hộ dân bị thu hồi đất nhưng mới có 24 hộ được tái định cư.

Về việc 63 hộ sử dụng 32ha đất tại Hợp tác xã nông nghiệp Hưng Long, xã Hưng Thịnh (đã giải thể) chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, UBND huyện cho biết sẽ chỉ đạo các ngành chức năng cấp giấy ngay cho các hộ sử dụng đất ổn định từ năm 1998.

Hôm nay, đoàn số 1 đi kiểm tra tiếp tại huyện Nhơn Trạch.

Tây Ninh: người dân kiện Nhà nước để đòi đất cho... Nhà nước

Trong buổi làm việc với UBND P.4, thị xã Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh) của đoàn kiểm tra số 12 do ông Võ Tử Can làm trưởng đoàn, đại biểu HĐND phường Lê Minh Hoàng kể rằng những năm đầu giải phóng bà Lưu Thị Quỳ có làm giấy hiến cho Nhà nước 3.819m2 đất trong tổng số 1,6ha đất của mình.

Số đất còn lại bà Quỳ ủy quyền cho ông Nguyễn Lâm Canh sử dụng. Một thời gian dài sau đó, trong “sổ đỏ” được cấp mới cho ông Canh, cơ quan chức năng lại cấp luôn phần đất mà bà Quỳ đã hiến trước đây.

Sau khi mọi việc đã rồi, ông Hoàng và các cán bộ đảng viên tại địa phương mới phát hiện. Thế là họ liên tục gửi đơn đi nhiều nơi để khiếu nại với mục đích “đòi lại đất cho Nhà nước”. Thế nhưng dù đã trải qua nhiều năm, nhiều cấp giải quyết nhưng diện tích đất nói trên vẫn chưa được thu hồi.

Ông Hoàng còn bật mí thêm trong vụ này cơ quan chức năng địa phương xác định cán bộ địa chính giai đoạn đó là ông N.T.T. đã có dấu hiệu tiêu cực, thông đồng với ông Canh trong việc cấp “sổ đỏ” và ông này cũng đã bị xử lý buộc thôi việc.

Vụ việc như vậy mà cứ nhùng nhằng kéo dài nhiều năm nay, dân ở đây ai cũng bất bình. Nay giá trị đất ở khu vực này lên rất cao và thực tế ông Canh đã phân lô đất trên để bán.

Sau khi nghe trình bày, trưởng đoàn Võ Tử Can vô cùng ngạc nhiên: “Đây là một sự việc trái ngược mà lần đầu tiên tôi mới biết. Trước nay chỉ có việc người dân đi khiếu kiện Nhà nước để đòi quyền lợi cho mình, nay thì người dân kiện Nhà nước để đòi quyền lợi cho Nhà nước. Vấn đề này cần phải xem nó phát sinh từ đâu”.

Đà Nẵng: kiểm tra lại một số văn bản của TP về đất đai

Sáng 10-8, đoàn kiểm tra số 13 do ông Trịnh Văn Toàn - phó giám đốc Trung tâm điều tra qui hoạch đất đai - làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.

Theo ông Toàn, trong đợt kiểm tra này, đoàn kiểm tra sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra lại một số văn bản của UBND TP Đà Nẵng đã ban hành trước đó liên quan đến các vấn đề về qui hoạch, giải tỏa đền bù đất đai.

“Tất cả đơn thư khiếu nại của công dân, chúng tôi sẽ tiếp nhận toàn bộ, sau đó phân loại và chuyển về cho các bộ phận liên quan để họ giải quyết thấu đáo” - ông Toàn cho biết.

Hôm nay (11-8), Đoàn kiểm tra sẽ có buổi tiếp xúc với công dân ngay tại trụ sở phòng tiếp dân của UBND TP Đà Nẵng.

Ninh Thuận: cán bộ chưa nắm vững luật

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 10- 8-2005, sau khi kết thúc ba ngày kiểm tra tình hình thực hiện Luật đất đai ở Ninh Thuận, ông Bùi Ngọc Tuân - vụ phó Vụ đất đai, trưởng đoàn kiểm tra số 8 - cho biết rất nhiều văn bản qui phạm pháp luật về quản lý đất đai chưa được UBND tỉnh ban hành, hầu hết cán bộ ở cơ quan địa chính cấp huyện hiện vẫn chưa nắm vững luật. Do vậy khi giải quyết công việc nảy sinh tình trạng bất cập, chồng chéo...

Qua kiểm tra thực tế tại thị xã Phan Rang - Tháp Chàm và huyện Ninh Phước (những điểm “nóng” về đất đai ở Ninh Thuận), đoàn kiểm tra phát hiện đến hàng trăm hồ sơ về đất bị “ngâm” đến hai, ba tháng vẫn chưa được giải quyết.

Vĩnh Long: hàng ngàn “sổ đỏ” còn tồn đọng, chưa cấp phát

Ngày 10-8-2005, đoàn kiểm tra số 10 tình hình thực hiện Luật đất đai 2003 của Bộ Tài nguyên - môi trường do ông Trần Hùng Phi - vụ phó Vụ Thống kê, làm trưởng đoàn - đã làm việc tại huyện Bình Minh.

Đến nay huyện Bình Minh có tới 2.417 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tồn đọng chưa cấp phát cho chủ sử dụng. Theo chủ tịch UBND huyện Bình Minh Trần Văn Hùng, do các chính sách, nghĩa vụ tài chính liên quan đã thay đổi nên có một số bộ phận trong nhân dân không đủ điều kiện thực hiện nghĩa vụ thuế khi đăng ký đất đai. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc tồn đọng “sổ đỏ”.

ĐOAN TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên