Phóng to |
Nguy cơ sạt lở - chưa được chặn hữu hiệu
Khảo sát dọc hai bờ sông Mương Chuối, sông Đồng Điền, sông Rạch Tôm, sông Phước Kiển, sông Phú Xuân, rạch Ông Lớn 2, sông Kinh Lộ, rạch Giồng và sông Phước Long (huyện Nhà Bè) hiện nay, chúng tôi ghi nhận có rất nhiều khu vực bờ sông đã cập sát mép nhà dân. Không ít nhà trước kia từng xây cách bờ sông từ 10 - 20m nhưng hiện giờ nước đã “liếm” sát nền, nhà có nguy cơ bị sạt xuống sông bất kỳ lúc nào.
Tại những khu vực này, hệ thống cây bảo vệ bờ sông đã bị nước cuốn phăng, chiều dài bờ bị sạt nhiều nơi kéo dài từ 100m đến 1.000m, vết sạt mới chồng lên vết sạt cũ. Trên bờ sông cũng xuất hiện rất nhiều vết nứt có khả năng gây sạt lở tiếp trong một vài trận mưa tới.
Tại các quận 12, 9, Gò Vấp, Thủ Đức, huyện Cần Gờ và Củ Chi, tình hình sạt lở cũng hết sức nguy cấp. Qua kiểm tra thực tế, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố đã phát hiện có nhiều đoạn bờ sông rất yếu, hệ thống đê bao không đảm bảo. Nhiều khu vực xuất hiện các lỗ mọi, lún sụp và hàm ếch làm ảnh hưởng các công trình xây dựng ven sông.
Khu Đường sông Sở Giao thông Công chính TPHCM cho biết thêm toàn thành phố có 45 vị trí có nguy cơ sạt lở cấp 1; 5 vị trí có nguy cơ sạt lở cấp 2 và 5 vị trí có nguy cơ sạt lở cấp 3. Tính cho đến nay, Khu Đường sông đã triển khai xây dựng 14 bờ kè với tổng chiều dài 3.419m. Trong đó, 6 dự án đã được hoàn thành, 8 dự án khác đang thi công và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2005.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Khu Đường sông, các dự án này chỉ mới “chống chọi” được 1/15 nguy cơ thực tế và chỉ có tính chất tạm thời nhằm hạn chế việc xói lở. Ông Trần Phước Thành, Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình huyện Nhà Bè cũng thừa nhận: Chống sạt lở hiện nay chỉ mới là giải pháp tình thế, bị động theo kiểu thấy khu vực nào sạt lở nặng thì khảo sát, xây bờ kè chỗ đó...
Năm 2004, UBND huyện đã trích gần 900 triệu đồng từ nguồn vốn phân cấp của thành phố để gia cố đoạn sông Mương Chuối nhưng do kinh phí hạn chế nên chỉ đóng 100 cọc thép loại 330, sâu 14m (so với chiều sâu của sông là 25m). Kết quả là các cọc bị nghiêng, rất có khả năng sẽ bị sạt xuống sông tiếp nếu Khu Đường sông không kịp thời triển khai dự án xây bờ kè khác chồng lên.
Vừa qua Khu Đường sông đã cùng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam thực hiện một dự án nghiên cứu tổng thể nguyên nhân xói lở bờ sông và các giải pháp khắc phục trên các tuyến sông, kênh rạch của địa bàn huyện Nhà Bè; hoàn thiện và trình UBNDTP phê duyệt dự án chống xói lở bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh; chuẩn bị nghiên cứu lập dự án chống xói lở bờ sông khu vực quận 2, Thủ Đức… Tuy nhiên khi nào các dự án này được triển khai thì còn… phải chờ.
Cần một giải pháp căn cơ
Trao đổi với chúng tôi, ông Châu bức xúc: Tháng 8-2003 UBND huyện Nhà Bè đã trình dự án lên UBNDTP xem xét và được chấp thuận phê duyệt 2 lần (lần 1, ngày 15-9-2003 do ông Mai Quốc Bình, Phó Chủ tịch UBNDTP ký và lần 2, ngày 25-6-2004 do ông Nguyễn Văn Đua Phó Chủ tịch UBNDTP ký) nhưng cho đến nay Sở Kế hoạch - Đầu tư vẫn chưa ghi vốn.
Ngược lại đối với dự án xây dựng bờ kè chống xói lở sông Phú Xuân, tháng 8-2004 UBNDTP đã phê duyệt và cấp kinh phí gần 6 tỷ đồng cho huyện Nhà Bè thực hiện dự án nhưng cũng chưa thực hiện được do huyện không có quỹ đất công để tái định cư cho các hộ dân sống trong khu vực này. Dự án xây dựng bờ bao Đông – Sài Gòn do UBND quận Thủ Đức làm chủ dự án sau 2 năm triển khai vẫn đang trong giai đoạn thiết kế cơ sở…
|
Điển hình tại nhiều khu vực của quận 2, người dân đã cố tình xây dựng bờ kè lấn ra lòng sông từ 1m đến 10m so với mép bờ tự nhiên, kết quả là áp lực nước dồn sang phía bờ đối diện gây nên tình trạng sạt lở cục bộ và gây khó khăn cho việc tiêu thoát nước.
Khu biệt thự Lý Hoàng bị sạt nặng một phần là do phía bờ đối diện thuộc khu biệt thự Thảo Điền có nhiều nhà dân tự xây bờ kè lấn ra mép sông khoảng 10m đã dồn áp lực nước sang bờ bên kia. Việc xây nhà dọc bờ sông (được cấp phép hoặc tự ý lấn chiếm), sử dụng bờ sông lập bãi chứa cát… cũng là nguyên nhân gây mất cân bằng giữa áp lực nước và trọng tải bờ sông, tăng nguy cơ sạt lở.
Tại quận Bình Thạnh có 88 hộ xây dựng lấn chiếm bờ sông, huyện Nhà Bè gần chục căn nhà xây vượt cột mốc chỉ giới quy định... Ngoài ra làm thế nào để ngăn chặn tình trạng khai thác cát trộm và trộm đất bờ sông của một bộ phận người dân cũng là vấn đề nóng bỏng đòi hỏi sự quan tâm đúng mức của các cấp chính quyền để hạn chế tình trạng sạt lở do tác nhân chủ quan gây ra.
Có thể nói, chống sạt lở với cách làm chắp vá như hiện nay chỉ lãng phí tiền của một cách vô ích. Điều quan trọng là phải xây dựng được một quy hoạch tổng thể bao gồm quỹ đất phục vụ công tác di dời, tái định cư cho các hộ dân trong vùng cảnh báo nguy hiểm, tập trung vốn đầu tư thực hiện cùng một lúc các dự án… Có như vậy mới ngăn chặn được tình trạng chống chỗ này lại sạt chỗ khác, đầu tư tiền tỷ nhưng kết quả vẫn… trôi sông?!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận