25/02/2005 18:40 GMT+7

Y Đức xuống dốc: đừng đổ lỗi cho cơ chế thị trường

TTO
TTO

TTO - Gần 150 câu hỏi của bạn đọc đã gửi về Tuổi Trẻ Online trong chiều 25-2 để phỏng vấn trực tuyến với BS Trương Thìn và BS - thầy thuốc ưu tú Đỗ Hồng Ngọc. Điều mà hầu hết các bạn đọc quan tâm và đau đáu nhất trước ngày thầy thuốc VN 27-2 vẫn là vấn đề y đức ngày nay.

rjwotzzZ.jpgPhóng to
Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Huỳnh Sơn Phước tặng hoa cho bác sĩ Trương Thìn (giữa) và BS Đỗ Hồng Ngọc (bìa phải) - Ảnh Thanh Đạm
TTO - Gần 150 câu hỏi của bạn đọc đã gửi về Tuổi Trẻ Online trong chiều 25-2 để phỏng vấn trực tuyến với BS Trương Thìn và BS - thầy thuốc ưu tú Đỗ Hồng Ngọc. Điều mà hầu hết các bạn đọc quan tâm và đau đáu nhất trước ngày thầy thuốc VN 27-2 vẫn là vấn đề y đức ngày nay.

BS Trương Thìn, nguyên Viện trưởng Viện Y học Dân tộc Tp.HCM, chủ tịch Hội Đông Y và Hội châm cứu Tp.HCM, chủ nhiệm bộ môn Y học cổ truyền của TT Đào tạo và Bồi dưỡng Cán bộ Y tế Tp.HCM; BS, thầy thuốc ưu tú Đỗ Hồng Ngọc, giám đốc trung tâm Truyền thông và Giáo dục Sức khỏe Tp. HCM.

2 thầy thuốc này, một đại diện của y học cổ truyền, một đại diện của Y học hiện đại, sẽ tâm sự cùng bạn đọc về những kỷ niệm nghề nghiệp, đặc biệt là những đánh giá, suy nghĩ... về những vấn đề liên quan đến lời thề Hippocrates trong thời đại hiện nay.

* Y đức của ngành Y là cực kỳ quan trọng (hơn cả chuyên môn). Nhưng nhiều CB ngành Y vi phạm Y đức vẫn chưa bị xử lý thích đáng (VD: tước bằng vĩnh viễn). Việc xử lý hành chính như tạm đình chỉ công tác, hạ bậc lương hay tạm ngưng quyền hành nghể theo tôi là chưa thỏa đáng. BS Trương Thìn nghĩ sao?(Trần Tri Thức, 42 tuổi, ttthuc63@yahoo.com)

- Bác sĩ Trương Thìn: Đúng! Trong ngành y tế, Y đức đóng vai trò cực kỳ quan trọng, thể hiện trong truyền thống y đạo, y đức của ngành, thể hiện trong nghĩa vụ luật của người thầy thuốc. Từ đó, người thầy thuốc mới tránh khỏi những vi phạm đáng tiếc - đó là biện pháp ngăn ngừa cao nhất.

Khi đã xảy ra sự việc, thì cần phải giải quyết hai mặt: một mặt bảo đảm quyền lợi của người bệnh, một mặt phải bảo đảm quyền hành nghề của thầy thuốc. Hiện nay, ngành y tế chúng ta còn thiếu nghĩa vụ luật cũng như tổ chức bảo vệ người thầy thuốc. Cho nên mọi việc xử lý đều gặp khó khăn và sự bất cập diễn ra là thường tình và cần phải cải tổ để được tốt hơn.

* Công tác y tế nếu để cho tư nhân làm liệu có tốt hơn nhà nước không? (HOANG ANH, 28 tuổi, PLEIKU)

- BS Đỗ Hồng Ngọc: Về mặt quản lý thì tư nhân làm có thể đạt năng suất và hiệu quả hơn, còn y tế nhà nước thì do nhiều cơ chế ràng buộc nên khó thực hiện nhanh chóng và dễ dàng. Về mặt kỹ thuật y học thì y tế tư nhân và y tế nhà nước không khác nhau. Vấn đề cốt lõi là con người. Ở các nước trong khu vực, y tế tư nhân có thể chiếm đến 60% trong khi ở VN hiện nay chỉ khỏang 15-20%.

Với chính sách xã hội hóa hiện nay thì càng ngày y tế tư nhân càng chiếm một tỉ trọng cao hơn. Với kinh phí hạn hẹp, y tế nhà nước tập trung vào phòng bệnh và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho dân nghèo, trong khi y tế kỹ thuật cao dành cho tư nhân thực hiện thì sẽ đạt được hiệu quả tổng hợp tốt hơn cho xã hội.

XKDz1kgI.jpgPhóng to
BS Trương Thìn đang trả lời câu hỏi bạn đọc Tuổi Trẻ Online

* Y đức tự có (Nhân chi sơ tính bản thiện) hay phải qua một quá trình rèn luyện? Sinh viên trường Y có được hoc một môn riêng về Y đức và quan hệ giữa người và người không? Sinh viên trường Y khi ra trường có phải thi môn Đạo đức nghề nghiệp không?

Lương Y = Chữ Tâm (ai dạy chữ này và làm sao để giữ chữ này trong suốt cuộc đời làm nghề Y?) Chữ Tài (có thể không thiếu người dạy chữ này? Chữ Tài (chuyên môn) này cần phải có Chữ tài (chính) đi liền và tương xứng không?(Vo Thanh Son, 31 tuổi, 31 Hai Ba Trung, Ha Noi)

- Bác sĩ Trương Thìn: Trong Y học cổ truyền, người có y đức là người tu luyện thực hiện mấy nội dung sau:

1. Nhân đạo: người thấy thuốc lấy con người làm gốc, không có mục tiêu nào cao hơn là tôn trọng và phục vụ con người; không có y học nào cao hơn là phát huy khả năng nội tại của con người.

2.Thực hành Yđạo: Người thầy thuốc là người đi tu giữa cõi đời, là một nghề thiêng liêng giải quyết việc tử sinh của con người bởi vậy thấy thuốc có y đạo là lương y; lương y là từ mẫu, đạo y là đạo mẫu, đạo mẹ. Lương y như từ mẫu là vậy.

3.Thực hành y lý: Đó là cơ sở khoa học kỹ thuật, trí tuệ trong y học song song với tấm lòng trong y học.

4. Thực hành y nghệ thuật: Đó là y học tâm hồn, chữa bệnh của tâm hồn. Đó cũng là sự tinh tế trong kỹ thuật điều trị.

5.Thực hành y đức: Là thực hành nghĩa vụ của người thầy thuốc - là sự tôi luyện để người thầy thuốc vừa là người trí tuệ, vừa là người đức hạnh.

Nếu tôi không lầm thì các trường ĐH Y dược ngày nay quá chú trọng kỹ thuật và thiếu vắng một chương trình giáo dục y đạo, một nếp sống thấm nhuần y đức. Ngành y tế của ta chưa có nghĩa vụ luật do đó vấn đề vi phạm y đức có khi nghiêm trọng là tất yếu.

aO9AciED.jpgPhóng to
BS Đỗ Hồng Ngọc

* Kính chào BS! BS có khỏe không? BS có tin tưởng vào trình độ chuyên môn của BS Việt Nam hiện nay không? Có phải là do cơ chế chính sách của Bộ Y tế đã thực sự ảnh hưởng đến hoạt động của y bác sĩ hiện nay không? Bác sĩ có tin vào chính sách không?

Bác sĩ có suy nghĩ và băn khoăn gì về chính sách y tế hiện nay không? (Tran Viet Thanh, 33 tuổi, Van Phong Luat Su INDOCHINA- 18 Han Thuyen Ha Noi)

BS Đỗ Hồng Ngọc: Cảm ơn bạn, hiện tôi khỏe. Theo tôi thì trình độ chuyên môn của các bác sĩ trẻ hiện nay có điều kiện cải thiện tốt hơn nhiều so với thế hệ trước nhờ sự cập nhật thông tin khoa học kỹ thuật nhanh chóng và rộng khắp.

Vấn đề là bản thân người thầy thuốc trẻ phải có tinh thần tự học chứ không phải chỉ dựa vào những điều thầy giảng trên lờp. Chắc chắn là chính sách của Bộ y tế đã chỉ đạo toàn bộ hoạt động của y giới hiện nay.

Nếu có một chính sách tốt thì sẽ ảnh hưởng tốt đến toàn bộ hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người dân. Hiện nay mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân thua kém một số nước nhưng nhờ mạng lưới y tế được tổ chức tốt, gần dân, nên tuổi thọ bình quân của người VN đã ngày được cải thiện và khống chế được nhiều dịch bệnh.

Tuy nhiên, khi phát triển y tế kỹ thuật cao nhằm khai thác các dịch vụ y tế để làm kinh tế thì phải hết sức thận trọng và phải quan tâm đến số đông người nghèo không có khả năng kinh tế để với đến, dễ bị bỏ rơi.

* Tôi đã biết bác sĩ Ngọc hồi còn ở VN, Con gái tôi là Vân năm 25 tuổi đang học ĐH Y Dược ngành Răng Hàm Mặt, nó cũng thoát chết lúc 14 tháng nhờ BS cứu nó lúc bị bệnh sởi. Chân thành cảm ơn BS và chúc một năm mới an khang thịnh vượng!(Nguyen Thi Thu Ha, 49 tuổi, 10171 15th St.Garden Grove CA)

- BS Đỗ Hồng Ngọc: Làm nghề y có được cái an ủi là đôi khi người bệnh còn nhớ đến mình trong khi mình đã không còn nhớ một trường hợp cụ thể nào đó mà mình đã chăm sóc.

Mừng cho cháu Vân đã sắp tốt nghiệp ngành y và mong sau này cháu sẽ về quê hương để chăm sóc cho những bệnh nhân như ngày xưa cháu đã được chăm sóc.

bEtcWHNh.jpgPhóng to
* Tại sao hầu hết các BS đều có chữ viết quá xấu, khi bệnh nhân cầm phiếu kết quả họ phần lớn đều không hiểu được nội dung. Có khác nào đánh đố với bệnh nhân? Theo BS thì vấn đề này được điều chỉnh như thế nào trong tương lai?(Truong Cong Huy, 30 tuổi, 120 Ton That Thiep)

- BS Đỗ Hồng Ngọc: Đúng là hầu hết chữ bác sĩ đều đọc không ra. Có thể họ không cố ý như thế nhưng trong quá trình học tập 6-7 năm trời ở trường Y, họ phải tập ghi chép thật nhanh nên ảnh hưởng đến cách viết.

Gần đây, việc viết toa đã được một số nơi sử dụng máy vi tính. Về phiếu kết quả xét nghiệm, phải có bác sĩ đọc mới giải thích được. Do vậy, không nên tự động đi làm xét nghiệm để rồi phải hoang mang với những kết quả được ghi trên phiếu.

Khi cần làm xét nghiệm cận lâm sàng thì chính người thầy thuốc khám bệnh cho bệnh nhân sẽ xác định rõ cần làm xét nghiệm gì, bệnh nhân không nên đòi hỏi phải được làm xét nghiệm này hay xét nghiệm khác. Cũng không nên tự ý đi xét nghiệm ở nhiều nơi càng dễ gây thêm hoang mang.

* Thưa BS Trương Thìn, BS là Viện trưởng Viện y học dân tộc, vậy cho cháu hỏi là y học dân tộc có chữa được bệnh hiếm muộn hay không? Đối với trường hợp người phụ nữ bị nghẹt cả hai vòi trứng? Theo cháu thấy, BS y học dân tộc chưa được nhân dân tin tưởng bằng tây y. Vậy điều này có làm suy giảm tinh thần của BS Y học dân tộc hay không?(CMM, 31 tuổi, huongldld@yahoo.com)

- Bác sĩ Trương Thìn: Y học cổ truyền dân tộc là một bộ phận văn hóa dân tộc, là một phần của đời sống dân tộc nên được tin tưởng, nên được thấm nhuần trong lòng quần chúng từ nhiều ngàn năm nay.

Càng học tập nghiên cứu sâu vào văn hóa dân tộc càng thấy được giá trị cao quý của Y học cổ truyền. Càng có trình độ văn hóa cao, người nước ngoài lại rất quý trọng y học cổ truyền Việt Nam. Người thầy thuốc Việt Nam ngày nay cần có kiến thức Y học cổ truyền khi tiếp cận với Y học thế giới.

Y học cổ truyển có khả năng chữa được bệnh hiếm muộn. Đối với trường hợp người phụ nữ bị nghẹt cả hai vòi trứng cần phải được chẩn đoán kỹ mới có thể đưa ra hướng giải quyết được. Trường hợp của bạn thì nên đến bệnh viện Y học cổ truyền và Y học hiện đại để kiểm tra.

* Tôi có điều này muốn hỏi BS Hồng Ngọc. Bạn tôi bị tai nạn và nhập viện trong tình trạng hôn mê (chấn thương sọ não) nhưng các BS trong bệnh viện không đồng ý cho nhập viện vì lý do không đủ tiền (làm gì chúng tôi có bạc triệu khi tai nạn xảy ra đột ngột?). Cũng may nhờ thân nhân của các bệnh nhân trong viện đóng góp mói đủ số tiền mà BV yêu cầu nên tôi được nhập viện.

Chẳng lẽ BV đó xem tính mạng con người rẻ rúng vậy sao? Xin hỏi BS việc không cho bệnh nhân vào nhập viện vì không có hoặc không đủ tiền là qui định chung ở các BV hay vì lý do gì khác? Thuy Giang, 28 tuổi, chu_o@hotmail.com)

- BS Đỗ Hồng Ngọc: Về nguyên tắc, các trường hợp cấp cứu đều không cần bất cứ một thủ tục gì, kể cả thủ tục "đầu tiên". Nếu có bệnh viện từ chối cấp cứu, trường hợp hôn mê do chấn thương sọ não như bạn nêu thì bạn phải phản ánh ngay cho lãnh đạo trực.

Nếu không được, bạn sử dụng đường dây nóng để gọi lên cấp trên hoặc đường dây nóng của các báo vì đây là trường hợp vi phạm y đức trầm trọng.

EoZYQPix.jpgPhóng to
* Hiện nay ở nước ta các thế hệ trẻ thường không thích học chữ Hán Nôm cổ. Trong khi đó muốn hiểu về Y học cổ truyền thì bắt buộc phải học chữ Hán Nôm. Vậy BS có ý kiến gì cho thực trạng này? Ông có giải pháp gì không?(Nguyen Thuy Nga, 22 tuổi, matna3110@yahoo.com)

- Bác sĩ Trương Thìn: Y học cổ truyền đã dùng một ngôn ngữ rất cổ điển nên không học Hán Nôm thì rất là khó hiểu, nếu không muốn nói là không hiểu được. Do đó cần phải hiện đại hóa ngôn ngữ trong Y học cổ truyền.

Nỗ lực của tôi trong bao nhiêu năm nghiên cứu là hiện đại hóa ngôn ngữ Đông y, tức là diễn tả Đông y bằng ngôn ngữ của Y học ngày nay. Nhờ vậy mà Đông y trở thành dễ học.

* Xin các BS đánh giá tình hình chung về "y đức" của người thầy thuốc trong cuộc sống hiện đại ngày nay ở VN. Tôi có thăm 1 số bệnh viện ở VN và thấy rằng, không hiểu do áp lực công việc hay do lương thấp mà một số nhân viên chỉ dẫn y khoa có thái độ rất "cao tay" khi hướng dẫn cho bệnh nhân. Hay họ nghĩ bệnh nhân phải phụ thuộc họ vì họ là người có khả năng cứu sống bệnh nhân? Xin cảm ơn các BS. Xin cảm ơn TTO. (Nguyễn Khánh Toàn, 21 tuổi, California)

- BS Đỗ Hồng Ngọc: Có lẽ cả hai, vừa là áp lực công việc, vừa là lương thấp. Bạn tưởng tượng một buổi sáng, một bác sĩ và y tá phải khám cho khoảng 40-50 người bệnh thì họ chỉ có thể vui cười với mươi người đầu. Riêng người nhân viên chỉ dẫn, còn phải tiếp xúc với một số lượng đông hơn nên dễ đổ quạu.

Tuy nhiên, ngành y tế hiện nay đang tuyển chọn những người hướng dẫn có chuyên môn, VD: nếu chọn thư ký y khoa thì những người này đã học được kỹ năng tiếp xúc. Và trong ngành y tế cũng đang có những cố gắng cải tiến khâu tiếp xúc thầy thuốc - bệnh nhân.

Có lẽ nhân viên y tế cũng phải "tập cười" như nhân viên cửa khẩu trước đây. Dĩ nhiên, y tế thì cũng tùy trường hợp mà cười!

LkgaPIaC.jpgPhóng to

* Vấn đề kết hợp Đông, Tây y đã được đặt ra từ rất lâu. Ai cũng nói Y học nước ta muỗn vững vàng thì phải đi trên hai chân: Y học hiện đại phải kết hợp nhuần nhuyễn với Y học cổ truyền dân tộc. Thực tế, việc kết hợp này đến nay xem ra vẫn còn lỏng lẻo lắm: chỉ có một số bệnh viện YHDT mới có sự kết hợp, còn các bệnh viện còn lại hoàn toàn chữa trị theo Y học hiện đại.

Xin hỏi BS Trương Thìn có giải pháp gì để việc kết hợp không chỉ mang tính cách hình thức như ngày nay? (Nguyen huu nghia, 63 tuổi, 31B Ho Hoc Lam,Binh Tan,tp/hcm)

- Bác sĩ Trương Thìn: Có hai động lực thông thường làm cho người ta thích thú làm một việc gì: một là sự hãnh diện về giá trị công việc của mình, hai là nguồn lợi của công việc mang lại cho mình. Cả hai điều này điều thiếu trong lĩnh vực kết hợp Đông, Tây y ở trong nước cho nên nó rất khó phát triển.

Ngược lại, hai điều nói trên có ở nước ngoài nên ở nước ngoài thực hiện dễ hơn.

Tôi thiết nghĩ cần thổi vào chương trình giáo dục y khoa một niềm yêu thích và hãnh diện về văn hóa dân tộc và cần tạo điều kiện cho sự phát triển của một nền đông y hiện đại.

* Kính thưa BS Đỗ Hồng Ngọc, con có đọc nhiều sách đã xuất bản của BS nhưng đến hôm nay, qua TTO, mới có dịp "gặp gỡ" BS. Con xin đặt một câu hỏi riêng tư thôi. BS dành khoảng thời gian nào để có thể viết được những cuốn sách dễ thương như vậy? BS có thấy hạnh phúc không, khi qua những cuốn sách đó, đã giúp người đọc điều trị cả thân và tâm để có một cuộc sống hạnh phúc hơn?(Lam Phúc, 26 tuổi, Đồng Tháp)

- BS Đỗ Hồng Ngọc: Cảm ơn cháu. Khi được chia sẻ cùng bạn đọc những chiêm nghiệm của mình và nếu nhờ đó mà người đọc cảm thấy thân tâm được an lạc hơn thì tôi rất hạnh phúc. Thường thì chiêm nghiệm thì lâu mà viết thì nhanh thôi. Tôi thường viết vào buổi sáng sớm và khi viết thì rất say mê và luôn tưởng tượng mình đang trực tiếp trao đổi cùng người đọc, nhờ vậy mà bạn đọc có thể đồng cảm với mình.

* Từ nhiều năm nay, nhiều cán bộ y tế kiến nghị thành lập một tổ chức có chức năng nhiệm vụ tương tự như Y sĩ đoàn trước năm 1975 ở miền Nam để tham gia việc quản lý nhà nước về y tế. Cho tới nay, kiến nghị nói trên chưa được Chính phủ chính thức có ý kiến.

Xin hỏi bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc ý kiến của bác sĩ ra sao? Nên thành lập tổ chức mới hay cải tiến quy chế hoạt động để Hội Y học hiện nay hoạt động có hiệu quả hơn? (nguyen huu nghia, 63 tuổi, 31B Ho Hoc Lam,Binh Tan,tp/hcm)

- BS Đỗ Hồng Ngọc: Y sĩ đoàn là một đoàn thể nghề nghiệp giống như luật sư đoàn có chức năng giám sát, chế tài và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các thành viên. Ở các nước đều có cơ chế này để hỗ trợ cho sự quản lý của Nhà nước vì quản lý Nhà nước khó có thể bao quát hết các vấn đề chuyên môn và y đức.

Do vậy, theo tôi, rất cần có một hội nghề nghiệp như thế. Hiện nay Hội y học có chức năng khác hơn, tập trung vào việc nghiên cứu khoa học, tạo đoàn kết, gắn bó chứ không quản lý việc hành nghề.

Từ đó, theo tôi, rất nên thành lập hệ thống giám sát việc hành nghề để cùng hội nhập với khu vực và thế giới.

* Kính thưa Bác sĩ Trương Thìn và Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, giữa Y học cổ truyền và Tây y có những điểm nào giống và khác nhau? Làm thế nào để nâng cao đời sống của đội ngũ thầy thuốc tại VN hiện nay để họ yên tâm phục vụ y học và chăm sóc bệnh nhân? Bảo hiểm y tế tại VN hiện nay đã và đang phát triển như thế nào?

Xin trân trọng cám ơn. Kính chúc sức khỏe và hạnh phúc đến tất cả bác sĩ, y sĩ nhân ngày Thầy Thuốc VN 27-7. (PHAN LAC DONG QUAN, 40 tuổi, SEATTLE,WA, HOA KY)

- Bác sĩ Trương Thìn: Đông Y và Tây Y là hai nền y học lớn của nhân loại đã phát triển trong những hoàn cảnh lịch sử khác nhau nên đó là hai khoa học khác nhau tuy cùng một mục tiêu phục vụ cho sức khỏe. Vậy thì không thể lấy Tây Y mà hiểu Đông Y, cũng như không thể lấy Đông Y mà hiểu Tây y, muốn hiểu ngành nào phải hội nhập vào ngành đó. Nhưng khi đã hội nhập được vào hai ngành Đông y và Tây y thì chúng ta sẽ thấy có rất nhiều điểm chung và cũng có rất nhiều điểm riêng. Giá trị của mỗi nền Y học nằm trong cái riêng đó.

Như mọi người bình thường khác, người thầy thuốc có lương đầy đủ thì sẽ sống được đàng hoàng. Ngày nào Nhà nước không trả lương đầy đủ cho thầy thuốc thì ngày đó thầy thuốc và bệnh nhân còn khổ. Tôi nghĩ cần có một chính sách lương bổng cho cán bộ y tế một cách hợp tình hợp lý. Nhưng trong điều kiện nước ta hiện nay làm sao có đủ kinh phí mà chi. Hệ thống y tế tư nhân trở thành một bộ phận quan trọng, một cánh tay đắc lực của ngành y tế.

Bảo hiểm y tế cũng là một phương cách cần thiết để giải quyết vấn đề trên. Y tế tư nhân và bảo hiểm y tế đã được tiến hành ở nhiều nước phát triển. Nay chúng ta mới bắt đầu và trên đà hoàn chỉnh dần.

* Chào các bác sĩ, hiện nay có nhiều SV học y vì nguyện vọng của gia đình hơn là vì yêu thích. Chính vì vậy mà lực lượng này khi trở thành bác sĩ, y tá, điều dưỡng... họ sẽ không yêu nghề và việc họ vi phạm y đức là điều khó tránh khỏi.

Vậy các BS nghĩ gì về điều này? Ngày xưa, khi các bác sĩ theo ngành y là xuất phát từ sự yêu thích, hay vì một cơ duyên nào khác? (huu phuoc, 22 tuổi, TP.HCM)

- BS Đỗ Hồng Ngọc: Ngày xưa, tôi học y là vừa do ham thích mà cũng do nguyện vọng của gia đình. Nhiều người lúc mới học y không thấy say mê nhưng sau một thời gian sẽ thấy gắn bó với nghề và thật sự yêu nghề.

Tuy nhiên, theo tôi, phụ huynh không nên ép con em mình phải học ngành y nếu các em không có sở thích, năng khiếu. Ở một số nước tiên tiến, người ta chọn sinh viên vào học phải qua một cuộc phỏng vấn. Nếu thấy không có "năng khiếu", thì có thể bị từ chối dù học giỏi.

Tôi nghĩ vấn đề vi phạm y đức không phải do vì gia đình ép buộc học ngành y, trừ khi gia đình cố ý "đầu tư" để sau này khai thác kiếm lợi.

* Thưa BS Thìn, BS Ngọc, theo 2 bác thì có khoảng bao nhiêu phần trăm các y bác sĩ trong các bệnh viện hiện nay còn nhớ và làm theo lời thề Hyppocrates? Tôi từng nghe nhiều và tận mắt chứng kiến những kiểu làm tiền trắng trợn ở các bệnh viện, và chỉ có từng vô bệnh viện mới có thể tin rằng y đức của bệnh viện hiện nay là con số không. Bác sĩ có tin rằng y đức đã là chuyện cổ tích không?(Bùi Đình Trúc, 30 tuổi, dtrucb@yahoo.com)

- Bác sĩ Trương Thìn: Anh Trúc từng nghe nhiều và tận mắt chứng kiến những kiểu làm tiền trắng trợn ở các bệnh viện cho nên thất vọng về y đức của thầy thuốc. Nếu tôi thấy như vậy thì tôi cũng tự hỏi có tin rằng y đức là chuyện cổ tích không - như anh đã hỏi.

Tôi xin lắng nghe, xin chia sẻ và ngậm ngùi chịu trách nhiệm như chính mình có lỗi. Đúng là chúng ta cần phải phục hồi mạnh mẽ y đức.

* Xin hỏi BS Đỗ Hồng Ngọc: làm sao để yêu nghề đây khi bác sĩ mới ra trường vừa nghèo, vừa khó tìm việc làm? (LE TRUONG DUY, 31 tuổi, 159 HUNG PHU,Q8, TPHCM)

- BS Đỗ Hồng Ngọc: Bạn phải lăn vào nghề rồi mới có thể yêu nghề. Thực ra hiện nay nhiều BS tìm không ra việc làm nhưng cũng có nhiều chỗ làm không tìm ra BS. Thí dụ bên ngành giáo dục đang rất cần BS cho mạng lưới y tế học đường hoặc chỗ Trung tâm truyền thông - giáo dục sức khỏe chỗ tôi cũng đang cần bác sĩ.

Vậy sao bạn không thử đến gặp tôi để được phỏng vấn?

* Cháu cũng là trong ngành Y. Cháu không có lòng tin nhiều về Y đức hiện này, nhất là khi được nghe và thấy những gì diễn ra xung quanh mình. Cháu thấy tất cả bị cơn lốc của thị trường cuốn đi. Hai bác có thấy cháu nhìn nhận quá bi quan? (SV Y95, 28 tuổi, Saigon)

- Bác sĩ Trương Thìn: Tôi không bi quan như bạn bởi cơn lốc nào cũng sẽ qua đi và để lại bình an. Việc thiếu y đức là một cơn lốc và cơn lốc đó sẽ qua đi.

* Tôi là Việt kiều Pháp đang được xem một bộ phim nhiều tập "blouse trắng" trên VTV4 trong đó có chữ "tâm", chữ "tài" và chữ "tiền" luôn luôn là ba khá niệm gắn bó mật thiết mà lại đối kháng.

Vậy một bác sĩ "thầy thuốc ưu tú" phải dung hòa ba khái niệm này như thế nào? Chữ tiền nhiều khi không chỉ là nhu cầu của bác sĩ mà còn của gia đình. Tôi đã dược đọc một số sách của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc được bán ở Pháp và rất thích cách hành văn trong sáng và chữ "thiện" của bác sĩ. Xin cám ơn. (Dang Ngoc Hung, 59 tuổi, hungdang@free.fr)

- BS Đỗ Hồng Ngọc: Cảm ơn ông đã có những nhận xét tốt đẹp về những cuốn sách của tôi. Thực ra, tùy cách sống mà nhu cầu về "đồng tiền" có khác đi. Tôi có đọc đâu đó một câu nói rằng: "Người giàu có nhất là người có ít nhu cầu nhất".

* Nếu một bệnh nhân bị bệnh tim cần phải mổ thì mới được cứu sống nếu không sẽ tử vong, nhưng bệnh nhân không có tiền thì các BS sẽ làm gì? (Vinh, 32 tuổi)

- BS Đỗ Hồng Ngọc: Tại các bệnh viện, kể cả viện tim có một bộ phận phụ trách công tác xã hội giải quyết miễn giảm cho các trường hợp đặc biệt khó khăn. Hiện nay, bảo hiểm y tế cũng sẵn sàng chi trả những trường hợp mổ lớn. Ngoài ra, tôi thấy trên báo chí hiện nay cũng thường có các bài viết kêu gọi hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo.

* Có phải trong xã hội công nghiệp hoá như hiện nay, sự phân cấp trong XH ngày càng rõ rệt, đi liền đó là bệnh tật cũng phát triển theo chiều tăng lên, đặc biệt là các bệnh nan y?

Là một người BS, biết chắc được sự sống chết của bệnh nhân, nếu gặp trường hợp bệnh nhân có thể chữa được, nhưng số tiền đó gia đình bệnh nhân không thể trả, là người thầy thuốc, BS sẽ làm gì ?(Dũng Hằng, 42 tuổi, Quy Nhơn Bình Định)

- Bác sĩ Trương Thìn: Nhiều kỹ thuật chẩn đoán, nhiều phương thuốc điều trị là những tiến bộ lớn lao của y học nhưng nếu lạm dụng nó thì sẽ rất tốn kém, rất lãng phí, thậm chí làm khổ gia đình bệnh nhân. Cho nên người thầy thuốc có đức nên tránh những thiên lệch đó để vừa giảm được gánh nặng cho gia đình bệnh nhân vừa tận dụng đúng khả năng y học hiện nay.

* Thưa BS Trương Thìn và BS Đỗ Hồng Ngọc. Hiện nay nước ta có một đội ngũ thầy thuốc rất đông đảo và có một trình độ chuyên môn giỏi. Tuy nhiên vấn đề y đức của người thầy thuốc thì dư luận xã hội còn nhiều lo lắng. Nhiều thầy thuốc đã vô cảm trước những nổi đau của người bệnh, chỉ tìm mọi cách để móc túi của bệnh nhân mà họ là những nông dân hoặc người lao động vô cùng nghèo khó, cơ cực.

Vậy theo hai vị thì giải pháp nào để nâng cao y đức của người thầy thuốc phục vụ bệnh nhân tốt hơn? Xin cảm ơn.(Hà Vũ, 25 tuổi, Nhà số 8, đường số 2, P.8, Q.11)

- Bác sĩ Trương Thìn: Nhiều thấy thuốc đã vô cảm trước nỗi đau của người bệnh, họ chỉ tìm mọi cách để móc túi bệnh nhân, như vậy là trong bản thân người thầy thuốc này thiếu một cái gì rất lớn và họ nghĩ rằng tiền bạc có thể bù đắp lại được.

Vậy thì người thầy thuốc này có đáng thương không, có tội nghiệp không? Giá như tâm hồn người thầy thuốc này được nuôi dưỡng một chút chắc họ không làm như vậy.

- BS Đỗ Hồng Ngọc: Theo tôi thì có hai giải pháp: một là cần phải có nghĩa vụ luận (Déontologie) còn gọi là nghĩa vụ luật được dạy trong trường y một hai năm trước khi SV ra trường. Hai là cần thành lập một hội nghề nghiệp như Y sĩ đoàn trước kia để giám sát, chế tài và bảo vệ quyền lợi chính đáng của thầy thuốc để họ yên tâm làm việc.

Nghĩa vụ luận là những quy định về mối quan hệ giữa thầy thuốc với bệnh nhân và giữa các đồng nghiệp với nhau. Thế hệ chúng tôi đã được học nghĩa vụ luận từ năm thứ 5 y khoa nên khi ra trường không bị bỡ ngỡ trong lúc hành nghề. Trong chế độ bao cấp, môn học này đã không được dạy. Nhưng hiện nay, đã đến lúc nên được dạy lại trong các trường y.

Ngoài ra, bảo hiểm y tế cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong mối quan hệ thầy thuốc, bệnh nhân.

* Xin BS Trương Thìn và bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cho biết suy nghĩ của mình về 2 chữ "lương y" trong một nền kinh tế thị trường. Liệu có quá đáng khi để cho người thầy thuốc phải nghĩ đến chuyện kiếm tiền vì lương thấp hay không ?(Van Thanh, 41t tuổi, thanhy2k@walla.com)

- Bác sĩ Trương Thìn: Đúng ra lương y trong một nền kinh tế thị trường thì lương cao, làm việc thoải mái vì không còn phải lo lắng nhiều cho việc sinh nhai. Lương y khó khăn là vì còn khủng hoảng kinh tế, điều này buộc họ phải tất bật và đôi khi làm hao mòn phẩm chất lương y của mình. Lỗi do cá nhân cũng có, do điều kiện xã hội cũng có nên cần phải giải quyết cả hai mặt.

* Thưa BS Trương Thìn, mặt bằng lương của y, bác sĩ hiện nay quá thấp. Ðó có phải là nguyên nhân (chính) khiến nhiều BS "chậc lưỡi" kê toa tràn lan, cho bệnh nhân dùng thuốc ngoại vô tội vạ (trong khi thuốc nội rẻ hơn)... để hưởng hoa hồng?

Theo BS, với mức lương 10 triệu đồng, đời sống BS có đảm bảo (để không còn tiêu cực)?(Ngô Thái Bình, 29 tuổi, 204/10 Hoàng Văn Thụ, F4, TB)

- Bác sĩ Trương Thìn: "Có thực mới vực được đạo", đời sống thấp, mức lương thấp thật khó giữ sự thanh cao, âu cũng là lẽ thường. Tôi nghĩ đúng là "Có thực mới vực được đạo", lương đủ sống là một điều quá cần thiết. Nhưng sự không đua đòi sẽ cứu rỗi người thầy thuốc.

* Tôi muốn hỏi chung cho cả 2 bác sĩ: Nhiều người vẫn đổ lỗi chuyện Y đức của thầy thuốc ngày nay có vấn đề là do cơ chế thị trường. Theo các bác sĩ thì có đúng vậy không? Nếu không thì vì sao?(Nguyễn Tấn Lực, 30 tuổi, Hải Phòng)

- Bác sĩ Trương Thìn: Đừng chê cơ chế thị trường bởi cơ chế thị trường là một động lực phát triển xã hội, là động lực phát triển y học và y đức trong một thời đại mới. Thiếu sự thi đua, thiếu sự cạnh tranh lành mạnh thì xã hội sẽ ù lì, y học sẽ chậm tiến. Nhưng cạnh tranh không lành mạnh, thu nhập không chính đáng là những mặt trái của xã hội, gây nên những tiêu cực, trong đó có y đức.

* Xin bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ nhất trong công việc của mình. Xin chân thành cám ơn và kính chúc BS thật nhiều niềm vui trong ngày 27-2. (maithanhhoai, 36 tuổi, maithanhhoai@yahoo.com)

- BS Đỗ Hồng Ngọc: Rất cảm ơn bạn! Thật ra trong lúc hành nghề đã có rất nhiều những kỷ niệm đáng nhớ. Nhưng có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với tôi là năm 1965, khi thực tập đỡ đẻ lần đầu tiên, tôi đã viết bài thơ "Thư cho bé sơ sinh", được rất nhiều bạn bè đồng nghiệp yêu thích.

* Tôi cứ thắc mắc tại sao mỗi khi nói đến y đức của ngành y tế thì người ta lại đổ cho tại lương thấp? Chằng lẽ vì lương thấp mà người ta lại đối xử không có tâm với những người nghèo bị đau ốm hay sao? Tôi cho rằng sự bao biện này không thể chấp nhận được. Hai BS nghĩ sao?(Nguyễn Việt Hồng, 45 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Trương Thìn: Không phải chỉ có nguyên nhân là ở đồng lương mà còn nhiều nguyên nhân khác. Đã có thời kỳ người cán bộ y tế không hề có đồng lương và chính thời kỳ đó ngành y tế rất cao đẹp, rất năng động. Tôi muốn nói đến y tế của thời cách mạng giải phóng dân tộc. Và cũng đã có thời kỳ kinh phí ngành y tế rất cao mà y đạo, y đức bị khủng hoảng. Vậy thì đâu phải nguyên nhân là đồng lương thôi đâu, mà còn có nhiều nguyên nhân sâu hơn.

* Con muốn hỏi hai BS rằng: có phải cuộc sống khó khăn đã làm mất đi ý nghĩa thực sự của lời thề Hipprocrates? Con vẫn gặp đâu đó những bác sĩ thực sự là: "Lương y như từ mẫu" nhưng rất ít. (An Khanh, 25 tuổi, 253 hoang van thu)

- BS Đỗ Hồng Ngọc: Tôi nghĩ thời Hippocrates, cuộc sống cũng đâu dễ dàng gì... Vấn đề là người thầy thuốc một khi đã chọn nghề y thì đã có lý tưởng phục vụ và giúp đời. Hiện nay nếu có những vấn đề vi phạm y đức, bị xã hội lên án thì có lẽ do cuộc sống vật chất đua đòi, trong một bối cảnh xã hội biến chuyển quá nhanh chóng với những mặt trái của cơ chế thị trường. Tuy nhiên, với những chính sách đúng đắn của ngành y thì dần dần tình hình sẽ được cải thiện.

- Bác sĩ Trương Thìn: Chúng ta hãy tưởng tượng một cuộc chạy đua của rất nhiều người tiến tới mục tiêu y đức. Cuộc đua này đầy thử thách và rất thú vị. Trong cuộc chạy đua đầy thử thách đó, có người chạy chậm, thậm chí có người bỏ cuộc và vô số người vẫn đang chạy tới. Đó là sự tồn tại và phát triển của ngành y tế.

* Theo BS, so với trước đây, Y đức ngày nay có gì khác biệt không? Đâu là yếu tố khách quan và chủ quan tác động đến Y đức của người Bác sĩ? (Thanh A'i, 27 tuổi, Binh Duong)

- Bác sĩ Trương Thìn: Trong y đạo, y đức có những điều bất hủ, nghĩa là thời nào cũng có giá trị nhưng cũng có những điều phải tùy thời. Vì thế y đức thời xưa và thời nay có khác nhau. Y học cổ truyền của chúng ta phát triển trong điều kiện lịch sử của một nước nông nghiệp lạc hậu với phương thức sản xuất thủ công nhỏ bé, nay muốn trở thành một nước phát triển thì y đức phải có những nội dung làm cho y học phát triển, đó là hội nhập, hiện đại hóa, công nghiệp hóa và Việt Nam hóa.

* Nhân ngày 27/2 cháu gửi lời chúc mừng đến hai BS. Các BS đánh giá việc đào tạo BS hiện nay ở VN ra sao? Chế độ đãi ngộ đối với các BS vẫn còn chưa thoả đáng, BS nhìn nhận vấn đề này thế nào?

Các bác sĩ nghĩ gì về vấn đề tham vấn bệnh nhân của bác sĩ VN nói chung hiện nay? Với tư cách là những người trong ngành theo các bác sĩ nhà nước có nên ban hành một chính sách cụ thể xử lý những sai phạm y đức của các cán bộ ngành y?(Lệ Anh, 26 tuổi, Hà Nội)

- BS Đỗ Hồng Ngọc: Theo tôi việc đào tạo bác sĩ VN hiện nay đã có nhiều tiến bộ đáng kể. Chương trình đào tạo không thua kém các nước trong khu vực. Tuy nhiên, rất cần được đào tạo thêm về mặt tâm lý xã hội nhân chủng cho SV cũng như môn nghĩa vụ luận.

Tham vấn bệnh nhân rất cần được đưa vào giảng dạy cho SV để có thể cải thiện mối quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân. Người thầy thuốc cần được học cách lắng nghe, tôn trọng và thấu cảm với người bệnh. Ngược lại, người bệnh cũng cần phải tôn trọng và thấu cảm với người thầy thuốc. Theo tôi, ngành y tế cần nhanh chóng tổ chức một hội đoàn nghề nghiệp để hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước như y sĩ đoàn trước đây.

- Bác sĩ Trương Thìn: Cần có một chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế từ đó tạo ra được một động lực mạnh mẽ cho ngành để có những thành quả cao và giới hạn những tiêu cực. Theo tôi, việc cải cách chế độ đãi ngộ trong ngành y không thực hiện nhỏ giọt, từ từ, chậm chạp mà nên giải quyết một cách mạnh mẽ, đáp ứng được yêu cầu.

Theo tôi, cần có nghĩa vụ luật của ngành y tế thì mới có kỷ cương.

Tham vấn là một nhu cầu, một ước mơ tiếp cận đầy tình, đầy lý của người thấy thuốc cho nên đây là hình thức phòng - chữa bệnh của một ngành y tế phát triển.

Tất cả những thành công của ngành y tế là từ đào tạo, tất cả những khủng hoảng của ngành y tế cũng từ đào tạo. Do đó đào tạo trong ngành y tế là gốc rễ cần phải vun xới.

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên