17/07/2014 02:37 GMT+7

Cần chấn chỉnh triệt để ngành hàng không

TS LÊ NGUYỄN MINH QUANG
TS LÊ NGUYỄN MINH QUANG

TT - Có thể nói những sai sót trong việc điều hành các chuyến bay đã diễn ra khá nhiều trong các năm qua, nhưng chỉ được nêu rõ sự việc và địa chỉ của người có trách nhiệm dưới sự cương quyết của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng.

Phi công PIC 595: "Bọn em xém chết rồi đấy"Các ông quản lý đừng ngồi trên trờiMuốn giảm chậm hủy chuyến phải biết xấu hổ

OoLIeq9Z.jpgPhóng to
Khách vật vạ ở sân bay Tân Sơn Nhất chờ chuyến bay bị trễ - Ảnh: T.T.D.

Việc chậm, hủy chuyến bay là sự bực dọc, ấm ức, thậm chí là nỗi ám ảnh của đại đa số khách hàng thường xuyên của các hãng hàng không (HK) suốt bao nhiêu năm trời, giờ mới được mổ xẻ và bàn giải pháp khắc phục.

"Cần lắm những tư lệnh ngành xông xáo và quyết liệt, dám thẳng thắn chỉ rõ những khiếm khuyết của bộ, ngành mà mình phụ trách để có sự chỉnh đốn triệt để"

Tôi theo dõi phản ứng của những người trong và ngoài ngành thấy có hai xu hướng như sau: Những người ủng hộ cho rằng đó là những việc cần làm và lẽ ra phải làm từ rất lâu và thường xuyên nhưng đến giờ này Bộ trưởng Đinh La Thăng mới thấy. Còn những người phản đối cho rằng việc chậm, hủy chuyến là việc thường tình của ngành HK. Ngay cả Hoa Kỳ là một quốc gia có ngành HK phát triển lâu năm và tiên tiến vào bậc nhất thì việc chậm, hủy chuyến là chuyện cơm bữa.

Vấn đề ở chỗ là đến hơn 70% các chuyến bay bị chậm, hủy - như đã được phân tích và báo cáo trong các cuộc họp với Bộ trưởng Thăng - là do yếu tố thương mại. Các hãng máy bay đều mở bán các chuyến bay và số chỗ trên mỗi chuyến bay nhiều hơn thực tế. Quy trình này là để tăng công suất sử dụng máy bay và hệ số lấp chỗ trên các chuyến (đã tính đến tỉ lệ khách đặt chỗ nhưng không đi vào giờ chót), bất chấp hành khách là người chịu thiệt thòi. Không rõ từ đâu và từ khi nào chính sách kinh doanh đẩy thiệt thòi, rủi ro về phía khách hàng đã được các hãng HK trên thế giới áp dụng, VN không là ngoại lệ. Tuy nhiên trong khi các hãng HK uy tín trên thế giới thực hiện nghiêm túc các quy định bồi thường thiệt hại cho hành khách khi chuyến bay bị chậm, hủy thì tại VN điều đó rất kém.

Điều đáng suy nghĩ là trong khi Bộ trưởng Đinh La Thăng rất quyết tâm để giảm thiểu những nhọc nhằn, khổ sở của hành khách thì dường như lãnh đạo các hãng HK lại có vẻ chưa nhận thức được điều này. Đây cũng là sự khác biệt của các hãng HK VN với các hãng HK danh giá trong khu vực như Singapore Airlines hay Cathay Pacific. Chừng nào mà lãnh đạo

Hãng HK quốc gia VN còn chưa thấy bức xúc như bộ trưởng về tình trạng chậm, hủy chuyến, chưa lấy việc nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của hành khách làm thước đo sự lớn mạnh của hãng thay vì số lượng máy bay và tuyến bay, thì chừng đó việc vươn lên tầm châu lục của hãng và sự yêu mến hài lòng của hành khách đối với ngành HK VN vẫn chỉ là mơ ước!

Năm 1965, khi kiến tạo một nước Singapore non trẻ với một xã hội còn ngổn ngang tệ nạn tham nhũng, cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu văn minh, Thủ tướng Lý Quang Diệu lúc bấy giờ đã xác lập một lối đi riêng cho đảo quốc này. Ông từng tuyên bố và thúc đẩy cả bộ máy chính quyền tạo nên sự khác biệt, để giờ đây mọi người nhắc đến một quốc gia với dân số và diện tích chỉ bằng phân nửa TP.HCM với sự ngưỡng mộ về sự trong sạch, văn minh của cả chính quyền lẫn cơ sở vật chất.

Tại sao VN, trước những thử thách hiện tại, không tự hỏi mình có thể làm gì tốt hơn, khác biệt hơn để mỗi khi nhắc đến VN, bạn bè năm châu không chỉ nhắc về quá khứ vẻ vang chống ngoại xâm, mà còn về một đất nước có tỉ lệ chậm, hủy chuyến bay thấp nhất khu vực/thế giới, một đất nước có hệ thống giao thông thay đổi và tiến bộ nhanh nhất, cùng bao nhiêu điều tốt đẹp khác?

TS LÊ NGUYỄN MINH QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên