Bộ trưởng Đinh La Thăng xin lỗi hành khách bị VJA cho bay nhầmPhi công VietJetAir không được thông báo đổi kế hoạch bayĐiều tra vụ máy bay VietJetAir đi Đà Lạt hạ cánh tại Cam Ranh
Phóng to |
Một chuyến bay của VietJet Air - Ảnh: Châu Anh |
Chiều 25-6, tại cuộc họp với Cục Hàng không và các đơn vị liên quan về việc máy bay của VietJet Air (VJA) chở khách từ Hà Nội đi Đà Lạt nhưng hạ cánh ở Cam Ranh, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng lên tiếng xin lỗi người dân, hành khách về sự cố này.
Đình chỉ ca trực phòng quản lý bay Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu cho biết sáng 25-6, ca trực của phòng quản lý bay tại Nội Bài (trong ngày xảy ra sự cố) đã bị đình chỉ vì không nhận được xác nhận kế hoạch bay của phi công cũng cho cất cánh, cùng với lỗi phát hiện chuyến bay sai hành trình sau 30 phút nhưng không thông báo tới không lưu. Tuy nhiên tại cuộc họp, phía phòng thông báo bay cho rằng không lưu tại Nội Bài không thực hiện đúng quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế khi không thông báo ngay việc máy bay đã cất cánh cho cảng hàng không sau khi máy bay cất cánh. |
Theo ông Thăng, lỗi xảy ra trực tiếp do hãng hàng không nhưng suy cho cùng là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.
Lộ ra nhiều sai phạm
Tại cuộc họp, ông Lại Xuân Thanh - cục trưởng Cục Hàng không - cho biết nguyên nhân trực tiếp xảy ra sự việc máy bay A320 mang số đăng ký quốc tịch VN - A 692 chở khách đi Đà Lạt nhưng lại đến Cam Ranh trong ngày 19-6 là do VJA thay đổi kế hoạch, điều máy bay này đưa khách đi Đà Lạt thay vì đến Nha Trang như kế hoạch cũ nhưng phi công và nhiều bộ phận liên quan không được biết. Kế hoạch bay điều chỉnh chỉ tới được tiếp viên và phục vụ mặt đất, còn cả hệ thống vẫn thực hiện theo kế hoạch cũ. Đến khi máy bay chỉ cách sân bay Cam Ranh 5 dặm, thông báo chuẩn bị hạ cánh thì mới phát hiện nhầm lẫn.
Theo ông Thanh, qua điều tra phát hiện thêm nhân viên điều phối của VJA không chỉ không thông báo kế hoạch bay mới với cơ trưởng mà với cả phòng thủ tục bay. Nhân viên điều phối được cấp chứng chỉ ký vào kế hoạch bay nhưng người thực hiện thông báo lại là một nhân viên chưa được cấp chứng chỉ. Bên cạnh đó, ca trực của phòng thủ tục bay cũng làm sai quy trình khi chưa có kế hoạch bay được cơ trưởng xác nhận mà vẫn cho phép chuyến bay khởi hành.
Do kế hoạch bay không đến phòng thủ tục bay nên đài chỉ huy vẫn cho phép chuyến bay cất cánh theo kế hoạch cũ. Máy bay cất cánh được 30 phút, phòng kế hoạch bay mới nhận được thông báo kế hoạch điều chỉnh của VJA nhưng cũng không liên lạc với không lưu để thông báo cho cơ trưởng có thể điều chỉnh đường bay.
Bên cạnh đó, cơ phó của chuyến bay dù ký vào xác nhận tải trọng của máy bay có ghi rõ đưa khách đến Đà Lạt nhưng vẫn không để ý. Tổ bay cũng bỏ qua quy trình hội ý trước chuyến bay để xác nhận các thông tin về chuyến bay như quy định. “Đã xảy ra một loạt lỗi hệ thống và để xảy ra lỗi này có trách nhiệm của Cục Hàng không” - ông Thanh thừa nhận.
Trả lời câu hỏi vì sao hành khách không phát hiện nhầm lẫn sớm khi cơ trưởng thông báo về hành trình chuyến bay, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu giải thích không có quy định bắt buộc tổ lái phát thông báo và qua nghe lại băng ghi âm thấy tổ lái không thông báo. Tuy nhiên, ông Tiêu đề nghị làm rõ tại sao có người của VJA gọi điện tới đài kiểm soát không lưu Cam Ranh đề nghị cho thay đổi đường bay tới Đà Lạt khi máy bay sắp hạ cánh. “Trường hợp này đài đã làm việc nghiêm túc, đúng quy định khi không nghe theo yêu cầu trên”.
Một chuyến bay của VietJet Air - Ảnh: Châu Anh |
Khiển trách cục trưởng Cục Hàng không
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định sự cố trên là hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn bay chứ không phải có nguy cơ uy hiếp như Cục Hàng không nhận định. Vì vậy, tất cả các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đều phải nghiêm túc rút kinh nghiệm để khắc phục. “Thay mặt lãnh đạo bộ, tôi xin lỗi người dân, hành khách! Bởi vì nếu Cục Hàng không làm kiên quyết hơn, sau khi thanh tra năng lực khai thác của VJA vào tháng 4 vừa qua nếu thấy không đủ điều kiện thì phải dừng. Còn đưa khuyến cáo thì phải thực hiện giám sát hằng ngày để không xảy ra sự cố” - ông Thăng nói.
Ông Thăng cũng khiển trách cục trưởng Cục Hàng không vì không thông báo sự việc nhanh nhất theo đúng diễn biến mà cứ trao đổi với nhau để bàn đưa ra thông tin thế nào. Thứ hai là đã phát hiện VJA do quy mô phát triển nhanh nên đội ngũ nhân lực chưa theo kịp, tổ chức điều phối chưa tốt mà chỉ khuyến cáo, chưa có chế tài cụ thể nên dẫn đến việc vừa qua. Thứ ba, cảng hàng không có nhiều đơn vị nhưng tổ chức phối hợp hoạt động, quản lý chưa tốt, còn đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, chưa ai nhận thấy trách nhiệm của mình.
Ông Thăng giao Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu làm việc với các đơn vị để làm rõ, kiểm điểm xử lý trách nhiệm những đơn vị, cá nhân liên quan. Cảng hàng không, tổng công ty quản lý bay họp kiểm điểm trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan... Từ đó rút kinh nghiệm đưa vào trong Luật hàng không sửa đổi quy định trách nhiệm rõ hơn của các đơn vị, cơ quan có liên quan đối với an toàn hàng không...
Bộ trưởng Thăng cũng yêu cầu VJA phải phát triển nguồn nhân lực phù hợp với phát triển đội bay. Cục Hàng không phải hết sức nghiêm túc, tăng cường giám sát VJA nhiều hơn, đưa ra lộ trình tương ứng với đội bay, chỉ đủ điều kiện mới cấp phép. “Nếu vẫn để VJA tiếp tục hoạt động, phải thực hiện giám sát VJA hằng ngày. Nếu cảm thấy không yên tâm thì bớt máy bay đi, nếu đội ngũ chỉ đủ khả năng quản lý 10 máy bay thì giảm bớt 5 máy bay cất vào kho, khi nào đủ điều kiện mới cho hoạt động” - ông Thăng nói. Đồng thời yêu cầu VJA phải xử lý nghiêm các cá nhân liên quan, đặc biệt là người điều phối, tổ bay, tiếp viên và vai trò người quản lý cùng với tăng cường đào tạo nghiệp vụ chuyên môn.
Ngoài ra, theo ông Thăng, VJA phải rút kinh nghiệm, xử lý nghiêm khắc những người bưng bít thông tin, không chịu thông tin ngay khi xảy ra sự cố cứ tính lý do nọ kia, đồng thời khẳng định cách cầu thị tốt nhất là cung cấp thông tin cho đầy đủ. Khi xảy ra sự cố phải thông tin cho báo chí chính thức và có người trả lời báo chí. Bộ trưởng Thăng yêu cầu chậm nhất ngày 5-7, Cục Hàng không phải có báo cáo và Bộ GTVT sẽ có báo cáo Thủ tướng, công khai cho nhân dân, hành khách biết để thể hiện tinh thần cầu thị của ngành giao thông và các doanh nghiệp. “Có làm thì có sai. Vấn đề là nhận ra sai để sửa chữa” - ông Thăng nói.
VJA xin lỗi và “nghiêm túc rút kinh nghiệm” Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - tổng giám đốc VJA - thay mặt VJA lấy làm đáng tiếc vì để xảy ra sự cố. Theo bà Thảo, đây là sự cố hi hữu lần đầu tiên xảy ra ở VN, uy hiếp an toàn bay trực tiếp thì không có nhưng có sự tiềm ẩn uy hiếp an toàn bay nên phải nghiêm túc xem xét xử lý các cá nhân, bộ phận có liên quan, không để lặp lại sự cố tương tự. “Tinh thần của chúng tôi là nghiêm túc, cầu thị xin lỗi hành khách, người dân. Chúng tôi cũng thừa nhận truyền thông ban đầu có sự lúng túng. Ngay đêm xảy ra sự cố lúc đó 23 giờ báo chí đã lên tin rầm rộ và liên lạc rất nhiều với bộ phận truyền thông và bộ phận này ban đầu cũng có thông tin chưa đầy đủ, chưa chính xác. Chúng tôi cũng có sự im lặng trong suốt mấy ngày nhưng lời xin lỗi đã gửi đến tất cả hành khách. Còn nguyên nhân chúng tôi có sự lúng túng nhất định nên phải phối hợp với Cục Hàng không để xác minh rõ lý do. Nhưng do mấy ngày nghỉ nên chưa có được sự liên lạc để có thông tin chính thức nên cuối ngày chủ nhật đưa thông tin chính thức xin lỗi hành khách trên truyền thông. Sự lúng túng gây nên những dư luận trên truyền thông khác nhau. Đấy cũng là lỗi của hãng trong công tác truyền thông sẽ khắc phục” - bà Thảo nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận