Không để tái diễn “xin ở lại hộ nghèo”Chênh lệch giàu - nghèo gia tăng
Phóng to |
Chị Lý Thị Dung (xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, Hà Giang) cày ruộng với con trâu trị giá 18 triệu đồng. Con trâu được chị “tậu” từ tiền vay của Quỹ hỗ trợ người dân miền núi - Ảnh: T.T.D. |
Bên cạnh ghi nhận những thành tựu nổi bật về giảm nghèo, nhiều ý kiến tiếp tục băn khoăn với khoảng cách giàu - nghèo có xu hướng tăng; mức sống của hộ nghèo và hộ cận nghèo chưa có sự khác biệt đáng kể nên nguy cơ tái nghèo cao…
Đại biểu (ĐB) Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) đề nghị cần khắc phục tình trạng dàn trải, giảm dần các chính sách cho không, tập trung hỗ trợ sản xuất để người nghèo vươn lên thoát nghèo. Trong đó, ĐB Kim Chi đề nghị hỗ trợ thiết thực để ngư dân yên tâm bám biển...
Cùng với nhiều đánh giá trước đó, ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) đồng tình cho rằng xóa đói giảm nghèo trong thời gian qua tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng, nhưng lại chưa đồng đều và thiếu bền vững.
“Để thực hiện xóa đói giảm nghèo, cần nhiều giải pháp khác nhau, nhưng bao quát nhất là cần phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các biện pháp này có vẻ không liên quan trực tiếp đến người nghèo và người có thu nhập thấp, nhưng chúng thực sự giúp tránh được các cuộc khủng hoảng có khả năng xóa đi các thành tựu to lớn về giảm nghèo mà chúng ta đã đạt được”. (ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang, TP.HCM) |
Dẫn báo cáo của Chính phủ, ĐB Thùy Trang nói mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt có nơi còn đến 60 - 70%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước. Tỷ lệ hộ tái nghèo, phát sinh nghèo mới hàng năm còn cao.
Đề cập nguyên nhân của những hạn chế trong lĩnh vực nói trên, ĐB Thùy Trang cho rằng cần nhấn mạnh đến khâu xây dựng và thực thi chính sách.
Theo đó, báo cáo của Chính phủ đã nêu mặc dù các chính sách giảm nghèo được các địa phương đánh giá là phù hợp, nhưng chúng ta lại có quá nhiều chính sách, dẫn đến nguồn lực bị phân tán, hiệu quả tác động đến đối tượng thụ hưởng chưa cao. Sự “bội thực chính sách”, sự chồng chéo về nội dung, đối tượng, địa bàn hỗ trợ và kể cả sự thiếu phối hợp trong xây dựng, triển khai thực hiện chính sách thực tế đang là lực cản của việc tiến tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.ĐB Thùy Trang đề nghị khi phân tích đánh giá tính đa chiều của nghèo, cần đánh giá xem người dân đã chi tiêu như thế nào cho hai lĩnh vực quan trọng nhất của hộ gia đình là giáo dục và y tế để đánh giá chất lượng của giảm nghèo.
Báo cáo của Bộ kế hoạch - đầu tư cho thấy mức chi tiêu cho giáo dục trong tổng chi tiêu của hộ gia đình nói chung tăng nhẹ từ 9,6% năm 2010 lên 9,9% năm 2012, tuy nhiên các hộ nghèo lại giảm chi tiêu cho giáo dục khoảng 23%. Tương tự, mức chi tiêu cho y tế của hộ gia đình nghèo cũng giảm 22% trong cùng thời kỳ này. Những con số này phản ảnh phần nào chất lượng của việc giảm nghèo còn hạn chế, nhất là ở thời kỳ kinh tế bị suy giảm.Trong khi đó, ĐB Thùy Trang lưu ý thêm có một nhóm dân cư khác cũng cần được quan tâm, đó là người lao động nhập cư có thu nhập thấp. Nhóm dân cư này thường không thuộc nhóm nghèo nếu chỉ dựa trên yếu tố thu nhập hay chi tiêu. Tuy nhiên, nguy cơ rơi vào nhóm nghèo của nhóm này là khá cao do họ thường không có bảo hiểm xã hội, không có bảo hiểm y tế, chất lượng nhà ở không đảm bảo và thường nằm bên rìa sự quan tâm của địa phương sở tại…
Một tình trạng khác là có những cặp vợ chồng trẻ lao động xa quê quyết định cho con ở lại sống cùng với họ thay vì gửi con về quê.
Theo ĐB Thùy Trang cho rằng những vấn đề nói trên có thể sẽ làm thay đổi diện mạo của “nghèo đô thị” nói chung và “nghèo trẻ em” ở vùng đô thị nói riêng. Vì vậy cần nghiên cứu đối phó với nguy cơ “nghèo trẻ em”, vì đầu tư vào phát triển đầu đời sẽ có hiệu quả về nguồn lực con người cao hơn hẳn so với nếu can thiệp trong giai đoạn trễ hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận