Trao đổi với báo chí trước giờ thảo luận dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói:
- Doanh nghiệp nhà nước có một đặc thù riêng, sử dụng nguồn vốn của nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, hay nói khác hơn là nhà nước làm kinh tế. Trong thời gian qua, khu vực kinh tế nhà nước mà nòng cốt là doanh nghiệp nhà nước đã mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, khoảng trên 1/3 GDP. Cùng với đó, khối này cũng góp phần giải quyết được lao động, việc làm.
Tuy nhiên, cần thấy rằng việc quản lý vốn của nhà nước có giai đoạn bị lỏng lẻo, ví dụ đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước như thế nào là hợp lý, vào lĩnh vực nào… Nhiều ý kiến phê phán doanh nghiệp nhà nước đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực, nên luật nói trên sẽ giải quyết những vấn đề đang đặt ra này.
Đồng thời việc sử dụng vốn đó cần được tính toán đến tiêu chuẩn để khẳng định khi sử dụng vốn đầu tư sẽ đem lại hiệu quả như thế nào sẽ phải tính toán tới. Thời gian qua bộ máy quản lý gặp nhiều khó khăn và khi cơ chế quản lý không chặt chẽ thì có thể nhiều đầu tư không mang lại hiệu quả, thậm chí là thua lỗ, rất rõ là Vinashin, Vinaline.
Do vậy, yêu cầu của dự án luật là phải giải quyết được vấn đề này, đầu tư vào đâu là phải rõ ràng, hiệu quả mang lại như thế nào, ai sẽ là người đại diện… và mục tiêu cuối cùng là nhà nước làm kinh tế phải mang lại hiệu quả.
* Nhưng thưa ông, một số ý kiến cho rằng hiện vẫn chưa rõ mô hình quản lý khối tài sản khổng lồ của dân tại các doanh nghiệp nhà nước, nên rất khó xác định trách nhiệm cụ thể khi kết quả đầu tư hiệu quả hay không hiệu quả?
- Cần khẳng định rằng ông chủ chính là nhà nước. Trước đây có sự nhầm lẫn giữa nhà nước quản lý kinh tế và câu chuyện nhà nước làm kinh tế. Bây giờ tách bạch nhà nước quản lý kinh tế và nhà nước làm kinh tế - tức bỏ vốn đầu tư và phải mang lại hiệu quả.
* Như ông vừa nói cần khẳng định vai trò của doanh nghiệp nhà nước dưới góc độ hiệu quả nhưng làm thế nào để chống được tham nhũng, tiêu cực, thất thoát ở lĩnh vực này mà dư luận đang rất quan tâm?
- Muốn làm điều này cần xây dựng cơ chế, quy định phải đảm bảo các doanh nghiệp nhà nước đầu tư đúng hướng, hiệu quả. Đặc biệt là người ra quyết định đầu tư phải chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư (bằng vốn, tài sản… của nhà nước).
Bên cạnh đó cần có cảnh báo sớm đối với những đầu tư này, tiêu chí quản lý đồng vốn; thường xuyên kiểm tra và quan trọng hơn là phải công khai, minh bạch. Đây là cuộc đấu tranh lâu dài, kiên trì, không thể mong muốn ngày một ngày hai được, đấy là thực tiễn. Tuy nhiên, một điểm yếu hiện nay là có luật pháp nhưng việc tuân thủ luật pháp chưa nghiêm.
Liên quan đến phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp theo các hình thức đầu tư tại dự thảo luật, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết có 3 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất cho rằng cần xác định rõ hơn những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước được đầu tư, đặc biệt lĩnh vực độc quyền nhà nước, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; những ngành, lĩnh vực cần duy trì doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước cần tiếp tục duy trì tỉ lệ cổ phần, vốn góp tại doanh nghiệp; nguyên tắc để mua lại một phần vốn hoặc toàn bộ doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác khi Nhà nước điều chỉnh cơ cấu kinh tế, trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội. Loại ý kiến thứ hai cho rằng cần quy định tách bạch rõ chức năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp với hoạt động công ích. Loại ý kiến thứ ba đề nghị làm rõ việc có tiếp tục duy trì mô hình Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) như hiện nay hay không. Dự thảo luật chưa đề cập đến mô hình doanh nghiệp này, do đó cần quy định cụ thể về vai trò, chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của doanh nghiệp có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước. Quan điểm của Ủy ban Kinh tế Quốc hội là cần xác định rõ hơn những ngành, lĩnh vực sẽ đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp theo từng hình thức đầu tư cụ thể. Theo đó, cần hạn chế tối đa việc Nhà nước thành lập doanh nghiệp mới, cũng như làm rõ những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước cần tiếp tục duy trì tỉ lệ cổ phần, vốn góp và đề nghị quy định cụ thể hơn về vai trò, mô hình hoạt động của doanh nghiệp có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận