“Vỡ” trạm cân Đạ Huoai, hơn 400 xe quá tải tháo chạy16 xe quá tải vượt trạm cân bất thành giữa đêm khuyaXử phạt 1.200 doanh nghiệp, chủ xe vì chở quá tải
Trạm cân Bình Phước - Ảnh: B.Liêm |
Trong khi đó, đại diện Tổng cục Đường bộ lại nói cân xe bị trục trặc là do người sử dụng chưa có kinh nghiệm, đồng thời thừa nhận rằng cân không được thiết kế để hoạt động trong điều kiện mưa ngập.
Không chịu được mưa
Tại trạm cân lưu động trên quốc lộ 51 (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), chiều 7-5, các lực lượng ở đây không thể cân xe được do trời mưa. Một thanh tra giao thông cho biết khi trạm cân đưa vào hoạt động hai lần phải ngưng cân xe để dọn cân do mưa. “Theo cách thiết kế là mặt cân để trên đường, mưa xuống phải dọn, nếu không ca trực chúng tôi phải chịu trách nhiệm khi xảy ra hỏng hóc” - một thanh tra giao thông ở tỉnh Đồng Nai nói.
Cũng theo lực lượng ở trạm cân này, từ ngày có trạm cân đến nay, có ba lần trục trặc kỹ thuật. Cụ thể, ngày 11-4 camera số 1 để chụp biển số xe khi vào cân bị hư hỏng. Ngày 22-4, bàn cân bị đứt dây cáp tín hiệu phải dừng hoạt động trong hai giờ. Ngày 25-4, hệ thống cân bị hư phải ngưng hơn 11 giờ.
Theo ông Nguyễn Thanh Quang (thanh tra viên - Thanh tra giao thông tỉnh Bình Phước), sau nhiều ngày khắc phục hỏng hóc, đến nay trạm cân trên quốc lộ 14 (đặt tại khu vực xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú) cơ bản ổn định. Chỉ riêng hệ thống mạng điều khiển đôi khi bị chập chờn, dẫn đến tình trạng xe nối đuôi nhau để chờ cân.
Ông Quang còn cho biết theo nhà cung cấp thiết bị là Công ty TNHH một thành viên Hanel, trạm cân vẫn có thể hoạt động khi trời mưa, chỉ trừ khi nước mưa gây ngập trạm cân thì mới không thể hoạt động. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hễ trời mưa dù lớn hay nhỏ là phải thu dọn, dừng cân ngay, nếu không sẽ hỏng hóc.
Thường gặp lỗi
Theo ông Nguyễn Minh Thụy - chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải Nam Định, bộ cân lưu động được Tổng cục Đường bộ trang bị cho tỉnh này từng gặp trục trặc phải gửi trả lại Công ty Hanel để bảo hành. Ông Thụy còn nói thiết bị cân này khá “khó tính”, phải hoạt động trên mặt bằng rất bằng phẳng, nếu không số liệu sẽ bị chênh.
Chánh thanh tra Giao thông vận tải Lạng Sơn Nguyễn Ngọc Thiều cho hay bộ cân được trang bị cho địa phương gặp trục trặc ngay từ hôm ra quân cân xe quá tải. “Lúc đó máy báo lỗi không nhận, không đọc thiết bị, sau đó chúng tôi phải gửi cho Công ty Hanel sửa chữa mất 10 ngày. Thiết bị chỉ hoạt động sau khi được Công ty Hanel thay camera. Tuy nhiên hai, ba hôm gần đây, bảng điện tử Led của thiết bị cân lại chập chờn, lúc hiển thị số liệu, lúc không” - ông Thiều phản ảnh.
Liên quan đến chất lượng cân di động, ông Huỳnh Ninh Thạch - chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải Bình Thuận - cho biết từ khi đưa vào hoạt động đến nay, thiết bị cân điện tử tại trạm nhiều lần xảy ra tình trạng đứt cáp.
Theo ghi nhận, trong nhiều ngày quan sát hoạt động của trạm cân tại Bình Thuận, một số trường hợp xe tải sau khi chạy lên bàn cân điện tử thì cân không hiện con số tải trọng, tài xế phải cho xe chạy vòng trở lại để tiếp tục cân lần hai. Một cán bộ làm nhiệm vụ tại trạm cân cho biết khi xe tải chuẩn bị vào trạm để cân thì nhân viên trạm phải hướng dẫn cho tài xế điều khiển xe chạy từ từ vào bàn cân. Như vậy cân mới hoạt động bình thường.
Chủ yếu do lỗi vận hành?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Văn Chung - phó vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ - cho biết hiện nay các địa phương đang sử dụng hai hệ thống cân là bộ cân lưu động của Tổng cục Đường bộ cấp và cân xách tay do địa phương tự trang bị.
Về thông tin bộ cân ở Nam Định hoạt động không ổn định, ông Chung nói thời kỳ đầu có trục trặc do thiết bị mới và người vận hành chưa có kinh nghiệm. Với tình trạng bộ cân ở một số nơi hoạt động chập chờn, theo ông Chung, do chất lượng mạng 3G. Các bộ cân sử dụng mạng 3G của Viettel, được cài trực tiếp trong máy tính để truyền dữ liệu về trung tâm. Nhưng có lúc sóng 3G kém thì việc hoạt động bị hạn chế. Việc này do cơ sở hạ tầng viễn thông chưa đáp ứng tốt nhu cầu.
Còn về phản ảnh bộ cân không hoạt động được khi trời mưa to, theo ông Chung, do cân không được thiết kế để hoạt động trong môi trường nước. Nên khi mưa to và ngập thì cân không hoạt động được. Bộ cân này khác với bộ cân bàn đặt trong hầm và phía trên có bàn che, cảm biến nằm dưới bàn che.
Theo ông Chung, các trục trặc xảy ra ở các trạm cân thường do giai đoạn đầu chưa quen vận hành. Lỗi thường gặp nhất là cột tiếp địa được đóng chưa sâu như tiêu chuẩn, đầu dây nối tiếp địa chưa được xoắn chặt... “Thực tế 10 tỉnh được cấp bộ cân từ tháng 9-2013 lúc đầu cũng gặp trục trặc nhưng đến nay có kinh nghiệm, hoạt động ngon lành. Đợt cấp cho 53 tỉnh sau này có một số tỉnh chưa quen sử dụng, Hanel luôn trực 24/24 giờ để hướng dẫn xử lý. Nhưng cũng có lúc trạm cân gọi đến thì họ đang hướng dẫn cho trạm khác nên điện thoại bận, chưa hướng dẫn kịp thời” - ông Chung giải thích.
Ông Chung còn nhấn mạnh qua một tháng triển khai đồng loạt cân xe thấy có 95-96% trục trặc là do vận hành. Có một lỗi duy nhất do cân nhưng thật ra cũng là do người hướng dẫn xe vào cân đi lệch góc cân khiến đầu đo ở vị trí này bị hỏng.
Cân chệch choạc, nhà xe khiếu nại Ngày 14-5, ông Lê Ngọc Vàng, tài xế xe tải 78C-02509, cho biết ông phải dừng xe ở trạm cân Bắc Ninh Thuận hai ngày, không ký biên bản để khiếu nại vì trạm cân này cân không chính xác. Theo ông Vàng, xe ông chở 340 bao đường cát tinh luyện (trọng lượng 17 tấn), khi cân tại trạm cân này vào tối 12-5 thì cho kết quả trọng lượng hàng hóa là 19,53 tấn, quá tải 1,63 tấn, bị lập biên bản phạt 6,9 triệu đồng. Sau đó, ông yêu cầu cân lại nhưng kết quả quá tải chỉ là 1,14 tấn, giảm 490kg so với lần cân trước. Tương tự, xe tải 29C -18606 cũng cân hai lần cho ra hai kết quả chênh lệch nhau 2 tấn. Chiều 14-5, trả lời câu hỏi về kết quả cân hai lần khác nhau, ông Nguyễn Văn Mộc - trưởng trạm cân tải trọng lưu động xe Ninh Thuận - cho rằng thiết bị cân tải trọng xe đều do Cục Đường bộ trang bị nên rất chính xác. Còn kết quả cân có khác nhau là do tốc độ xe khi chạy qua bàn cân nhanh hay chậm (?). CHÂU AN |
Sẽ chỉ đạo làm mái che trạm cân lúc trời mưa Chiều 14-5, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết sẽ chỉ đạo Tổng cục Đường bộ nghiên cứu lắp đặt mái che để trạm cân có thể hoạt động được lúc trời mưa to, nhằm đảm bảo trạm cân hoạt động liên tục, không để tài xế chờ lúc trời mưa qua trạm mà không bị kiểm soát. Trước đó, bà Bùi Thị Hải Yến, phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Hanel - đơn vị chế tạo bộ cân xe lưu động, cho biết bộ cân được thiết kế, sản xuất theo đúng đầu bài đặt ra của Tổng cục Đường bộ. Trong tài liệu hướng dẫn sử dụng bộ cân có nêu rõ là bộ cân có thể sử dụng trong điều kiện trời mưa nhưng thiết bị cân (là thiết bị điện tử) không chịu được tình trạng ngập nước. Hanel đã tư vấn các tỉnh về cách sử dụng và bảo quản thiết bị cân trong thời tiết mưa. Các đơn vị sử dụng bộ cân cần phân biệt là cân hoạt động được trong trời mưa khác với việc để bàn cân ngập nước. T.PHÙNG |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận