13/05/2014 19:09 GMT+7

Hoạt động công ích: phải đấu thầu

H.ĐIỆP
H.ĐIỆP

TTO - Đó là ý kiến của ông Lê Mạnh Hà, phó chủ tịch UBND TP.HCM, trong buổi làm việc với đoàn ĐBQH khi đoàn này thực hiện quyền giám sát tình hình thực hiện Luật doanh nghiệp năm 2005 trên địa bàn thành phố diễn ra ngày 13-5 tại trụ sở UBND TP.HCM.

SuldxD76.jpgPhóng to
Ông Lê Mạnh Hà tại buổi làm việc với đoàn ĐBQH TP - Ảnh: H.Điệp

Theo đó, trả lời cho câu hỏi của đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang về hoạt động của các doanh nghiệp công ích, ông Lê Mạnh Hà nói rằng bắt đầu từ năm 2013 trở đi để thực hiện dịch vụ công ích thì các doanh nghiệp phải đấu thầu hoặc chí ít là đặt hàng để chọn được đơn vị giá thấp chất lượng cao. Ông Hà cũng cho biết đây là chỉ đạo của Thành ủy và TP.HCM liên quan đến lĩnh vực này.

Ngoài ra, nói về những thuận lợi và khó khăn trong hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn TP nói chung và doanh nghiệp nói riêng, ông Hà cho rằng theo ý kiến của ông trong vấn đề đăng ký kinh doanh không nên buộc các doanh nghiệp phải kê khai ngành nghề mà nên để người dân kinh doanh bất kể những thứ gì mà luật không cấm. Nêu lý do để đưa ra đề xuất này, ông Lê Mạnh Hà cho rằng việc kê khai ngành nghề khi đăng ký kinh doanh gây bất lợi cho người dân khi kinh doanh.

Đồng ý với ý kiến của ông Lê Mạnh Hà, ông Trần Du Lịch, phó Đoàn ĐBQH TP, cũng cho rằng bản kê khai tài sản dài hàng trang giấy A4, khiến người dân đi đăng ký kinh doanh nghĩ ra ngành nghề nào thì điền vào ngành nghề ấy. Việc bỏ đăng ký ngành nghề để người dân chỉ có thể phải đăng ký kinh doanh thương mại hoặc sản xuất, đến khi đi vào hoạt động thì kinh doanh ngành nghề gì nhiều thì báo cáo thuế là được. Và theo ông Hà, nên làm tốt công tác hậu kiểm đối với hoạt động doanh nghiệp chứ không phải buộc doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh.

Ngoài ra, ông Lê Mạnh Hà cũng cho rằng nên bãi bỏ Luật đầu tư mà chỉ nên cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước bởi đã có Luật doanh nghiệp rồi, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gì thì cũng đều có luật chuyên ngành điều chỉnh.

Ngoài ra, ông Trần Du Lịch cũng đặt câu hỏi về nguồn vốn của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, theo ông Lịch thì việc nắm thông tin về vốn của các doanh nghiệp này với số vốn khai hàng ngàn tỉ đồng khiến ông đặt câu hỏi nghi ngờ.

Các đại biểu cũng kiến nghị phải công khai những doanh nghiệp vi phạm pháp luật hoặc rút giấy phép đầu tư kinh doanh chứ không nên để tình trạng vi phạm pháp luật nhưng vẫn được hoạt động như hiện nay. Nói về vấn đề này, ông Hà cho rằng mỗi doanh nghiệp hoạt động đều đăng ký rất nhiều ngành nghề kinh doanh, bởi vậy họ vi phạm ở đâu thì xử lý ở đó chứ không thể rút giấy phép kinh doanh toàn bộ được mà phát hiện nhà máy nào vi phạm thì ngưng nhà máy đó và một cách hiệu quả hơn là công khai việc vi phạm của các doanh nghiệp trước công luận.

H.ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên