Thủ tướng quyết định rút đăng cai ASIAD 1815.000 tỉ đồng để tổ chức Asiad 18"Cơ sở vật chất hiện có đáp ứng 80% nhu cầu tổ chức Asiad"
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao các cơ quan liên quan làm việc với các đối tác để có phương án phù hợp rút đăng cai, không tổ chức Asiad 18 tại Hà Nội - Ảnh: Khang Huy |
Các đại biểu tại phiên điều trần của Ủy ban Văn hóa - giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về việc VN đăng cai Asiad 18 - Ảnh: Lê Kiên |
Tham dự cuộc họp có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh và lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Kế hoạch - đầu tư, Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, báo cáo của Văn phòng Chính phủ và ý kiến của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận nêu rõ Bộ Chính trị, Ban bí thư và Chính phủ đã có chủ trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao khu vực, quốc tế, trong đó có ASIAD vào thời điểm thích hợp nhằm góp phần phát triển thể dục thể thao và kinh tế - xã hội của đất nước. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND thành phố Hà Nội đã tiến hành vận động và được chấp nhận đăng cai tổ chức ASIAD 18 năm 2019 tại Hà Nội.
Chính phủ VN cảm ơn Hội đồng Olympic châu Á (OCA) đã ủng hộ, giúp đỡ VN trong phát triển thể dục thể thao nói chung và ủng hộ thành phố Hà Nội đăng cai tổ chức ASIAD 18 nói riêng.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng VN chưa có kinh nghiệm tổ chức sự kiện thể thao lớn như ASIAD. Việc chuẩn bị đăng cai ASIAD 18 chưa chặt chẽ. Khi vận động đăng cai, chưa có Đề án để bảo đảm tổ chức thành công ASIAD nếu được chấp nhận. Cho đến nay, Đề án tổ chức ASIAD 18 vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện đang còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận về mục đích ý nghĩa và còn khác nhau rất lớn về tổng mức đầu tư cũng như các nguồn kinh phí cụ thể (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, nguồn xã hội hóa, nguồn thu từ ASIAD).
Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định việc đăng cai và tổ chức thành công các sự kiện thể dục thể thao khu vực, quốc tế sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội và quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế của đất nước. Tuy nhiên nếu tổ chức không chu đáo, không thành công thì sẽ ảnh hưởng ngược lại. Thực tế qua các sự kiện thể dục thể thao lớn đã được tổ chức tại VN và trên thế giới cho thấy hầu hết là nguồn thu không bù đắp đủ chi phí và hiệu quả sử dụng nhiều công trình sau khi tổ chức là không cao.
Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta còn có nhiều khó khăn. Ngân sách nhà nước rất hạn hẹp và phải tập trung ưu tiên đầu tư cho nhiều nhiệm vụ hết sức cấp thiết khác. Mặt khác, việc đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình phải có để phục vụ cho ASIAD 18 theo hình thức xã hội hóa như: sân đua xe đạp lòng chảo, làng vận động viên, khu thi đấu đua ngựa và 5 môn phối hợp... cũng như dự kiến nguồn thu từ ASIAD để bổ sung cho kinh phí tổ chức là chưa có cơ sở chắc chắc và rất khó đảm bảo.
Qua cân nhắc các mặt, Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khẩn trương làm việc với Hội đồng Olympic châu Á (OCA) và các đối tác liên quan để có phương án phù hợp rút đăng cai, không tổ chức ASIAD 18 tại Hà Nội. VN sẽ xin đăng cai tổ chức ASIAD vào thời điểm thích hợp.
Hà Nội tiết kiệm gần 1.100 tỉ đồng? Trước quyết định của Thủ tướng giao Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, UBND TP Hà Nội khẩn trương làm việc với Hội đồng Olympic châu Á và các đối tác liên quan để có phương án phù hợp rút đăng cai Asiad, trao đổi với Tuổi Trẻ chiều tối 17-4, một lãnh đạo Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Hà Nội cho biết sẽ chấp hành nghiêm quyết định của Thủ tướng. Trong quy hoạch phát triển thể dục thể thao giai đoạn 2016-2020, UBND TP Hà Nội trình và đã được HĐND TP Hà Nội thông qua gói ngân sách đầu tiên cho mục tiêu tổ chức Asiad với nguồn vốn khoảng 1.100 tỉ đồng đầu tư cho mục tiêu cải tạo, nâng cấp các công trình thể thao cấp TP và các nhà thi đấu thuộc trung tâm thể dục thể thao quận, huyện, thị xã phục vụ tổ chức Asiad 18. Theo đó, khi không thực hiện nhiệm vụ đăng cai Asiad 18, Hà Nội sẽ tiết kiệm được nguồn ngân sách 1.100 tỉ đồng nêu trên. Bù lại, ngân sách TP sẽ chỉ phải bố trí cho nhiệm vụ cải tạo, chống xuống cấp các công trình thể dục thể thao theo mức chi hằng năm. XUÂN LONG |
Nghe thấu tiếng dân * Cả nước hoan nghênh quyết định đúng đắn của Thủ tướng Chính phủ! Đất nước còn nhiều việc phải lo. Biết nghe tiếng dân, lòng dân thì đó là cái quý giá để người dân tin vào người đứng đầu Chính phủ. Khi dân tin thì khó vạn lần đất nước cũng sẽ vượt qua! Đỗ Quang Đán * Đất nước đang quá khó khăn về kinh tế, các công trình phúc lợi, an sinh xã hội không đầy đủ, lực lượng vận động viên có thành tích (so với châu lục) kém nên việc rút và đăng cai vào một thời điểm khác là phù hợp với tình hình hiện nay. Cảm ơn Thủ tướng đã có quyết định sáng suốt. Đỗ Anh Tú * Tôi rất ủng hộ chủ trương của Chính phủ về việc VN hủy đăng cai tổ chức Asiad 2019. VN còn nghèo lắm, ngân sách nên dành cho nhiều nhiệm vụ cấp thiết khác. Đừng vì chạy theo phong trào mà làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Lê Văn Phết * Ngân sách nhà nước bội chi, các doanh nghiệp đang trong thời khủng hoảng, công nhân thiếu việc làm, đồng bào vùng xa còn khó khăn, trẻ con đi học còn lội suối... Việc chi cho tổ chức Asiad là rất lớn nhưng cũng chưa cụ thể, chưa rõ ràng, nếu như đăng cai mà không chu đáo thì còn mang tiếng cho quốc gia. Do vậy Thủ tướng đã biết lắng nghe dư luận xã hội và không chấp nhận đăng cai, như thế là hợp lòng dân, khi nào có điều kiện tốt thì cũng nên đăng cai vì tinh thần thể thao và quan hệ quốc tế. Lê Xuân Thủy |
______________________
Một quyết định hợp lòng dân
Một quyết định hợp lòng dân, đó cũng là cụm từ mà đêm qua chúng tôi nghe nhiều nhất, đọc nhiều nhất trên Tuổi Trẻ Online cũng như các báo khác...
18g30 ngày 17-4, Tuấn Thành - phó văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội - đã gọi điện cho chúng tôi với giọng như reo: ”Thủ tướng đã quyết định không tổ chức Asiad 18, trong vòng vài phút nữa các báo sẽ nhận được thông báo từ Văn phòng Chính phủ”. Và đúng như vậy thật, chỉ vài phút sau là trong tay chúng tôi đã có bản thông báo của Văn phòng Chính phủ thông tin đầy đủ về quyết định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc dừng tổ chức Asiad 18. Và cũng kể từ đó, máy điện thoại của chúng tôi reo liên tục.
Từ Cần Thơ, ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên trưởng đoàn thể thao VN, đang dự một giải karate tại đây - đã nhận định: ”Không tổ chức Asiad 18 là một quyết định hợp lòng dân của Thủ tướng”. Vâng, cứ vào Tuổi Trẻ Online, VNExpress, VTC mà xem kết quả của những cuộc thăm dò bạn đọc về việc nên hay không nên tổ chức Asiad 18 thì phần nào sẽ hiểu lòng dân muốn gì, khi tất cả đều có trên 80% đã click vào từ “không nên”!
Chúng tôi nghĩ những người đã click vào phương án không nên tổ chức Asiad 18 cũng có suy nghĩ giống như nhà báo Nguyễn Lưu. Ông là người đã gắn bó cả đời mình với thể thao, từ chỗ là vận động viên bóng rổ khi còn trẻ, sau đó là một nhà báo thể thao cho đến tận bây giờ. Tối qua, ông tâm sự với chúng tôi thế này: “Cậu với mình, chúng ta đều là những người gắn bó với nghề viết thể thao, thử hỏi ai không mong muốn được tác nghiệp về sự kiện Asiad ngay trên sân nhà. Thậm chí với người lớn tuổi như tớ, không được tận mắt chứng kiến Asiad 2019 trên sân nhà thì cuộc đời có lẽ không còn dịp nào khác nữa. Nói như thế để thấy rằng hơn ai hết, mình là người rất yêu thể thao, rất thích Asiad diễn ra trên đất nước mình. Nhưng trước sau như một, lý trí của tớ luôn bảo rằng không nên tổ chức Asiad 2019, đơn giản bởi nước mình còn nghèo, dân mình còn khổ lắm”.
Vâng, một chương trình Cơm có thịt của nhà báo Trần Đăng Tuấn mở ra đã thu hút rất đông người tham gia, khi ai cũng rơi nước mắt trước cảnh trẻ em nghèo thiếu thốn cái ăn. Hay cả nước bàng hoàng khi xem clip vượt suối bằng túi nilông của cô trò Trường Sam Lang (Điện Biên). Rồi mới nhất, khi đi kiểm tra việc phòng chống dịch sởi, nhiều lãnh đạo đã ngỡ ngàng khi chúng ta không đủ máy thở cho bệnh nhi... Nhiều lắm những câu chuyện nghèo khổ của dân ta, và nói như nhà báo Hà Quang Minh, hết sức nôm na, bình dị: ”Nhà nghèo, con cháu còn quá nhiều đứa thiếu thốn như thế thì bố mẹ đừng mở tiệc tùng”!
Tất cả những tâm sự ấy đã được Thủ tướng lắng nghe và ông đã có một quyết định hợp lòng dân như đêm qua.
Rất có thể vẫn có những người cho rằng việc rút lui ấy sẽ khiến chúng ta mất điểm trong mắt bạn bè, trong cộng đồng thể thao của châu Á. Vâng, cứ cho chuyện ấy là có thật đi, nhưng liệu nó có bằng cái nguy cơ tiêu tốn cả núi tiền trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn không? Hay có mất điểm bằng việc không đủ tiền nhưng vẫn ráng tổ chức theo kiểu siết chặt hầu bao, khiến Asiad 18 chẳng ra làm sao? Ông Nguyễn Hồng Minh đã cho rằng: ”Tôi tin rằng với tinh thần trách nhiệm của Chính phủ, khi chúng ta sẵn sàng chia sẻ khó khăn với Hội đồng Olympic châu Á, với quốc gia nào thay thế thì cũng chẳng có gì gọi là mất điểm”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận