17/03/2014 07:47 GMT+7

Nhân viên thú y ra giá chung chi

NGỌC KHẢI
NGỌC KHẢI

TT - Nhân viên trạm thú y nhận nhiệm vụ “tư vấn” cho những người vận chuyển thịt heo, gà lậu và ra giá cụ thể cho “phi vụ”.

yFBbX2OU.jpg
Ông Phú khi đang gặp ông P. tại quán cà phê TM trên đường TCH 13 (P.Tân Chánh Hiệp, Q.12) - Ảnh: Ngọc Khải

Thông qua ông T., người từng mở lò giết mổ heo lậu tại Q.12, TP.HCM, ông P. - người đang dự định mở điểm chứa thịt heo, gà lậu - tìm đến ông Phú (nhân viên trạm thú y Q.12) để đặt vấn đề nhờ giúp đỡ.

“Tư vấn”

"Nếu muốn làm theo kiểu đàng hoàng thì chỉ theo kiểu đàng hoàng. Muốn làm theo kiểu không đàng hoàng thì theo kiểu không đàng hoàng. Nhưng kiểu không đàng hoàng thì rủi ro cao hơn. Cái gì cũng có giá của nó"

Ông Phú (nhân viên trạm thú y Q.12)

19g15 ngày 7-3, ông Phú và ông P. gặp nhau tại một quán ăn trên đường Bùi Quang Là (P.12, Q.Gò Vấp). Ông P. nhờ ông Phú hỗ trợ, tư vấn cho điểm làm ăn chứa thịt heo, gà lậu sắp mở tại P.Tân Chánh Hiệp, Q.12.

Dự kiến mỗi ngày tại đây tiêu thụ khoảng 200kg thịt heo và khoảng 50-70kg gà sống.

Ông Phú nói: “Nếu muốn làm theo kiểu đàng hoàng thì chỉ theo kiểu đàng hoàng. Muốn làm theo kiểu không đàng hoàng thì theo kiểu không đàng hoàng. Nhưng kiểu không đàng hoàng thì rủi ro cao hơn. Cái gì cũng có giá của nó”.

Ông Phú hẹn ngày hôm sau vào xem địa điểm: “Vô chỗ đó coi cái đã. Coi xong mới làm việc”.

12g40 ngày 8-3, ông Phú tới một quán cà phê trên đường TCH 13 (P.Tân Chánh Hiệp, Q.12) trong trang phục của nhân viên thú y.

Ông Phú nói thẳng: “Gà thì hơi khó, biết sao không, gà đang cúm gia cầm. Thứ hai, dân xung quanh tố nhiều lắm”.

Rồi ông tiếp lời: “Bên anh sẽ không chủ động bắt. Nhưng nếu người khác mà bắt giao cho bọn anh thì bọn anh không chịu trách nhiệm”.

Theo ông này, khi công an, cán bộ kinh tế phường hay quản lý thị trường bắt thì ông P. phải tự lo. Ông Phú lấy điện thoại chuẩn bị gọi cho ai đó và quay sang nói với ông P.: “Kêu thằng này ra nó đi coi vị trí”. Lát sau, người ông Phú kêu tới tên Hoàng dáng cao to, nước da ngăm, đi xe Air Blade màu đen.

Ông Phú bảo ông P. ngày nào cũng phải lấy cho được giấy kiểm dịch, thực tế 200kg thịt heo thì giấy kiểm dịch phải lấy được 100kg.

Ông Phú dặn: “Trường hợp xui, có ai bắt bớ mà có anh trong đó thì cứ im lặng. Từ từ anh xử lý khung nhẹ nhất”. Ông này bày thêm khi bị bắt cứ năn nỉ khóc sướt mướt, làm ra vẻ nghèo khổ để được... châm chước.

SEl4xrpr.jpg
Ông Hoàng nói chuyện điện thoại rồi ra giá - Ảnh: Ngọc Khải
tk2qBFsf.jpg
Xe tải chở heo thịt được cải tạo thêm hai tầng gỗ và không có nơi chứa nước thải bị trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức bắt trưa 11-3 - Ảnh do trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức cung cấp

“Tiếp sức”

Ông Hoàng, thanh niên xung phong, làm công tác hỗ trợ tại trạm thú y Q.12. Tối 8-3, ông Hoàng đến “khảo sát” nơi ông P. sẽ chứa thịt lậu khoảng ba phút rồi về.

Sáng 9-3, tại một quán cà phê, ông Hoàng nói hiện đang có dịch nên không thể mang gà sống về nhà. Nên giết mổ ở đâu rồi hãy mang về, qua thời điểm dịch rồi tính.

Ông Hoàng vào thẳng vấn đề: “Nếu tụi anh che cho em thì em gửi tụi anh tháng nhiêu?”. Ông P. nói: “Em mới vào khu vực này có sao bác hướng dẫn”.

Ông Hoàng giải thích: “Có nghĩa là tụi anh không bắt em”. Ông Hoàng dặn ông P. khi vận chuyển hàng lậu cần phải né những con đường có lực lượng chức năng đi qua.

Ông P. than: “Em chỉ kiếm bạc lẻ thôi”. Ông Hoàng giải thích khi bị bắt phạt rất nặng nên biết bắt sẽ báo trước.

Ông Hoàng bảo: “Nếu không giúp thì anh đâu có ngồi đây. Cái nào cũng phải có giá của nó. Em có ăn thì em cho tụi anh. Anh không đòi hỏi nhiều, ví dụ mỗi tháng chi ra...”.

Sau đó, ông Hoàng nói chuyện điện thoại ít phút rồi quay lại báo giá 4 triệu đồng mỗi tháng.

Ngày 18 hoạt động thì đưa trước vào ngày 15 hay 16. Ông Hoàng dặn đừng để hoạt động chừng hai tuần bị bắt là hết mấy chục triệu đồng, hết làm ăn.

Sau khi ra giá, ông Hoàng nói sẽ điện thoại báo mỗi khi có chiến dịch kiểm tra để ông P. biết đường né và dặn ông P. hạn chế liên lạc với ông Phú, có gì làm việc trực tiếp với ông.

Chiều 11-3, ông Phú và ông Hoàng gặp ông P. tại quán cà phê trên đường TCH 21 (Q.12) để thỏa thuận giá cả. Ông Phú kêu ông P. ngồi gần lại, nói bên phường ông lo xong rồi, công an thì ông P. tự lo. Nếu trường hợp lực lượng khác không phải bên phường với bên ông kiểm tra thì ông P. tự thương lượng.

“Nếu có sự cố gì, người ta báo lại anh thì cứ dừng lại, để đó anh xuống xử lý theo hướng nhẹ nhàng nhất” - ông Phú nói. Ông Phú cho biết nếu trường hợp bị bạn hàng “chọt” (tố cáo) với lực lượng thú y thì bên thú y sẽ làm ngơ.

Ông Phú bày cách nếu có phòng kín nên dồn thịt vào một tủ bảo quản rồi khóa cửa, dùng rèm che cửa lại. Khi có người kiểm tra thì nói “khi thuê nhà nó như vậy rồi”. Sau đó, ông Phú gút giá: “5 triệu. Cả hai bên đưa là 5 triệu”. Số tiền cho hai ông Phú và Hoàng là 4 triệu đồng, bên phường là 1 triệu đồng.

Chiều 16-3, trao đổi qua điện thoại với chúng tôi, bà Lê Đinh Hà Thanh - trưởng trạm thú y Q.12 - cho biết chưa nghe thông tin về việc nhân viên thú y ra giá chung chi. Bà Thanh nói sẽ kiểm tra, xác minh thông tin trên.

Phá dây niêm phong, sai số lượng vẫn “lọt” qua 6 trạm kiểm dịch

Ngày 16-3, trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức (TP.HCM) cho biết vừa quyết định xử phạt hành chính đối với tài xế Hoàng Văn Định (41 tuổi, quê Quảng Xương, Thanh Hóa) vì đã có một số sai phạm nghiêm trọng trong kinh doanh, vận chuyển sản phẩm động vật với số tiền gần 8 triệu đồng.

Trước đó, khoảng 12g ngày 11-3 trạm phối hợp với Đội CSGT Cát Lái tuần tra tại khu vực vòng xoay Mỹ Thủy (P.Cát Lái, Q.2) phát hiện xe tải chở heo thịt do ông Định lái có dấu hiệu sai phạm nên kiểm tra. Ông Định xuất trình một giấy chứng nhận kiểm dịch do Chi cục Thú y tỉnh Phú Thọ cấp ngày 8-3 có giá trị hết ngày 12-3 cho lô hàng 150 con heo thịt từ Phú Thọ đi Cai Lậy (Tiền Giang). Ngoài ra, ông Định xuất trình thêm một biên bản niêm phong lô hàng (mã số 20-08), phía sau mặt giấy có đóng 20 dấu phúc kiểm từ các trạm kiểm dịch của ít nhất 12 tỉnh.

Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện dù xe vận chuyển heo thịt của ông Định sai quy định (sàn xe bị cải tạo làm tầng bằng gỗ, không có nơi chứa nước thải trong quá trình di chuyển), song cán bộ của Chi cục Thú y Phú Thọ vẫn cấp phép vận chuyển. Khi xe vào phúc kiểm tại trạm kiểm dịch ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng..., các cán bộ thú y đều không phát hiện xử lý mà lại phúc kiểm cho qua.

Ngoài ra, tổ công tác còn phát hiện các sai phạm nghiêm trọng khác như dây niêm phong kẹp chì đã bị phá, số heo thực tế trên xe chỉ còn 136 con (thiếu 14 con). Theo ông Định, trong quá trình vận chuyển do thời tiết thay đổi, 14 con heo đã bị chết nên ông đã tự ý phá niêm phong tại Quảng Nam và bán số heo này cho đầu nậu ở các địa phương gồm Quảng Nam (1 con), Nha Trang (1 con) và Đồng Nai (12 con).

Như vậy, quá trình vận chuyển từ Quảng Nam vào TP.HCM dù không có dây niêm phong, sai số lượng... nhưng có tới sáu trạm kiểm dịch tiếp tục đóng dấu phúc kiểm cho xe chở heo thịt của ông Định gồm trạm Đức Phổ (Quảng Ngãi), Bình Đê, Cù Mông (Bình Định), Hảo Sơn (Phú Yên), Thuận Bắc (Ninh Thuận) và Đình Sơn (không rõ tỉnh). Theo quan sát của chúng tôi, về hình dạng, kích cỡ và nội dung dấu phúc kiểm của các đơn vị này rất khác nhau. Trên dấu phúc kiểm chỉ ghi ngày, không ghi giờ phúc kiểm, không ghi tên cán bộ kiểm tra thậm chí một số dấu không ghi rõ của tỉnh nào và xác nhận đã phúc kiểm hay chưa. Dựa vào bảng dấu phúc kiểm có thể nhận thấy ngoài việc vào phúc kiểm tại một số trạm, ông Định đã “lách” phúc kiểm ở một số trạm, trong đó có trạm Ông Đồn (Đồng Nai) trước khi “lọt” vào TP.HCM.

HOÀNG LỘC

NGỌC KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên