17/12/2013 13:32 GMT+7

Nhóm trẻ gia đình Phương Anh đã từng bị xử lý

LƯU TRANG
LƯU TRANG

TTO - Trưa 17-12, UBND phường Hiệp Bình Phước đã báo cáo nhanh về việc bảo mẫu hành hạ trẻ em tại nhóm trẻ gia đình Phương Anh (P. Hiệp Bình Phước, Thủ Đức, TP.HCM) liên quan đến clip “Đày đọa trẻ mầm non” do nhóm phóng viên Tuổi Trẻ thực hiện.

Đày đọa trẻ mầm nonXem Video clip đày đọa trẻ mầm nonBóp cổ, gí đầu, lấy khăn bịt mũi, tát vào mặt bé

D6WGTzD3.jpgPhóng to
Nhóm trẻ Phương Anh đã bị yêu cầu đóng cửa, gỡ bảng hiệu sau khi phát hiện clip "Đày đọa trẻ mầm non". Ảnh: L.T

Theo đó, nhóm trẻ này đã đóng cửa kể từ trưa Thứ sáu ngày 13-12-2013 sau khi công an phường Hiệp Bình Phước nhận được đoạn clip “Đày đọa trẻ mầm non”.

UBND phường đã kiểm tra đột xuất nhóm trẻ này, yêu cầu ngưng mọi hoạt động nuôi giữ trẻ, thông báo phụ huynh đến đón trẻ và gỡ bảng hiệu của nhóm trẻ.

Cùng ngày, UBND phường cũng đưa ba bé bị hành hạ nhiều nhất trong clip là Lê Tuấn K. (sinh 2012), Bùi Ngọc Diệp (sinh 2009) và Nguyễn Trần H. (sinh 2011) đến trạm y tế phường để kiểm tra nhưng chưa phát hiện thương tích, vết thâm, bầm…

Điểm giữ trẻ Phương Anh do bà Lê Thị Đông Phương, sinh 1982, thường trú quận 8, TP.HCM làm chủ.

Bà Phương có trình độ đại học chuyên ngành giáo dục mầm non, tốt nghiệp ĐH Sài Gòn loại khá. Bà Phương cũng trình các chứng nhận đã học qua lớp sơ cấp cứu căn bản, lớp tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm, lớp quản lý chủ trường, lớp cấp dưỡng và đã có kinh nghiệm nuôi trẻ ở một trường mầm non công lập.

Tháng 8-2013, bà Phương đã liên hệ phường Hiệp Bình Phước để được hướng dẫn thủ tục tổ chức hoạt động nuôi giữ trẻ tại nhà và chính thức hoạt động giữ trẻ tại địa chỉ 18 Hiệp Bình (là cơ sở thuê và cũng là nơi ở của gia đình bà Phương) từ tháng 10-2013. Ban đầu bà Phương chỉ giữ 3 trẻ.

Đến tháng 11-2013, tổ kiểm tra liên ngành của phường đã tiến hành kiểm tra cơ sở giữ trẻ này và ghi nhận số lượng trẻ là 9 bé từ 12 tháng tuổi trở lên.

Ngoài bà Phương, còn có hai cô bảo mẫu giúp việc trông giữ trẻ. Trong đó, cô bảo mẫu mặc áo xanh trong clip là cô Nguyễn Lê Thiên Lý, sinh 1994, thường trú tại Kiên Giang. Cô này hiện đang học lớp cấp dưỡng tại ĐH Sài Gòn, vừa được nhận vào thử việc cuối tháng 8-2013.

Do chưa được cấp phép, UBND phường yêu cầu bà Phương ngưng việc giữ trẻ để làm hồ sơ xin cấp phép hoạt động và tháo bảng hiệu, nhưng đến ngày 6-12-2013, kiểm tra nhóm trẻ trên thấy vẫn còn hoạt động, UBND phường đã lập biên bản vi phạm và xử lý hành chính nhóm trẻ này.

Sau khi bị xử lý, nhóm trẻ của bà Phương vẫn “kiên trì” hoạt động nuôi giữ trẻ cho đến trưa ngày 13-12 thì bị yêu cầu ngưng hoạt động.

Hiện bà Phương và bà Lý đã được phía công an triệu tập để tiếp tục điều tra các hành vi đánh đập, bạo hành trẻ nói trên. UBND phường Hiệp Bình Phước đang tăng cường kiểm tra các nhóm trẻ tự phát trên địa bàn phường để đảm bảo không phát sinh những vụ việc tương tự.

Trưa 17-12, có mặt tại cổng nhóm trẻ tư thục Phương Anh (hiện đã đóng cửa, gỡ bảng hiệu), bà Kim P., bà ngoại của bé Nhật Q., 3 tuổi, cho biết: “Bố mẹ bé là công nhân khu công nghiệp gần đây, bé được gửi ở nhà trẻ này nhưng vừa được nghỉ học cách đây 1 tuần. Tuy chưa coi clip nhưng nghe mọi người nói về vụ việc này tôi cũng thấy lo lắng. Trước đây khi đưa cháu tới lớp thấy các cô giáo luôn vui vẻ niềm nở nhưng trong lòng tôi vẫn thấy không yên tâm khi gửi cháu ở đây”.

Tại khu vực này, người dân cũng xôn xao bàn tán việc một nhà trẻ nằm ngay mặt tiền đường, phía ngoài được trang trí bắt mắt, sạch sẽ nhưng phía trong lại giống như một “nhà tù thu nhỏ”, nơi trẻ con bị đánh đập, hành hạ tàn nhẫn.

Bà Trần Thị Minh Nguyệt, phó chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Phước, cho biết: “Đây là lần đầu tiên sự việc như vậy xảy ra trên địa bàn phường. Người chủ trường là người có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm, có ý định mở hoạt động nuôi giữ trẻ và có liên hệ với phường để làm hồ sơ, trong quá trình kiểm tra thì nhóm có sơ sở vật chất khá tốt, thoáng mát, nhưng không ngờ lại xảy ra sự việc như vậy. Chủ nhóm trẻ cũng cho biết chủ yếu các cô dọa vì các bé biếng ăn quá, mà biếng ăn thì không tăng cân thì sẽ khó ăn nói với phụ huynh”.

Theo bà Nguyệt, hiện chưa thể thống kê số nhóm trẻ tự phát trên địa bàn phường vì có những nhóm chỉ vài ba bé và khi hoạt động không báo cáo với phường.

Về phía Phòng giáo dục Thủ Đức, đại diện phòng giáo dục cho biết hiện phòng giáo dục chỉ mới có thể quản lý những nhóm trẻ gia đình có cấp phép. Những nhóm trẻ tự phát thuộc phạm vi quản lý của phường, chỉ bao giờ phường giới thiệu để cấp phép thì phòng mới kiểm tra về mặt chuyên môn.

LƯU TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên