30/11/2013 08:30 GMT+7

Nhà tốc mái, dân: do máy bay, chuyên gia: không có chuyện đó

QUANG KHẢI - LÊ NAM - D.NGỌC HÀ
QUANG KHẢI - LÊ NAM - D.NGỌC HÀ

TT - Mái ngói một hộ dân gần khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) bị tốc mảng lớn ngay sau khi có một máy bay trên đà hạ cánh bay qua.

“Nghi án” máy bay hạ cánh làm tốc ngói nhà dân

JqTjycir.jpgPhóng to
Lỗ thủng trên mái nhà chị Nguyễn Thanh Hương - anh Phạm Quang Thịnh sau sự cố sáng 29-11 - Ảnh: Quang Định

Người dân khu vực cho biết sự cố trên xảy ra sáng 29-11 tại nhà 173/30/5 đường số 19, P.5, Q.Gò Vấp, TP.HCM.

Cả xóm giật mình

“Đang chuẩn bị đồ đạc đưa con đi học, tôi giật nẩy người khi một tiếng nổ “ầm” phát ra từ mái nhà, sau đó là một tràng tiếng nổ lốp bốp. Chạy ra ngoài xem chuyện gì xảy ra nhưng vừa tới cầu thang đã thấy ngói bể vương vãi, mái nhà tôn bên cạnh đầy ngói bể, bóng một chiếc máy bay vừa vụt qua” - anh Nguyễn Minh Hùng, ở dãy nhà trọ phía sau nhà 173/30/5 đường số 19, kể lại. Sự cố trên làm nhiều người dân ở khu nhà trọ này đang ngủ bật dậy chạy ra ngoài.

Dẫn chúng tôi xem căn phòng còn vương vãi ngói bể, trần nhà rớt nằm chỏng chơ, anh Phạm Quang Thịnh, chủ nhân căn nhà 173/30/5, thở phào: “May mà lúc xảy ra sự việc cả nhà tôi vừa ra ngoài, chứ nếu ở lại trong phòng chắc là có người bị thương”. Nhìn lên trần nhà, chúng tôi thấy thủng một lỗ lớn, hai mảng ngói trên mái nhà ước chừng 5m2 đã biến mất, nhiều miếng ngói còn dính lại lắc lư chực chờ rớt. Mảng ngói từ nhà anh Thịnh đã bay sang mái nhà phía sau bể tan nát, nhiều miếng ngói cũng rơi trên lối cầu thang dẫn từ tầng 1 của dãy phòng trọ khác xuống đất.

Anh Thịnh cho biết về đây ở đã lâu nhưng chưa bao giờ xảy ra sự việc như thế này mặc dù nhà anh nằm trong “đường” máy bay hạ cánh. Theo quan sát, cứ 3-5 phút thì có một máy bay trên đường hạ cánh qua nhà anh Thịnh, có những chiếc khoảng cách rất gần, quan sát rõ. Mỗi lần như vậy anh Thịnh lại phải xua người nhà xuống tầng trệt đề phòng những tấm ngói khác tiếp tục rơi xuống. Nhiều người dân khu vực xác nhận vào thời điểm xảy ra sự cố khu vực nhà anh Thịnh trời nắng ráo, lặng gió không xảy ra dông lốc gì. Và sự việc mái ngói nhà anh Thịnh bị hất văng tung tóe chỉ xảy ra khi có một máy bay “tầm thấp” vừa vụt qua, tuy nhiên người dân không kịp để ý đó là loại máy bay gì. “Vì vậy tôi nghi ngờ có thể do máy bay bay quá thấp qua mái nhà tôi tạo ra luồng gió thổi bay mái ngói” - anh Thịnh nhận định.

Sáng cùng ngày, các lực lượng chức năng gồm UBND P.5, Cảng vụ hàng không miền Nam, phòng an ninh an toàn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã cử các đại diện đến hiện trường ghi nhận sự việc. Trao đổi với Tuổi Trẻ tại hiện trường, đại diện các đơn vị trên chưa khẳng định nguyên nhân sự cố trên có phải do máy bay gây ra hay không.

Theo ghi nhận tại hiện trường, nhà anh Thịnh không phải là căn nhà cao nhất tại khu vực trên, từ mái nhà anh xuống đến mặt đường cao chỉ hơn 10m, xung quanh vẫn còn nhiều căn nhà, có căn lợp tôn, có căn lợp ngói cao hơn một tầng so với nhà anh Thịnh. Phòng Quản lý đô thị quận Gò Vấp cho biết theo quy định, khu vực này được phép xây nhà cao đến khoảng 30m, trong khi thực tế nhà anh Thịnh chỉ cao khoảng 11,35m.

Tại trụ sở UBND P.5, các bên liên quan đã lập biên bản vụ việc, đại diện gia đình anh Thịnh mong muốn được sự hỗ trợ từ Cảng vụ hàng không miền Nam, phòng an ninh an toàn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để gia đình khắc phục sự cố. Tuy nhiên yêu cầu trên không được chấp thuận. Anh Thịnh cho biết để bảo đảm an toàn tính mạng người thân trong gia đình, anh phải tự khắc phục sự cố nhưng anh yêu cầu các cơ quan chức năng trên phải trả lời bằng văn bản cho anh về việc máy bay có khả năng làm tốc mái nhà như sự cố vừa xảy ra hay không, vì hiện nay không chỉ gia đình anh mà nhiều người dân trong khu vực trên sống trong cảnh nơm nớp lo sợ khi nhà cửa “nằm dưới đường hạ cánh”.

W0kZtVBd.jpgPhóng to
Máy bay thường xuyên hạ cánh qua nhà anh Thịnh ở đường số 19, P.5, Q.Gò Vấp - Ảnh: Quang Định

Chưa ghi nhận sự cố

Về nguyên tắc, máy bay khi chuẩn bị hạ cánh cho đến lúc dừng hẳn trên sân bay đều phải trao đổi, báo cáo các vấn đề xảy ra trong quá trình hạ cánh trực tiếp với các kiểm soát viên không lưu của Công ty Quản lý bay miền Nam. Ông Nguyễn Mạnh Linh, phó giám đốc phụ trách không lưu Công ty Quản lý bay miền Nam, cho biết đến 11g ngày 29-11 đã có hơn 40 chuyến bay hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất nhưng chưa có một báo cáo bất thường nào liên quan đến việc có trục trặc trong quá trình hạ cánh của tổ lái các chuyến bay này. Ông Linh cũng cho biết từ trước đến giờ chưa ghi nhận trường hợp nào mà việc hạ cánh của máy bay gây tổn hại cho nhà dân dưới phi đạo.

z4U88RCP.jpgPhóng to
Mái ngói nhà anh Phạm Quang Thịnh bị mất mảng lớn và hất tung qua mái nhà bên cạnh sau sự cố sáng 29-11 - Ảnh: Quang Định

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, cho biết khi máy bay cất, hạ cánh thì tạo ra một luồng xoáy xung quanh mũi và hai cánh, tải trọng máy bay càng lớn thì lực xoáy tạo ra càng mạnh. Trong trường hợp máy bay bay quá thấp hoàn toàn có thể tạo ra luồng gió thổi tung các mái nhà. Tuy nhiên ông Tống cũng cho rằng quy định ngành hàng không thì độ cao cất hạ cánh đều đảm bảo khoảng cách an toàn, trừ khi có sự cố kỹ thuật.

Khó có khả năng do máy bay

Phi công Nguyễn Thành Trung, nguyên phó tổng giám đốc, cơ trưởng nhiều chuyến bay chuyên cơ của Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA), hiện vẫn đang là phi công lái máy bay King Air, cho rằng khó có khả năng máy bay gây ra việc này. Theo ông Nguyễn Thành Trung, hiện đang sống ở đường Dương Quảng Hàm, P.6, Q.Gò Vấp, cho dù là hạ cánh xuống đường cất/hạ cánh 25 trái hay 25 phải (hai đường băng của sân bay Tân Sơn Nhất) các máy bay hạ cánh đều bay qua khoảng không trong phạm vi P.5 và P.6, Q.Gò Vấp.

Theo tính toán của ông Trung, ở khoảng không bên trên đường Dương Quảng Hàm (Q.Gò Vấp) máy bay vẫn còn cách mặt đất ít nhất 500 feet (khoảng 150m). Tùy loại máy bay mà tốc độ hạ cánh có thay đổi khác nhau nhưng ngay cả máy bay lớn như Boeing 747 tốc độ hạ cánh cũng chỉ dao động trong khoảng 150-200 knot (1 knot tương đương 1,852 km/giờ), tức khoảng 270-370 km/giờ. Với độ cao và tốc độ này khó có khả năng xảy ra ảnh hưởng trực tiếp đến nhà dân bên dưới và nếu ảnh hưởng thì hàng loạt nhà bên dưới sẽ phải cùng bị ảnh hưởng.

Theo giải thích của ông Nguyễn Thành Trung, tất cả máy bay hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất khi hạ xuống đến độ cao khoảng 2.000 feet (khoảng 600m) phi công bắt buộc phải hạ cánh theo hệ thống hỗ trợ hạ cánh ILS (Instrument Landing System: hệ thống cung cấp các thông tin về khoảng cách, vị trí, góc hạ cánh chính xác cho máy bay giúp phi công thực hiện quá trình hạ cánh xuống đường băng một cách an toàn - NV) đã có sẵn trên máy bay, phi công có muốn can thiệp để máy bay lên cao hay hạ xuống cũng không được. Ông Trung cho biết thêm: “Căn cứ theo đường bay này máy bay sẽ tự động hạ xuống với độ cao giảm dần khoảng 700 feet/phút. Khi máy bay đến điểm tiếp giáp giữa tường rào sân bay với khu vực dân cư, máy bay vẫn còn cách mặt đất khoảng 200 feet (khoảng 60m)”.

QUANG KHẢI - LÊ NAM - D.NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên