27/11/2013 08:21 GMT+7

Cho phép mang thai hộ: nhân văn nhưng phức tạp

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Trong phiên thảo luận ngày 26-11 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hôn nhân và gia đình, đa số đại biểu Quốc hội đồng tình bỏ quy định cấm hôn nhân đồng tính nhưng rất băn khoăn với việc đưa vấn đề về ly thân vào dự luật.

Đưa hôn nhân đồng giới, mang thai hộ vào luậtNgười đồng tính ngày càng “dễ thở”Cần có lộ trình thừa nhận hôn nhân đồng giới

kDxwtGDD.jpgPhóng to
Hòa thượng Thích Thanh Quyết (đại biểu Quảng Ninh): “Việc quy định không cấm mà cũng không công nhận hôn nhân đồng giới là vấn đề rất lửng lơ” - Ảnh: Việt Dũng

Trong khi đó, không ít đại biểu đồng tình với việc cho phép mang thai hộ vì lý do nhân đạo nhưng cũng bày tỏ nhiều băn khoăn lo ngại.

Vô cùng rắc rối

“Tôi nhất trí quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Đây thật sự là một giải pháp mang tính nhân văn nhằm tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng không thể mang thai ngay cả khi áp dụng các biện pháp hỗ trợ, đặc biệt là đối với phụ nữ. Hiện nay theo số liệu thống kê, chúng ta có 700.000 đến 1 triệu cặp vợ chồng không có con” - đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) bày tỏ. Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cũng đồng tình rằng về bản chất, mang thai hộ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Lo lắng về hệ quả phức tạp từ việc mang thai hộ có thể gây ra, đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) đưa ra hàng loạt giả định: Nếu sự thỏa thuận giữa hai bên (bên nhờ và bên mang thai hộ) chỉ bằng miệng, sau đó người mang thai hộ không giao đứa trẻ hoặc sinh đứa trẻ bị khuyết tật, người nhờ mang thai hộ không nhận đứa trẻ, dẫn đến phát sinh tranh chấp thì giải quyết ra sao? Người mang thai hộ sinh 2-3 bé nhưng người nhờ mang thai chỉ nhận một bé thì sao?...

Chưa kịp phát biểu vì hết giờ, đại biểu Nguyễn Văn Minh (TP.HCM) gửi ý kiến của mình cho Tuổi Trẻ. Ông Minh cho rằng nếu nhìn những cặp vợ chồng hiếm muộn luôn khao khát có con mà không cho họ có con thì sẽ không nhân văn, nhưng nếu nhìn sâu xa hơn một khi mang thai hộ được pháp luật thừa nhận sẽ khó kiểm soát và vô cùng phức tạp. “Ở nước ta có rất nhiều trẻ mồ côi, nếu các cặp vợ chồng không có con có thể nhận các cháu về nuôi, vừa mang lại hạnh phúc cho mình vừa mang lại hạnh phúc cho những đứa trẻ đó và cho xã hội” - ông Minh góp ý.

“Họ là những người vô tội”

Hòa thượng Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) bày tỏ: “Việc quy định không cấm mà cũng không công nhận hôn nhân đồng giới là vấn đề rất lửng lơ, vì không cấm tức là được làm, như thế xử lý hậu quả pháp lý rất khó. Tôi thấy họ là những người vô tội, vì cơ địa trời đất sinh ra họ là như thế chứ họ không muốn thế, họ luôn than phiền là gia đình không hiểu, xã hội chưa hiểu, chỉ còn trông chờ vào Quốc hội. Tôi đề nghị Quốc hội nên công nhận vì nó phù hợp với hiện tại và thể hiện tính nhân văn quảng đại, góp phần giảm sự kỳ thị đối với nhóm người này, đồng thời có cơ sở pháp lý để quản lý và giải quyết các hậu quả”.

Thừa nhận việc chung sống giữa những người cùng giới tính là một thực tế xã hội, thể hiện nhu cầu bản năng của một số người, nhưng đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) vẫn cho rằng: “Hôn nhân giữa những người cùng giới tính là vấn đề có tính nhạy cảm xã hội cao. Việc thừa nhận hôn nhân của họ cũng cần phải được xem xét, cân nhắc, nhìn nhận trên nhiều khía cạnh khác nhau với lộ trình và những bước đi phù hợp. Cho nên trong điều kiện nước ta thì Nhà nước quy định không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính, nhưng cũng không can thiệp bằng những biện pháp hành chính vào quyền được sống theo khuynh hướng tính dục của họ”. Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) đồng tình: “Tôi cho rằng đây là lộ trình phù hợp trước khi thừa nhận người đồng tính có quyền kết hôn ở VN. Hầu hết các quốc gia thừa nhận hôn nhân đồng giới đều có quy định quá độ trong luật, từ việc thừa nhận quyền của người đồng giới và việc chung sống như vợ chồng của người đồng giới, rồi mới có quy định về thừa nhận hôn nhân đồng giới, như Đan Mạch có lộ trình 22 năm”.

Tòa án không nên can thiệp chuyện ly thân

Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội không đồng tình quy định vấn đề ly thân vào dự luật với lý do đây là chuyện riêng tư của vợ chồng. “Nếu ly thân cũng phải qua tòa án mà tòa án lại quyết định cả vấn đề chia tài sản, quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng, quyền và nghĩa vụ đối với con giống như ly hôn trong dự thảo, thì chẳng khác nào tòa án thừa nhận tình trạng vợ chồng đã ly hôn ngay trong thời kỳ hôn nhân. Trong khi đó bản chất của ly thân chỉ tạm thời vợ chồng không quan hệ tình cảm, còn các quan hệ khác, nhất là về quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ chồng, quyền và nghĩa vụ đối với các con, với các thành viên khác trong gia đình không thay đổi” - đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) phân tích. Ông cho rằng ly thân mà tiến hành thủ tục như vậy “thì vô tình pháp luật đã làm ly tán gia đình ngay trong thời kỳ hôn nhân chứ đâu còn góp phần ổn định gia đình như lý giải của ban soạn thảo”.

Đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) cùng cho rằng mục đích ly thân là nhằm giảm thiểu xung đột gay gắt trong quan hệ vợ chồng và đây là chuyện riêng tư mà họ không muốn để người khác biết. “Ngay cả họ hàng, cơ quan người ta cũng không muốn để biết, thậm chí ngay cả con cái, vì để bảo vệ con cái và bảo vệ uy tín của bản thân mình, thậm chí bảo vệ công danh của những người cán bộ. Như vậy, nếu ly thân cũng phải ra tòa để cho tòa thừa nhận thì đây cũng là một việc công khai trước mọi người” - bà Duyền nói.

Thông qua Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Chiều qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí với tỉ lệ tán thành 86,75%. Trong báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ghi nhận một số góp ý của đại biểu để hoàn thiện dự luật trình Quốc hội trước khi thông qua.

Cụ thể như với một số ý kiến đề nghị cần quy định trách nhiệm trong việc ban hành chính sách gây lãng phí, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung khoản 2 điều 7 vào dự thảo luật quy định về trách nhiệm của người đứng đầu ban hành các văn bản cá biệt không phù hợp thực tiễn hoặc trái pháp luật gây lãng phí.

Với ý kiến đề nghị bổ sung quy định về giải thể các quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước nhưng hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí, ban soạn thảo bổ sung một khoản mới (Khoản 4 điều 24) quy định quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước và các quỹ thành lập theo quy định của pháp luật nếu hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích hoặc đã hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ hoặc không hiệu quả thì người có thẩm quyền thành lập quỹ có trách nhiệm giải thể hay trình cấp có thẩm quyền giải thể theo quy định của pháp luật.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên