Nóng với đường dây nóng bệnh viện

LAN ANH - QUỲNH LIÊN
LAN ANH - QUỲNH LIÊN

TT - Không phải mới mẻ gì nhưng chuyện về đường dây nóng ở các bệnh viện bỗng nóng lên khi bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu người đứng đầu các sở y tế, các bệnh viện phải trực tiếp tiếp nhận thông tin từ người bệnh.

lF02ovSV.jpgPhóng to
Đường dây nóng Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - Ảnh: Nguyễn Khánh

Ngày 22-11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có chỉ thị yêu cầu các bệnh viện, sở y tế tái lập đường dây nóng, trong đó điểm mới đáng chú ý là yêu cầu công khai số điện thoại giám đốc, để nếu người bệnh có bức xúc, có phát hiện thầy thuốc vòi vĩnh, mà đường dây nóng không tiếp nhận thông tin, người bệnh có thể phản ảnh đến giám đốc bệnh viện, sở y tế.

Không còn thời gian để làm việc khác

Trung bình mỗi ngày, đường dây nóng Bệnh viện Bạch Mai nhận được 10-30 cuộc gọi từ bệnh nhân. Về yêu cầu giám đốc bệnh viện phải trực đường dây nóng bệnh viện như chỉ thị của bộ trưởng Bộ Y tế, ông Dương Đức Hùng, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai, cho biết Bệnh viện Bạch Mai đang giao trưởng phó khoa phòng trực lãnh đạo trong ngày trực đường dây nóng, trường hợp chưa giải quyết được thì báo cho phó giám đốc và giám đốc bệnh viện. “Nếu giám đốc bệnh viện trực tiếp nghe hằng ngày sẽ khó có thời gian giải quyết các công việc khác của bệnh viện” - ông Hùng chia sẻ.

Khảo sát tại Sở Y tế Hà Nội ngày 25-11 cho thấy cơ quan này có tổ tiếp nhận đường dây nóng trực 24/24 giờ, chứ chưa công khai số điện thoại giám đốc sở như yêu cầu. Đúng là giám đốc bệnh viện, giám đốc sở khó có thể nhận mọi cuộc gọi từ bệnh nhân, phản ảnh đủ chuyện từ nhà vệ sinh bẩn đến cuộc gọi nhầm số. Nhưng rõ ràng đường dây nóng hoạt động hiệu quả sẽ là kênh thông tin hữu ích cho chính bệnh viện, nếu bệnh viện muốn làm tốt, muốn nâng chất lượng, lấy người bệnh làm trung tâm như kêu gọi lâu nay. Tuy nhiên, chỉ lo chủ trương đường dây nóng lại giống như chủ trương cấm phong bì ở bệnh viện, trở nên đầu là của con voi, nhưng đuôi là của chuột!

Bất cập

Theo kết quả khảo sát nhanh tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K trung ương ngày 25-11, không có nhiều bệnh nhân biết về số điện thoại đường dây nóng của bệnh viện. Đó là chưa kể người bệnh luôn mang tâm lý phải “hàm ơn” thầy thuốc, nên cũng rất ngại phản ảnh đến đường dây nóng khi có bức xúc. Ông Bùi Công Toàn - phó giám đốc Bệnh viện K trung ương - cho biết hệ thống phân cấp đường dây nóng hiện nay tại Bệnh viện K tồn tại nhiều bất cập, như không có đội ngũ chuyên trách trực đường dây nóng 24/24 giờ, bác sĩ không thể vừa khám bệnh vừa nghe điện thoại... Bệnh viện cũng ghi nhận rất nhiều ý kiến từ bệnh nhân, phản ảnh về hoạt động của đường dây nóng chưa phát huy được hiệu quả, như là gọi đến đường dây nóng không có người nghe máy, hay đã phản ảnh bức xúc mà không thấy khắc phục.

“Chúng tôi sẽ khắc phục bằng cách xây dựng hệ thống chuyên trách, tiếp nhận thông tin từ đường dây nóng, bên cạnh các biện pháp khác nhằm giảm tải bệnh viện khác” - ông Bùi Công Toàn nói.

Khó cho giám đốc

Bác sĩ Đặng Quang Tâm - giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ - cho biết: hiện nay bệnh viện chưa nhận được văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế liên quan đến việc yêu cầu giám đốc bệnh viện phải trực đường dây nóng mà chỉ biết thông tin qua báo chí. Từ trước đến nay số điện thoại nóng của bệnh viện (07103815258) bố trí ở phòng tổ chức cán bộ, nếu ngoài giờ hành chính thì cũng chuyển đến bộ phận trực cán bộ xử lý, nếu không xử lý tại chỗ được mới xin ý kiến giám đốc giải quyết sau. “Chưa biết ý của Bộ Y tế có phải là phân công trực tiếp giám đốc phải giữ số đường dây nóng không, nhưng nếu vậy thì sẽ khó vì giám đốc phải chịu trách nhiệm quản lý chung nhiều việc, nên việc nghe điện thoại đường dây nóng sẽ không làm nổi” - ông Tâm nói.

Bác sĩ Lê Hoàng Sơn - giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ - cho biết theo chỉ đạo của Sở Y tế TP Cần Thơ, bệnh viện đang xúc tiến làm việc với bên viễn thông để đăng ký số điện thoại đường dây nóng từ khoa khám bệnh đến giám đốc. “Tuy nhiên bệnh viện chúng tôi sẽ có buổi họp bàn, phân công cụ thể vụ việc phản ảnh qua đường dây nóng của khoa, phòng nào thì trưởng khoa đó phải đứng ra giải quyết, hoặc các thành viên trong ban giám đốc phụ trách từng khối đứng ra trực giải quyết. Cuối cùng nếu giải quyết chưa được mới đưa lên giám đốc, chứ giám đốc bệnh viện không thể ngồi “ôm” đường dây nóng để giải quyết hết, còn thời gian đâu mà giải quyết những việc khác” - ông Sơn nói.

LAN ANH - QUỲNH LIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên