24/11/2013 08:14 GMT+7

Cần "trị bệnh" thích... nghèo

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TT - Ngày 23-11, đoàn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với các bộ ngành. Nội dung chủ yếu là hỗ trợ giảm nghèo sao cho có hiệu quả.

CIf26jxc.jpgPhóng to
Cán bộ y tế Bệnh viện 103 - Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc cho đồng bào dân tộc vùng sâu, đặc biệt khó khăn tại xã Làng Chếu, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La - Ảnh: Dương Ngọc

Theo bà Trương Thị Mai - ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, trưởng đoàn giám sát, đây là lần đầu tiên Chính phủ báo cáo với đoàn giám sát về nội dung giảm nghèo. Sau buổi làm việc này, đoàn giám sát sẽ tiếp tục đi các địa phương.

Gạo có 1, rượu có 10

Công thức 1+1+1

Thông tin của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam giải đáp được phần nào băn khoăn của các đại biểu. Ông Nam nói: “Để hạn chế sự ỷ lại của người dân, chúng tôi thực hiện chính sách giải quyết nhà ở theo công thức 1+1+1, nghĩa là Nhà nước, cộng đồng và người dân cùng đóng góp nguồn lực. Và khi có đủ nguồn lực rồi, người dân sẽ tự chọn ngày giờ, hướng nhà và tự xây nhà của chính mình, Nhà nước chỉ giúp về thiết kế. Như vậy, ta khơi dậy được sự hỗ trợ của cộng đồng, họ hàng và nguồn lực xã hội để giúp dân, đồng thời tăng tính trách nhiệm của từng người dân”.

Tại buổi giám sát, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) lo lắng kể: “Đi giám sát, tới nhà trưởng thôn chúng tôi đi lục ché gạo thì chỉ có chừng một ký gạo, nhưng rượu trong nhà thì có tới mười mấy bình. Bước vô nhà nồng nặc mùi rượu. Bà con tới họp ở nhà trưởng thôn cũng trong không khí nồng mùi rượu. Có thôn tôi đến không có em nào đi học cấp III. Có xã chỉ có chục em học cấp III ở trường dân tộc nội trú. Nghèo nhưng nhà nào cũng từ 7-8 con, thậm chí tới hơn chục đứa”.

Từ thực tế đó, bà Khá đặt ra hàng loạt câu hỏi: “Một số địa phương tôi đến, ông trưởng thôn nói tiếng Kinh còn chưa sõi thì làm sao họ tiếp thu khoa học kỹ thuật được? Ta cứ nói cho họ cái “cần câu”, không cho họ “con cá”, nhưng trình độ mặt bằng như vậy thì câu ở đâu? Câu bằng cách nào? Cho bao nhiêu tiền, đầu tư bao nhiêu đi nữa mà cách nghĩ cách làm của bà con vẫn như thế thì chừng nào mới thoát nghèo bền vững?”.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi cho rằng giảm nghèo là một chương trình lớn của đất nước suốt hai thập kỷ qua, sau 20 năm phải có những bài học rút ra. “Đó không chỉ là bài học thắng lợi, mà là cả những bài học thất bại từ chương trình” - ông Lợi nói.

Ông phân tích: “Chính phủ nói quá nhiều chính sách do bộ ngành đề ra. Tôi nói thêm là các chính sách này có thể tạo cơ hội lãng phí về nguồn lực”. Chính sách giảm nghèo của ta được đánh giá là có hiệu quả, nhưng ông Lợi cho là đang tạo ra một sự bất bình đẳng về cơ hội và sự dàn trải có thể gây hại cũng như cản trở sự phát triển đất nước. “Bởi vì sao? Vì ta cấp và cho không rất nhiều nên dẫn đến chuyện cào bằng. Các bộ ngành phải suy nghĩ làm thế nào để tránh tâm lý ỷ lại trong đồng bào hiện nay” - ông Lợi đặt vấn đề.

Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) băn khoăn khi phản ánh thực tế có nhiều hộ muốn tìm cách “phấn đấu” để được công nhận là hộ nghèo. Đại biểu Trần Ngọc Tăng (Hà Tĩnh) có cùng tâm trạng đó khi đặt vấn đề: “Hiện một số hộ dân không muốn thoát nghèo, chỉ muốn trông chờ ỷ lại. Nếu không giải phóng được tư tưởng này thì không bao giờ thoát nghèo bền vững được”.

Hãy nói thật về hiệu quả các chương trình

Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh thẳng thắn nhận xét về đề án 1956 - chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn: “Ở đó tôi nhìn thấy sự lãng phí rất lớn. Thực tế có bao nhiêu người thật sự hưởng lợi được từ chính sách này? Đề nghị phải thống kê đánh giá thật nghiêm túc, khách quan”.

Còn theo đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre), Chính phủ phải đánh giá rõ sau thời gian triển khai thì có chính sách nào lạc hậu cần loại bỏ? Cơ chế hướng dẫn địa phương lồng ghép chính sách chừng nào có? Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên yêu cầu sắp tới chương trình nào thật sự “tâm đắc nhất - hiệu quả nhất mới tiếp tục làm. Cần đánh giá theo từng nhóm chính sách và trong từng nhóm thì chính sách nào là chủ chốt”.

Cách đặt vấn đề của các đại biểu được bà Trương Thị Mai đồng tình. Bà Mai cho biết trong 16 năm, có khoảng 100 văn bản được ban hành với trên 70 chính sách khác nhau. Với hàng loạt chính sách như thế không tránh khỏi sự chồng chéo, trùng lắp và tính hiệu quả dàn trải. Bà Mai đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền công bố ra Quốc hội hiệu quả thật sự của từng chính sách.

“Nhóm chính sách nào thành công, nhóm chính sách nào hiệu quả còn phải xem xét, chính sách nào hiện nay còn lựng khựng nên rõ ra. Và chắc chắn những chính sách đó sẽ rơi vào từng bộ ngành cụ thể chứ không rơi chung chung vào Bộ Lao động - thương binh và xã hội được” - bà Mai nói. Bà Mai cũng khẳng định: “Giảm nghèo phải đảm bảo ba mục tiêu chính: công bằng, hợp lý và hiệu quả, bên cạnh đó phải có giải pháp để cộng đồng và người nghèo tham gia mạnh mẽ hơn”.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên