22/11/2013 07:28 GMT+7

Án oan ông Chấn vương vấn nghị trường

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Phiên chất vấn Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình khép lại giữa giờ chiều 21-11, các câu hỏi đều được trả lời nhưng vấn đề đặt ra thì chưa thể kết thúc, bởi “các thủ tục tố tụng đang được tiến hành để điều tra lại vụ án” và “có ép cung, nhục hình hay không còn phải chờ chứng minh”...

GXBGC9eC.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Thanh Chấn (giữa) bên gia đình ngày được trả tự do sau hơn 10 năm bị tù oan

“Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”

Chánh án đã nhắc lại câu nói của người xưa khi trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về vụ án oan ông Chấn. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) coi đây là vụ án “gây bức xúc dư luận”, hỏi: “Trách nhiệm của tòa án đến đâu và chánh án có giải pháp gì để minh oan, xin lỗi, bồi thường thiệt hại cho người dân? Liệu có còn bao nhiêu con thỏ mà chúng ta lại tuyên là con gấu hay không?”.

Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) hỏi cả chánh án, viện trưởng Viện KSND tối cao và bộ trưởng Bộ Công an về tình trạng “thời gian qua có những phản ảnh về việc một số bị can bị điều tra viên ép cung, bức cung, nhục hình nên buộc phải nhận tội mà mình không thực hiện”.

Theo Chánh án Trương Hòa Bình, “việc để xảy ra oan sai, nhất là oan đối với những người bị buộc tội ở mức án cao nhất như 20 năm, chung thân, tử hình là không thể chấp nhận được”.

Nhưng, “việc xác định có oan sai hay không thì lại phải theo quy định của pháp luật rất chặt chẽ, còn dư luận thì đó là dư luận. Mong các vị đại biểu Quốc hội chờ các cơ quan chức năng có trách nhiệm giải quyết lại đúng đắn vụ án. Những người đứng đầu của các cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm trước Quốc hội, trước pháp luật và trước nhân dân”.

Không chấp nhận ép cung, nhục hình

“Về vấn đề có ép cung, nhục hình hay không? Nếu có chúng tôi nghĩ rằng đó là điều không thể chấp nhận được, nhưng nếu có cũng phải được chứng minh” - chánh án nói. Và rồi chánh án lại thừa nhận “việc hội đồng xét xử phát hiện có ép cung hay không là một điều rất khó”.

Còn Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang thì trả lời: “Một nguyên tắc chỉ đạo quan trọng hàng đầu và xuyên suốt là không để lọt tội phạm và không để xảy ra oan sai, nghiêm cấm việc mớm cung, ép cung, bức cung, nhục hình. Nếu vi phạm thì phải xử lý nghiêm minh.” Theo ông Quang, “cá biệt vẫn còn để xảy ra ở một số đơn vị, địa phương, thậm chí còn để xảy ra án oan sai gây bức xúc dư luận”.

Bên hành lang hội trường, phóng viên Tuổi Trẻ đặt một câu hỏi với nhiều vị đại biểu Quốc hội am tường pháp luật là: “Được biết các điều tra viên vụ án ông Chấn đều phủ nhận việc bức cung, nhục hình.

Vụ án diễn ra từ mười năm trước. Vậy phải làm thế nào để chứng minh được là có bức cung, nhục hình hay không trong điều kiện chỉ có mỗi lời tố cáo của ông Chấn?”. Câu trả lời là những giây phút trầm ngâm và sau đó là hai từ “quá khó”.

“Tôi và nhiều cử tri đề nghị thêm hai giải pháp. Một là lắp camera giám sát tất cả cuộc hỏi cung. Hai là nghiên cứu để giao công tác quản lý tạm giữ, tạm giam cho một ngành khác không phải là công an để tránh việc cùng một chủ thể vừa có nghĩa vụ, trách nhiệm điều tra chứng minh tội phạm nhưng cũng lại vừa có quyền quản lý giam giữ người tình nghi nên khó chống triệt để việc vi phạm và lạm quyền trong giam giữ” - đại biểu Lê Thị Nga đề nghị.

Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết: “Việc lắp đặt camera tại các phòng hỏi cung cũng là một giải pháp nhằm đảm bảo an ninh, an toàn, tăng cường giám sát hoạt động hỏi cung của điều tra viên. Bộ Công an đã lựa chọn giải pháp này và đang từng bước trang bị camera tại một số phòng hỏi cung, nhưng do khó khăn về kinh phí nên mới chỉ thực hiện được một số nơi”.

Ông Quang nói thêm: “Hiện nay cơ quan điều tra không quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ mà hệ thống này được Bộ Công an giao cho Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thống nhất quản lý”. Trao đổi với Tuổi Trẻ sau phiên chất vấn, bà Nga nói rằng bộ trưởng trả lời không đúng ý câu hỏi của bà, bởi bà đề nghị chuyển trại tạm giam, tạm giữ cho ngành khác quản lý để đảm bảo tính khách quan chứ không phải là giao cho một cơ quan khác của Bộ Công an.

Công khai, tranh tụng để tránh oan sai

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, những nội dung chất vấn đối với chánh án thể hiện sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội và cũng là của đồng bào cả nước đối với công tác xét xử. Để tránh oan sai, phải xây dựng bằng được đội ngũ cán bộ tư pháp thật sự liêm chính, trong sạch, vững mạnh, vừa có tâm vừa có tài, tuân thủ pháp luật. Phải đảm bảo nguyên tắc công khai, những vụ án xử kín thì sau khi tuyên án cũng phải công khai. Nguyên tắc tranh tụng phải được áp dụng ở tất cả các vụ án, có tranh tụng mới đảm bảo tránh oan sai.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn: công an Bắc Giang lấy làm tiếc ...Tiếp tục làm rõ những sai sót trong vụ án ông ChấnCần làm rõ bất thường trong việc ông Chấn ký nhận tội Một ngày tù oan bồi thường 115.000 đồng?Chủ tịch nước yêu cầu khẩn trương minh oan, đền bù

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên