18/11/2013 23:58 GMT+7

Bùn thải titan tràn như lũ

X.L.
X.L.

TT - Hồ nước có lẫn bùn thải titan của Công ty CP Đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận bị vỡ sáng 18-11 khiến cả vùng rộng lớn ngập trong bùn đỏ, giao thông bị ngưng trệ.

Bùn đỏ titan vượt suối ra biểnBùn đỏ titan tràn lênh láng như lũ, trôi 3 xe máyNước bùn đỏ titan ngập úng khu vực rộng lớn

CzwBBWlQ.jpgPhóng to
Công ty CP Đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận thu gom bùn đỏ dọc con đường du lịch Phan Thiết - Kê Gà - Ảnh: Nguyễn Nam

Khoảng 8g sáng 18-11, một hồ chứa nước để khai thác titan có lẫn bùn thải của Công ty CP Đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) bất ngờ bị vỡ. Chỉ trong vài giờ nước cuốn theo bùn đỏ từ trong công ty này chảy ào ạt ra ngoài đường nhựa, nhà dân, bờ biển...

Tổng giám đốc công ty cho rằng lượng bùn đổ ra môi trường là “tốt cho cây trồng”. Tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng đây là bùn thải trong quá trình khai thác titan và có thể gây ô nhiễm rất lớn cho môi trường.

RrP9sYHP.jpgPhóng to

3 người thoát chết

Nhiều nhân chứng cho biết lúc bùn đỏ tràn ra con đường nhựa nối giữa xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam) với xã Tiến Thành (TP Phan Thiết) có một nhóm người đi xe máy qua con đường này, đa số là công nhân làm việc tại các resort gần đó.

Với vẻ mặt thất thần, anh Nguyễn Văn Khải cho biết vợ anh là chị Đoàn Thị Hinh đi xe máy qua đoạn đường này đúng lúc bùn đỏ ào tới. Chị Hinh bị trượt bánh xe té ngã nhưng rất may đã thoát thân được, còn xe máy bị cuốn trôi. Hai xe máy khác cũng bị cuốn trôi theo sau đó nhưng rất may người lái xe đã nhanh chân thoát khỏi đám bùn.

Nhiều nhân chứng khác cho biết nước bùn đỏ ập đến giống như nước lũ và cuốn theo rất nhiều vật dụng bằng kim loại từ trong công ty ra.

Theo ghi nhận của PV Tuổi Trẻ tại hiện trường vào lúc 8g10, gần 100 ôtô và xe máy phải chờ hai bên đường vì bị dòng nước bùn đang chảy xiết ngăn cách. Lực lượng công an xã Tiến Thành (TP Phan Thiết), Đội CSGT Công an TP Phan Thiết có mặt tại hiện trường để điều tiết giao thông.

Những vật dụng chuyên dùng bằng kim loại để phục vụ khai thác titan nằm ngổn ngang trên con đường có dòng bùn đỏ chảy qua. Nước bùn đỏ chảy một hướng thẳng ra bờ biển cách đó khoảng 500m, và chảy theo một hướng khác về xã Tiến Thành khoảng 1km.

Còn bên trong công ty chỉ thấy toàn màu đỏ. Một trụ điện trong công ty đã bị ngã. Nhiều vật dụng bị cuốn đi nằm rải rác trên đoạn đường từ cổng công ty vào sâu bên trong. Đến khoảng 9g40, công ty đã cho máy xúc ra dọn dẹp mặt đường và ôtô đã có thể qua lại, còn nhiều người đi xe máy không dám qua vì sợ trượt ngã. Đến trưa thì xe đã có thể qua lại trên đoạn đường này.

Thiệt hại không biết kêu ai

Do lượng đất bùn đỏ đổ ra quá lớn nên đã tràn sang các khu rừng thông, đất trồng điều và vào nhiều resort đang được xây dựng tại xã Tiến Thành. Nước bùn đỏ còn tràn vào ao của người dân.

Cấm xuất khẩu titan thô

Trước sự cố vỡ bờ moong chứa bùn tại điểm khai thác titan của Công ty CP Đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), ông Nguyễn Văn Thuấn, tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất - khoáng sản (Bộ TN-MT), cho biết hiện tại tổng cục mới nắm vụ việc qua thông tin báo chí, chưa tiếp nhận thông tin chính thức từ phía các cơ quan chức năng của tỉnh.

Theo ông Thuấn, hiện nay Chính phủ không cho phép việc xuất khẩu titan thô. Vì vậy, đơn vị khai thác titan phải chuyển thành quặng tinh, sau đó chế biến thành xỉ titan rồi mới được xuất khẩu.

Cũng theo ông Thuấn, đây là điểm khai thác titan đã được cấp phép khá lâu. “Hiện nay đang cho kiểm tra lại xem khu vực khai thác titan này do Bộ TN-MT hay UBND tỉnh cấp phép. Đồng thời đang xem lại quá trình khai thác của đơn vị này vi phạm ra sao trước khi xảy ra sự cố” - ông Thuấn nói.

Nhìn ao nước nhà mình chuyển sang màu đỏ quạch, ông Nguyễn Lập Chi (71 tuổi) lắc đầu ngao ngán: “Từ khi công ty này về đây thì nước nhà tôi bị ô nhiễm không dùng được. Cả ba ao lớn cá đều chết hết. Mấy tháng trước nước chuyển sang màu hơi đỏ, cá chết nhiều. Đến nay các ao chuyển hết sang màu đỏ như vậy thì làm sao cá sống nổi. Tôi biết kêu ai bây giờ”.

Ông Chi cho biết nhà ông cách công ty gần 1km mà không hiểu sao nước bùn đỏ vẫn chảy tới được, xưa nay ông chưa thấy cảnh này bao giờ. Trước nhà ông Chi có một đoạn ống ngầm phun nước đỏ tung tóe lên. Dòng nước đỏ chảy theo cống băng qua đường nhựa rồi chảy thẳng ra phía biển. Bên cạnh nhà ông Chi là khu du lịch T.P. đang trong quá trình xây dựng dở dang cũng bị ngập ngụa trong bùn đỏ.

Đi dọc tuyến đường 1km từ xã Tiến Thành hướng về trụ sở công ty thì phía bên phải con đường chỉ toàn bùn đỏ. Nước bùn đỏ gây ngập các vườn điều, khu trồng thông vào buổi sáng và đọng thành bãi nhầy nhụa vào buổi chiều.

Khu vực bờ biển đối diện trụ sở công ty cũng toàn màu đỏ. Nước bùn đỏ sau khi băng qua đường nhựa đã tẻ thành nhiều nhánh và xé cát trên bãi biển tạo thành nhiều hố sâu để thoát thẳng ra biển. Sóng từ ngoài biển đánh vào bờ văng lên tung tóe bọt nước màu đỏ. Khoảng 2km bờ biển bị nhuộm màu đỏ ngầu.

Đã bị đình chỉ hoạt động

Trao đổi với Tuổi Trẻ vào buổi sáng khi xảy ra sự cố, ông Lê Tiến Phương - chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - cho biết đã chỉ đạo tổ công tác của tỉnh cùng công ty khống chế dòng chảy, san gạt cát để giải tỏa giao thông.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án khai thác titan của Công ty CP Đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận tại mỏ Suối Nhum được Bộ Tài nguyên và môi trường cấp phép từ năm 2007 với diện tích hơn 180ha. Tổng vốn đầu tư 120 triệu USD và công suất gần 200.000 tấn/năm. Thời hạn khai thác đã hết từ tháng 6-2013 và hiện công ty đang xin gia hạn khai thác.

Khi xảy ra sự cố vỡ bờ của hồ chứa (diện tích bờ mặt khoảng 1.500m2) đã kéo theo hàng ngàn tấn bùn thải và phạm vi ảnh hưởng trên bề mặt môi trường khoảng 1km2. Một lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cho biết trong quá trình hoạt động, trước khi hết hạn khai thác, doanh nghiệp này đã bị tỉnh đình chỉ hoạt động do xảy ra tranh chấp (đây là vụ tranh chấp giữa hai nhóm cổ đông lớn của công ty về quyền sở hữu mỏ Suối Nhum). Sự cố xảy ra vỡ moong là do công ty đã không quản lý tốt và hậu quả cũng rất nặng nề. Rất may là không ảnh hưởng đến người dân. “Công ty này bị đình chỉ, quản lý không tốt nên mới xảy ra sự cố chứ không phải cố tình hoạt động mới xảy ra sự cố”, vị lãnh đạo này cho hay.

Trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại, ông Tô Tài Tích - tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận - cho biết hồ nước trên do mưa lũ về một thời gian dài nên tích lại nhiều nước. Do trong hồ có bùn đỏ, khi bể thì nước cuốn cát bùn trong khai thác chảy ra ngoài.

Trả lời câu hỏi lượng bùn đỏ này gây nguy hại cho môi trường như thế nào, ông Tích trả lời: “Bùn này rất tốt cho cây trồng”(?!). Trong khi đó, một chuyên gia về khoáng sản tại Bình Thuận cho biết bùn đỏ này là bùn thải được hình thành trong quá trình đãi cát lấy titan. Qua thời gian dài lượng bùn trên đóng dày lên. “Tuy nhiên vấn đề đặt ra là tại sao lại dẫn đến vỡ hồ như vậy? Các bộ phận giám sát, kiểm tra sao không biết nguy cơ vỡ hồ?”, vị này cho biết.

iDFGwAn8.jpgPhóng to
Khu vực hồ chứa bùn đỏ bị vỡ
XIRfaOlw.jpgPhóng to
Văn phòng Công ty CP Đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận tràn ngập bùn đỏ
zRsuk8on.jpgPhóng to
Bờ biển cũng bị bùn đỏ tấn công
Mtm0wfOw.jpgPhóng to
Bùn đỏ tràn xuống dọc đường du lịch Phan Thiết - Kê Gà

Ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường

Nhìn hình ảnh bùn thải chảy tràn khắp nơi tại khu khai thác titan của Công ty CP Đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận, một chuyên gia môi trường cho biết lượng bùn chảy tràn chủ yếu là bùn sét. “Đối với loại bùn sét khi chảy tràn thì môi trường sinh thái khu vực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Làm sạch lượng bùn này không dễ, quá trình làm sạch phải thu dọn cào bùn nhưng rất khó có chỗ chứa. Cách rửa trôi lại làm ô nhiễm nguồn nước” - vị này nói.

Trả lời về việc loại bùn này có ảnh hưởng sức khỏe người dân, ông Trần Ngọc Thái, phó viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, nói: “Trong khai thác titan thì nguồn thải gây hại tới sức khỏe không nhiều. Còn muốn biết có chất gây hại sức khỏe hay không cần phải xem thực tế loại bùn này là bùn, cát trước tuyển quặng hay sau tuyển quặng. Nếu sau tuyển quặng, tức là khi đã tuyển bớt quặng ra thì hàm lượng nguyên tố độc hại sẽ giảm. Bùn khi đó chỉ ở dạng làm bẩn môi trường khu vực”.

X.L.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên