11/11/2013 17:45 GMT+7

Có quốc gia chưa xem xét đến lợi ích nước khác

C.V.KÌNH
C.V.KÌNH

TTO - Ngày 11-11 tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao Việt Nam và Hội Luật gia Việt Nam khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 5 “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” với sự tham gia của hơn 200 đại biểu là các học giả, chuyên gia, quan chức chính phủ trong nước và quốc tế, cùng đại diện của các ngoại giao đoàn tại Việt Nam.

qFtzelT4.jpgPhóng to
Các đại biểu trả lời câu hỏi báo chí tại Hội thảo quốc tế về biển Đông lần V - Ảnh: C.V.Kình

Phát biểu khai mạc, giám đốc Học viện Ngoại giao Đặng Đình Quý cho rằng năm năm qua, tình hình biển Đông và những vấn đề liên quan đến biển Đông đã có nhiều thay đổi. Có những thay đổi tích cực và có những thay đổi không tích cực. Điểm tích cực là cộng đồng khu vực và quốc tế đã nhận thức được tầm quan trọng của biển Đông, trên cơ sở nhận thức đó nhìn chung các bên đã kiềm chế, không để xảy ra xung đột, đồng thời thúc đẩy hợp tác để kiềm chế xung đột.

Tuy nhiên, các bên còn theo đuổi lợi ích trước mắt, chưa tính đến đầy đủ lợi ích của các nước trong khu vực; diễn giải khác nhau về luật quốc tế và trì hoãn việc xây dựng cơ chế hợp tác để quản lý tranh chấp, ngăn ngừa xung đột trên biển Đông.

Trước thực tế này, theo giám đốc Học viện Ngoại giao, năm năm qua biển Đông mặc dù là khu vực cơ bản có hòa bình, ổn định nhưng luôn tiềm ẩn những căng thẳng; luôn tiềm ẩn những vấn đề có thể trở thành xung đột nóng nếu thiếu vắng sự quan tâm và các nỗ lực xây dựng của các nước liên quan, thiếu vắng nỗ lực chung của cộng đồng khu vực và thế giới.

Trước tình hình đó, ông Đặng Đình Quý cho rằng với ý nghĩa là một diễn đàn hoàn toàn khoa học, hội thảo biển Đông sẽ là nỗ lực xây dựng những kiến nghị mới để đóng góp thiết thực hơn vào việc giữ gìn hòa bình, ổn định ở biển Đông.

Trong phiên khai mạc, ông Nyan Lynn, phó tổng thư ký ASEAN, đã chuyển thông điệp của Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh gửi hội thảo. Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho rằng ASEAN là một chủ thể có vai trò quan trọng đóng góp cho hòa bình, ổn định ở biển Đông vì ASEAN có 8 nước ven biển Đông, trong đó 4 nước yêu sách chủ quyền lãnh thổ tại đây.

Vì vậy, ASEAN luôn kêu gọi và thúc đẩy các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc. Ông Lê Lương Minh nhấn mạnh một ASEAN đoàn kết và có vai trò trung tâm trong cấu trúc an ninh khu vực, thực thi hiệu quả các nguyên tắc được nêu trong Hiến chương ASEAN sẽ giúp ASEAN có vai trò, đóng góp tích cực cho việc kiểm soát và tìm kiếm giải pháp cho tranh chấp biển Đông.

Ông Termsak Chalermpalanupap, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore), đề cập yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc và cho rằng không cường quốc lớn nào có thể áp dụng luật riêng của mình. Các nước nhỏ đang tuân thủ và các nhà khoa học kêu gọi các quốc gia có trách nhiệm trong thực thi luật pháp quốc tế.

Ông Termsak ghi nhận Trung Quốc đã có thay đổi tích cực khi đầu năm 2013 đồng ý bắt đầu tham vấn về Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), trong khi trước họ rất cứng rắn, cho rằng chưa đến lúc. Tuy nhiên, ông Termsak công nhận để có COC sẽ cần phải có thời gian, không thể hi vọng có ngay COC…

Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 5 về biển Đông diễn ra trong 2 ngày từ 11 đến 12-11 với 9 phiên họp và tập trung thảo luận các chủ đề chính như: Những diễn biến gần đây trên biển Đông; ASEAN và biển Đông; Quan hệ giữa các nước lớn và biển Đông; Luật quốc tế, Công ước Luật biển 1982 và biển Đông; Những diễn biến pháp lý gần đây và biển Đông; Kinh nghiệm quốc tế và khu vực trong giải quyết tranh chấp biển; Đánh giá Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và việc thực thi DOC; Quản lý xung đột và tương lai của biển Đông; Khuyến nghị chính sách.

Đề xuất lập Công viên hòa bình ở Trường Sa

Quần đảo Trường Sa đóng vai trò quan trọng của “ngân hàng dự trữ tài nguyên” cho biển Đông. Một số học giả và Chính phủ đã đề nghị thành lập một công viên hòa bình biển trên những hòn đảo này để bảo vệ các nguồn tài nguyên sinh vật biển và thúc đẩy hòa bình giữa các quốc gia ven biển. Đây cũng là lựa chọn nhằm thực thi Tuyên bố ứng xử ở biển Đông - TS Vũ Hải Đăng, Viện biển Đông, VN.

Trao đổi về đề xuất này, ông Termsak Chalermpalanupap cho rằng ý tưởng này đã được Đài Loan đưa ra và trong những khu vực tranh chấp, những ý tưởng mới là cần thiết. GS Clive Symmons đến từ trường luật Đại học Dublin (Ireland) thì cho rằng ý tưởng này hay nhưng trong Công ước Luật biển 1982 không nêu. Vì vậy, cần thỏa thuận đa phương, nhiều quốc gia sẽ liên quan, sẽ khó khăn và phức tạp…

C.V.KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên