10/11/2013 12:29 GMT+7

Bão Haiyan cách bờ 190km: 6 người chết, 3 người bị thương

TUẤN PHÙNG - VĂN ĐỊNH - HỮU KHÁ - HÀ ĐỒNG -
TUẤN PHÙNG - VĂN ĐỊNH - HỮU KHÁ - HÀ ĐỒNG -

TTO - Đến 11g trưa nay 10-11, tâm bão Haiyan còn cách bờ khoảng 190km. Tuy nhiên, đã có 6 người tử vong và 3 người bị thương. Tất cả đều do bị ngã, tai nạn trong quá trình phòng chuẩn bị đối phó với bão.

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương, lúc 11g, ngày 10-11, tâm bão cách bờ biển các tỉnh Thừa Thiên Huế – Quảng Trị khoảng 190km về phía Đông. Dự báo, đến 22 giờ ngày 10-11, tâm bão sẽ nằm trên vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa – Hải Phòng.

Miền Bắc khẩn trương chống bão

Trước diễn biến bão số 14 di chuyển ra phía Bắc, 5g sáng 10-11 Chính phủ đã tổ chức đoàn công tác do thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám dẫn đầu đi các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình chỉ đạo công tác phòng chống bão tại các địa phương này.

Theo thiếu tướng Phạm Hoài Giang - Cục trưởng Cục cứu hộ, cứu nạn (Bộ Quốc phòng), Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn - đến sáng nay, có 74 tàu/255 người của Thái Bình 51 tàu/173 người), Ninh Bình (15 tàu/36 người) Thanh Hóa (8 tàu/45 người) hoạt động ven bờ đang vào bờ tránh bão. Toàn bộ tàu thuyền khác đã vào nơi neo đậu.

Thiếu tướng Phạm Hoài Giang cho biết lực lượng, phương tiện trực sẵn sàng ứng phó bão đến sáng 10-11 là 471.572 bộ đội và dân quân tự vệ cùng 6.194 phường tiện (3.021 xe ôtô, 172 xe lội nước, 32 xe thông tin đặc chủng, 12 phà PMP, 376 tàu, 2.368 xuồng các loại, 196 phao bè VSN 1500, 17 máy bay).

Ông Giang cho biết, các địa phương báo cáo đến sáng 10-11 đã có 6 người chết (Quảng Nam 2 người Quảng Ngãi 2 người, Thừa Thiên Huế 1 người và Đà Nẵng 1 người), có 3 người bị thương ở Quảng Nam và Thừa Thiên Huế (2 người). Các trường hợp tử vong, bị thương đều do bị ngã, tai nạn trong quá trình phòng chống bão.

Ông Giang cho biết hiện tại trên vùng biển Quảng Ninh đến Đà Nẵng có 10 tàu Hải quân và 2 tàu Cảnh sát biển đang trực chống bão.

Trong sáng 10-11 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã đến thăm và kiểm tra việc triển khai phòng chống bão số 14 tại Trung tâm điều hành quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (đặt tại trụ sở Cục cứu hộ, cứu nạn).

Ông Thanh thông báo qua gọi điện kiểm tra tình hình ở Trường Sa và nhà giàn DK 1 được biết không có thiệt hại về người và tài sản trên tàu, trên đảo.

Tại Song Tử Tây dù có gió giật cấp 11 nhưng toàn bộ bộ đội, nhân dân lên bờ trú bão đều an toàn, tàu cá của ngư dân neo ở đảo không bị thiệt hại. Còn tại nhà giàn DK1 toàn bộ người trên các nhà giàn xuống tàu Hải quân. Theo ông Thanh đây cũng là đợt luyện tập thiết thực cho khu vực Trường Sa và DK1.

Ông Thanh yêu cầu chỉ huy, cán bộ chiến sĩ trực ở Trung tâm điều hành quốc gia Tìm kiếm cứu nạn tuyệt đối không được chủ quan, vẫn phải đề phòng bão đổi hướng và đối phó với mưa lũ.

Hà Tĩnh: Phê bình chủ tịch 5 huyện

Từ ngày 9-11, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban lệnh sơ tán hơn 50 nghìn hộ dân ở những vùng nguy hiểm, đến sáng nay (10-11) đã di dời 13.673 hộ dân với 40.750 nhân khẩu.

Hiện huyện Nghi Xuân tiếp tục di dời gần 3.000 hộ dân ở ven biển đến nơi an toàn, đồng thời lên phương án đối phó với lũ quét ở các xã Xuân Lam, Xuân Lĩnh, Xuân Hồng. Huyện Hương Khê cũng đã triển khai các phương án an toàn cho 140 hồ đập, trong đó 60 hồ đập trong tình trạng mất an toàn và di dời khẩn các hộ dân nằm dọc sông Ngàn Sâu có nguy cơ lũ quét, lũ lớn…

Tuy nhiên, theo Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công điện phê bình Chủ tịch UBND các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Hương Sơn, Hương Khê và Vũ Quang do chậm chễ trong công tác sơ tán dân.

Hiện mực nước tại công trình thủy điện Hố Hô đạt 62,8m, đã mở cống xả tràn với lưu lượng 117 m3/s. Nếu xuất hiện mưa lớn, thủy điện này sẽ mở 3 cánh cửa.

zQl78a0s.jpgPhóng to
Người dân Hà Tĩnh phải chảy bão trong đêm 9-11 - Ảnh: Văn Định
zCHueTwu.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Văn Tâm, ở xóm Nam Hải, xã Cẩm Nhượng lên mái nhà chằng chéo, dùng bao cắt đằn mái nhà - Ảnh: Văn Định
xtWguiWo.jpgPhóng to
Người đàn ông này đang dùng bao cát gia cố tường nhà - Ảnh : Văn Định

Quảng Bình: đã có gió to, sóng lớn

Từ 12g trưa 10-11, vùng ven biển Quảng Bình đã có gió cấp 7 và cấp 8, trời mưa từng đợt. Trên tuyến đường du lịch từ TP Đồng Hới đi huyện Bố Trạch, gió hất cát từ các đồi cao bay vào mặt người đi đường đau rát.

Cột điện đèn chiếu sáng đã bị gãy đổ ra mặt đường. Đây là thiệt hại đầu tiên do ảnh hưởng của cơn bão số 14 trên địa bàn TP Đồng Hới.

Tại vùng biển xung yếu thuộc xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch sóng biển đã dâng cao 2-3m. Một đoạn bờ kè ngăn sạt lở bờ biển qua thôn Nhân Trung đã bị sập trong cơn bão số 10 nay tiếp tục phải chịu từng đợt sóng lớn đánh vào. Nhiều đợt sóng lớn đã phủ lên mặt kè.

Ông Võ Hồng Thái, chủ tịch UBND xã Nhân Trạch, lo lắng: “Nếu chịu thêm cơn bão số 14, bờ kè này có nguy cơ bị khoét sâu thêm, gây sạt lở nặng nề. Sửa chữa mất hàng tỉ đồng...”.

a9y4yIwI.jpgPhóng to
Cột điện trên đường du lịch Đồng Hới - Bố Trạch bị gió làm gãy trưa 10-11 - Ảnh: Lam Giang
iATF1qeo.jpgPhóng to
Từng đợt sóng biển rất lớn đánh vào bờ kè biển Nhân Trạch, Bố Trạch (Quảng Bình) lúc 13g40 chiều 10-11 - Ảnh: Lam Giang

Gió mạnh cày xới đảo Cù Lao Chàm

9g10 sáng nay 10-11, gió rít rất mạnh đang cày xới đảo Cù Lao Chàm (thuộc xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An, Quảng Nam).

LlgMlQtk.jpgPhóng to
Nhiều tàu thuyền đang neo đậu trú bão tại đảo Cù Lao Chàm - Ảnh: Tấn Vũ

Hơn 900 người dân của 2.400 dân trên đảo đang phải trú ẩn ở các căn nhà tránh bão cộng đồng, trường học, trạm xá, các hội trường của tiểu đoàn 70, và biên phòng đóng quân trên đảo này.

Chính quyền xã đảo Tân Hiệp đang tích cực chống chọi với gió bão. Thông tin trên vừa được bí thư xã đảo Tân Hiệp Trần Tấn Dũng xác nhận.

Ghi nhận của PV Tuổi Trẻ tại đây cho thấy gió chưa có dấu hiệu dừng lại, mưa to và những cột sóng lớn liên tục quất vào các bờ đê chắn sóng. Chính quyền, quân đội đang túc trực 24/24 sẵn sàng ứng phó và cứu hộ giúp đỡ người dân khi cần.

“Không một người nào được ra đường lúc này, kể cả thanh niên, chỉ có lực lượng cứu hộ và người có trách nhiệm làm nhiệm vụ mà thôi. Kinh nghiệm từ trận bão trước nên việc sống chung với bão của cư dân đảo khá tốt”, lãnh đạo đia phương cho biết.

MzROGFRT.jpg
Sáng 10-11, một số người dân Quảng Ngãi đi sơ tán bão đã trở về nhà - Ảnh: TRÀ MINH

5 người chết, nhiều người bị thương

Theo thống kê đến sáng 10-11 của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão trung ương, bão Haiyan đã làm 5 người chết và 2 người bị thương. Hầu hết các trường hợp tử vong đều xảy ra khi tiến hành chặt cây, gia cố mái nhà đón bão.

Trong đó, Quảng Nam có 3 người chết gồm ông Nguyễn Hoa (57 tuổi, trú phố Đông Yên, phường Hòa Thuận, Tam Kỳ) chết do bị ngã trong lúc chặt cây, ông Nguyễn Văn Hiền (44 tuổi, trú thôn Mỹ An, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc) bị ngã từ trên mái nhà, ông Ngô Tấn Đức (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) bị điện giật chết khi đang tháo bảng quảng cáo.

Còn ở tỉnh Quảng Ngãi, ông Phùng Thanh Liêm (50 tuổi, xã Đức Lâm, huyện Mộ Đức) trong lúc chặt cây bị ngã chết. Tại Thừa Thiên - Huế, ông Nguyễn Giáp (54 tuổi, trú xã Phong Hải, huyện Phong Điền) chết do bị ngã từ trên mái nhà. Bên cạnh đó, còn có 8 người bị thương.

Ngoài ra, bão cũng làm 2 người bị thương nặng gồm ông Đinh Đức Trí (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) lúc chằng chống nhà cửa bị ngã chấn thượng sọ não hiện đang cấp cứu tại Bệnh viện Đa Đà Nẵng và ông Nguyễn Thanh Trung (ở huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) lúc chặt cây ngã bị thương nặng ở ngực hiện đang cấp cứu.

Trong khi đó, đến sáng 10-11, Quảng Ngãi đã thoát khỏi vùng nguy hiểm của siêu bão Haiyan.

Tại Thừa Thiên - Huế, sáng 10-11, ông Lê Trường Lưu, phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết đối với trường hợp ông Nguyễn Giáp giúp hàng xóm chằng chống nhà cửa không may bị thiệt mạng, UBND tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ gia đình nạn nhân và biểu dương tinh thần vì cộng động của ông Giáp.

sdcKYhfc.jpg
Sáng 10-11, người dân hai thôn An Hải và Hải Tiến của thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) lục tục trở về nhà sau một đêm tránh bão tại Trường THCS Thuận An - Ảnh: Ngọc Hiển

Thanh Hóa: Di dời khẩn cấp hơn 44.000 dân

8g sáng 10-11, ông Nguyễn Đức Quyền, phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết tỉnh đã quyết định di dời khẩn cấp 10.023 hộ với 44.620 người ở các vùng cách mép nước biển 200m thuộc 6 huyện, thị xã ven biển Thanh Hóa đến nơi an toàn. Theo ông Quyền, việc di dời phải được hoàn tất trước 18g ngày 10-11.

Bên cạnh đó, Thanh Hóa cũng quyết định di dời hàng chục ngàn dân dân sinh sống ven sông, ven suối, vùng có nguy cơ sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống ở 11 huyện miền núi.

Ông Phạm Bá Oai - chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) - cho biết huyện đã phân công tất cả lãnh đạo đi cơ sở chỉ đạo phòng, chống cơn bão Hải Yến (bão số 14); đưa tàu thuyền về neo đậu an toàn; xử lý các tuyến đê xung yếu; chặt tỉa cảnh cây ven đường, chằng chống nhà cửa; triển khai phương án bảo đảm an toàn cho du khách tại cơ sở lưu trú ở khu du lịch Hải Tiến (Hoằng Hóa).

Từ sáng sớm, hệ thống phát thanh cơ sở tại tất cả các xã ở Hoằng Hóa đều phát thông báo khẩn việc di dân đi tránh bão trước 18g hôm nay, phấn đấu đến 16g phải di dân được 674 hộ (2.984 nhân khẩu) ở vùng cách mép nước biển 200m, tuyệt đối không được ở vùng chòi canh ngao.

Gần 1.300 phương tiện tàu thuyền của ngư dân Hoằng Hóa đã vào neo đậu an toàn tại các cửa lạch trên địa bàn trong và ngoài huyện.

Có mặt tại các xã vùng biển của huyện Hoằng Hóa, PV ghi nhận mưa bắt đầu rơi nặng hạt, gió thổi nhẹ. Bà con ngư dân các xã ven biển đã bắt đầu di dời đến nơi cư trú, lên các công trình kiên cố của xã, huyện.

8g ngày 10-11: Bão cách bờ 195km

Lúc 8 giờ sáng nay 10-11, tâm bão Haiyan, bão số 14, còn cách bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi – Thừa Thiên Huế 195km về phía Đông. Cường độ mạnh cấp 13, cấp 14.

0kjLgFFM.jpg
Ảnh hưởng bảo 14, trên đảo đã có gió mạnh cấp 9, cấp 10 kèm theo mưa lớn - Ảnh: Văn Mịnh

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 14, ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió giật mạnh cấp 10, Cù Lao Chàm (Đà Nẵng) cấp 8; TP.Đà Nẵng và Thuận An (Huế) đã có gió giật mạnh cấp 7.

Ở quần đảo Hoàng Sa đã có gió giật mạnh cấp 11; đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió giật mạnh cấp 7. Ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định đã có mưa vừa đến mưa to; lượng mưa phổ biến tính đến 7 giờ sáng nay (10/11) khoảng 20 – 40mm, một số lớn hơn như Nam Đông (Huế) 82mm; Tam Kỳ (Quảng Nam) 45mm.

Lúc 08 giờ ngày 10-11, tâm bão ở vào khoảng 16,6 độ Vĩ Bắc; 110,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi – Thừa Thiên Huế 195km về phía Đông. Cường độ mạnh cấp 13, cấp 14. Dự báo, trong 6 giờ tới, di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), từ 2g sáng 10-11 gió đã tràn lên đảo, giật cấp 9, cấp 10 kèm theo mưa to và rất to, sóng biển cao từ 2-3m.

Tại vũng neo trú tàu thuyền An Hải, tuy gió to sóng lớn liên tục xô bờ, nhưng gần 400 tàu cá của ngư dân vẫn đảm bảo an toàn.

Trước khi bão đổ bộ vào đảo, 21g đêm 9-11, Ban chỉ huy PCLB &TKCN huyện đã chỉ đạo lực lượng biên phòng, công an tổ chức thuyết phục, cưỡng chế hàng chục ngư dân còn cố tình lưu lại trên các phương tiện tàu cá vào bờ để đảm bảo an toàn về tính mạng.

yU3xPfZ0.jpg
Người dân tránh trú bão tại các cơ quan nhà nước - Ảnh: Văn Mịnh

Ông Trần Ngọc Nguyên - chủ tịch UBND huyện Lý Sơn - cho biết tuy gió bão chưa đi qua và còn diễn biến phức tạp nhưng đến thời điểm này do chủ động phòng chống nên chưa có thiệt hại về người và tài sản. So với bão số 10, bão 14 có cấp gió yếu hơn nên sự tàn phá của bão cũng giảm đáng kể.

Đến 7g sáng 10-11, tại đảo Lý Sơn gió bão vẫn duy trì ở cấp 9, cấp 10.

Nhiều nơi ở miền Trung đã mất điện do bão Haiyan

Sáng 10-11, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cho biết đến thời điểm này một số nơi ở miền Trung đã bị mất điện do ảnh hưởng của cơn bão Haiyan.

Cụ thể, tại tỉnh Quảng Bình, mất điện một phần thị trấn Ba Đồn thuộc huyện Quảng Trạch, một phần huyện Quảng Ninh. Tại tỉnh Quảng Nam, mất điện xã Tam Nghĩa, cụm công nghiệp Chu Lai và huyện Núi Thành. Tỉnh Quảng Ngãi: mất điện xã Bình Đông, Bình Nguyên, Bình Trung, thị trấn Châu Ổ (huyện Bình Sơn), mất điện xã Bình Thuận và Cảng Dung Quất. Còn tại tỉnh Bình Định: mất điện thị trấn Tây Sơn thuộc huyện Phú Phong.

Theo Tổng công ty Điện lực miền Trung hiện đã phân công các nhóm công tác với đầy đủ phương tiện chỉ huy, thông tin liên lạc sẵn sàng xuất phát tham gia chỉ đạo khắc phục hậu quả bão lụt tại các khu vực dự kiến sẽ bị ảnh hưởng.

Đối với Công ty Lưới điện cao thế miền Trung và các đơn vị liên kết là các Công ty ổ phần thủy điện tăng cường kiểm tra công trình, hồ, đập, nguồn điện dự phòng, theo dõi sát tình hình thủy văn, mưa lũ, lượng nước về hồ, vận hành hồ chứa theo quy trình, phối hợp chặt chẽ với các địa phương liên quan, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị, công trình, hồ chứa, vùng hạ du.

Ngoài ra, các Ban Quản lý dự án kiểm tra công trường, theo dõi sát tình hình thủy văn, diễn biến mưa lũ trên công trường, tổ chức phòng, chống bão, mưa lũ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị và công trình. (HỮU KHÁ)

--------------------------

* Tin bài liên quan:

Bão Haiyan quét dọc miền Trung, tiến ra miền Bắc

Hình ảnh Philippines hoang tàn sau siêu bão HaiyanSóng biển cao 4m, 1.200 người dân Philippines có thể đã chết Cuồng phong HaiYan hung hãn tràn vào PhilippinesSiêu cuồng phong Haiyan "hủy diệt" Philippines, 100 người chết ...1.200 người dân Philippines có thể đã chết do bão Haiyan

TUẤN PHÙNG - VĂN ĐỊNH - HỮU KHÁ - HÀ ĐỒNG -
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên