Quốc hội dành 2 ngày thảo luận hội trường về kinh tế - xã hội
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đặt vấn đề: một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế - xã hội nước ta thua kém, tụt hậu so với các nước trong khu vực là do yếu tố chủ quan, đặc biệt là hiệu quả, hiệu lực của bộ máy. “Tại sao cùng điều kiện tương đồng mà các nước trong khu vực lại có kết quả tích cực hơn ta. Ví dụ, Indonesia dự báo GDP 5,7% trong khi lạm phát chỉ có 4,7%; Philippines thì GDP 7% và lạm phát chỉ có 3%?” - ông Hùng đặt câu hỏi.
Cán bộ hư, yếu
Rồi đại biểu Hùng tự trả lời bằng cách dẫn báo cáo của Chính phủ: “Kỷ cương hành chính chưa nghiêm, công tác kiểm tra, giám sát còn nhiều yếu kém làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành. Một bộ phận cán bộ, công chức suy thoái, không làm tròn trách nhiệm, nhũng nhiễu, tiêu cực, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân”.
Đại biểu Hùng cho rằng đây là những lực cản làm giảm nỗ lực chung, giảm sự phát triển và “cần giải pháp tương xứng để xử lý”.
Theo đó, ông đề xuất: phải gắn cương vị với trách nhiệm, nghĩa vụ, cương vị càng cao thì trách nhiệm càng lớn, nghĩa vụ càng tương xứng, đồng thời gắn với chế tài cụ thể để xử lý kịp thời, thỏa đáng nếu hiệu quả công việc thấp hoặc có vi phạm. Ông dẫn ra: vừa rồi có một số vụ vi phạm trong y tế, môi trường, “không chỉ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm, bị xử lý mà trong hệ thống quản lý nhà nước cũng phải có địa chỉ cụ thể để chịu trách nhiệm”. Ông Hùng cũng đòi hỏi nâng cao chất lượng cán bộ, công chức qua việc đổi mới cơ chế tuyển chọn, sàng lọc và tiếp tục thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Thêm một thứ bệnh khác, được đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) chỉ ra, đó là “bệnh thành tích trong quản lý” và là nạn cung cấp thông tin không chính xác. “Nó làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tôi đề nghị cơ quan chức năng cần phải kiểm tra, thanh tra và xử lý các tổ chức, cá nhân công bố số liệu không trung thực vì không chỉ gây hậu quả xấu cho hoạch định chính sách mà còn gây mất niềm tin đối với người dân” - bà Thủy đề nghị.
Bồi bổ sức dân
Theo đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận), tình hình kinh tế đất nước hiện nay buộc ta phải “liệu cơm gắp mắm” nhưng đồng thời phải khoan thư sức dân, biểu hiện ở chỗ làm sao thật sự quan tâm đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tháo gỡ khó khăn cho nông dân, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phải đồng cảm với khó khăn của doanh nghiệp. Ở đây còn bao gồm việc tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng có hiệu quả. Chính những việc này sẽ tạo nguồn để bồi bổ sức dân.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) kiến nghị: “Chúng ta phải biết nuôi dưỡng nguồn thu. Ta đã có chính sách giãn thuế, giảm thuế, hoãn thuế cho doanh nghiệp nhưng rồi ta lại tăng giá thuê đất lên gấp 10 lần. Ta mở đầu này lại bóp đầu kia. Đề nghị Chính phủ phải giảm giá thuê đất xuống, còn cao như thế là chúng ta bóp chết doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn hiện nay. Đề nghị đối với ngân hàng trong điều kiện đặc biệt cũng phải có thủ tục đặc biệt, ví như đèn đỏ nhưng có cảnh sát dẫn đường thì đoàn vẫn đi được; phải dẫn doanh nghiệp đi, phải đồng hành cùng doanh nghiệp”. Ông đề nghị khoanh, giãn nợ cho doanh nghiệp để tạo điều kiện có nguồn thu.
Phải xử ngân hàng yếu
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nói: “Vấn đề quan trọng số 1 trong tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng là nhóm ngân hàng lớn có tầm ảnh hưởng rộng bao gồm cả của Nhà nước. Tôi muốn nhấn mạnh ngân hàng lớn không đồng nghĩa với khỏe, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn là một ví dụ”.
Từ đó, ông Đồng đặt vấn đề: muốn đạt yêu cầu đủ vốn trước hết phải có đợt kiểm tra lại sức khỏe của các ngân hàng, đánh giá lại chất lượng tài sản ngân hàng bao gồm nợ tín dụng một cách thực chất. Từ đó tính toán lượng vốn tự có cần thiết, số vốn thiếu hụt phải bổ sung nếu ngân hàng đó muốn giữ quy mô hoạt động hiện hành. Vốn hiện hữu không có phải gọi thêm vốn từ các nhà đầu tư mới, vốn trong nước không đủ phải gọi vốn nước ngoài... “Nếu cuối cùng vẫn không đạt yêu cầu, không được phải cắt bỏ, thu hẹp quy mô hoạt động hoặc đóng cửa ngân hàng” - ông đòi hỏi.
Cùng quan điểm này, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đề nghị tiếp tục tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, giải quyết nợ xấu và khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế, giải quyết tồn kho bất động sản dù phải chấp nhận phá sản một số doanh nghiệp. “Trước hết cần phải xóa bỏ trần lãi suất và trần huy động, chuyển hệ thống lãi suất sang cơ chế lãi suất thị trường, thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch giá cả đối nội và giá cả đối ngoại của đồng tiền Việt Nam. Tôi đề xuất đột phá vào cải cách giá điện, xem đó là ưu tiên hàng đầu. Từ giá điện sẽ lan sang giá than và xăng dầu. Cấu trúc giá mới này sẽ bắt buộc và tiến hành cải cách hệ thống tiền lương trong khu vực nhà nước. Nhờ đó tạo cơ sở quyết định để đẩy mạnh cải cách bộ máy nhà nước” - ông Nghĩa góp ý.
* Đại biểu NGUYỄN QUỐC CƯỜNG (chủ tịch Hội Nông dân VN): Tại sao nông dân bỏ ruộng? Trong khi lao động nông thôn thiếu việc làm đang có xu hướng gia tăng thì đã xuất hiện bộ phận nông dân không còn tha thiết với nông nghiệp. Ở nhiều nơi thuộc khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ nông dân bỏ ruộng, có tỉnh diện tích lên đến hàng ngàn hecta. Đây là điều rất không bình thường. Ruộng đất là nguồn sống chính của nông dân, vậy tại sao và vì đâu nông dân lại bỏ nghề để tìm việc khác mưu sinh? Tôi nghĩ rằng nguyên nhân có nhiều, nhưng nguyên nhân chính là sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp, nhất là vùng trồng lúa. Nông dân đồng bằng Bắc bộ tính toán chi li là làm một sào ruộng nếu mưa thuận gió hòa cũng chỉ có lãi 100.000-200.000 đồng, còn rủi ro thì lỗ. Trong khi đó giá phân bón, vật tư tăng cao, tính trong năm năm gần đây trung bình giá tăng 2-2,5 lần. Các loại đóng góp trên đầu sào cũng tăng cao, tức là càng nhiều ruộng thì phải đóng càng nhiều. |
* Đại biểu HUỲNH NGỌC ĐÁNG (Bình Dương): Trách dân sao được? Tự xử là quan niệm và hành vi xấu, phải khẳng định như vậy. Điều đó đáng lên án vì vi phạm pháp luật, nhưng trách dân sao được khi thật sự khách quan và nói rằng vai trò quản lý của Nhà nước ta còn mờ nhạt và yếu kém là nguyên nhân chính của tâm trạng xã hội này? Trách dân sao được khi Nhà nước lại thỉnh thoảng ban hành những văn bản pháp quy có những nội dung hết sức ngớ ngẩn, trong khi đó còn nợ dân số lượng quá lớn các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Quản lý nhà nước còn theo kiểu phong trào, khi có việc thì cán bộ cấp cao, cấp thấp đổ xuống đầy chợ, báo đài đưa tin sôi động nhưng đến trưa chiều thì đâu lại vào đó... * Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng): Cán bộ ngày càng ít nghe dân Dân nói cán bộ ngày càng xa dân và ít nghe dân. Vì sao dân lại nói như vậy? Họ nói ngày xưa cán bộ mình phải chui vào nhà dân để được tiếp tế lương thực, lấy thông tin để đánh địch. Nhưng bây giờ hòa bình lập lại, nhân dân đóng thuế nuôi cán bộ, mua điện thoại cho cán bộ, trả tiền điện thoại cho cán bộ gọi nhưng dân gọi không nghe. Ai nắm được dân là người đó thắng. Cho nên vấn đề chính quyền của dân, do dân và vì dân là phải đặt lợi ích của dân lên trên hết, chứ thế này thì nhân dân bức xúc lắm. M.HƯƠNG ghi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận