25/10/2013 15:32 GMT+7

Năm nay bão lũ kết thúc muộn

QUANG KHẢI thực hiện
QUANG KHẢI thực hiện

TTO - Chỉ trong một thời gian ngắn, trên biển Đông liên tục xuất hiện bão và áp thấp nhiệt đới, nhiều cơn bão đã đổ bộ trực tiếp vào nước ta gây thiệt hại lớn (đặc biệt là cơn bão số 10 và bão số 11- mạnh nhất trong vòng 7 năm qua).

sZg8aJOz.jpgPhóng to
Những căn nhà bị đổ sập do lốc, chìm trong lũ ở xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) trong cơn bão số 11 vừa qua - Ảnh: LAM GIANG

Theo ông Lê Thanh Hải - phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương (NCHMF), trung bình nhiều năm, số lượng bão và ATNĐ trên biển Đông khoảng 13-14 cơn (trong đó bão từ 9-10 cơn bão) và ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta trung bình từ 5-6 cơn.

Như vậy, tính đến nay số lượng bão và ATNĐ hoạt động trên biển Đông đã vượt với trung bình nhiều năm (11 cơn bão và 4 ATNĐ), trong đó 6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta (bão số 2-Bebinca cuối tháng 6, bão số 5 - Jebi, bão số 6 - Mangkhut đầu tháng 8, bão số 8 giữa tháng 9 và bão số 10 - Wutip cuối tháng 9 - đầu tháng 10 và bão số 11 giữa tháng 10-2013).

* Bão xuất hiện rất sớm (tháng 1-2013) và xuất hiện dồn dập trong khoảng tháng 7 đến những ngày đầu tháng 10 có phải mùa mưa bão năm nay có nhiều yếu tố bất thường không thưa ông?

7If7x1dp.jpg
Ông Lê Thanh Hải - Ảnh: T.Phùng

- Ông Lê Thanh Hải (phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương): Theo chu kỳ thời tiết thì thường mùa mưa bão bắt đầu từ khoảng tháng 5 và kết thúc khoảng cuối tháng 11 hàng năm. Tuy nhiên qua các số liệu quan trắc trong vòng năm năm trở lại đây, mùa bão thường xuất hiện sớm và kết thúc muộn (trong năm năm qua vào quí 1 năm nào cũng có bão hoặc áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Chính vì kết thúc muộn nên một số cơn bão, ATNĐ thay vì xuất hiện cuối năm nhưng “leo” qua thời điểm đầu năm sau ví dụ như cơn bão số 1 xuất hiện đầu tháng 1-2013.

Tuy vậy, mùa bão năm nay các cơn bão xuất hiện liên tiếp trong thời gian ngắn, chỉ nửa đầu tháng 8 có đến 3 cơn bão và có 2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta là hiếm gặp.

Đặc biệt, thông thường hàng năm chỉ có một cơn bão có cường độ mạnh cấp 10-12 đổ bộ vào đất liền nhưng cuối tháng 9 và nửa đầu tháng 10 có hai cơn bão mạnh (số 10 và 11) cùng đổ bộ vào khu vực miền Trung là điều hiếm thấy trong nhiều năm trở lại đây.

Trong quá khứ cũng đã từng có năm xuất hiện rất nhiều bão và ATNĐ đổ bộ vào VN, chẳng hạn như năm 1964 là 11 cơn, 1973 là 12 cơn, 1978 là 10 cơn, 1989 là 11 cơn.

- Theo nhận định của chúng tôi, từ cuối tháng 10 đến hết năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, có khả năng vẫn còn một cơn bão hoặc ATNĐ trên biển Đông nữa có thể ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta.

Lũ đồng bằng sông Cửu Long: ở mức cao và kéo dài

Theo ông Bùi Đức Long, Trưởng phòng dự báo thủy văn Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ (NCHMF), đỉnh lũ đầu nguồn sông Cửu Long năm 2013 xuất hiện đúng quy luật nhưng cao hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm từ 0,2-0,3m.

Hiện lũ đầu nguồn sông Cửu Long đang xuống chậm.

Tuy nhiên vào những ngày đầu tháng 11, đầu tháng 12 tiếp tục xuất hiện các đợt triều cường lớn.

* Mưa bão nhiều có nghĩa mùa khô hạn 2013-2014 sẽ đỡ căng thẳng hơn các năm?

- Đối với Bắc bộ, do dòng chảy toàn mùa đông xuân năm 2013-2014 ở hạ lưu sông Hồng và sông Thái Bình có khả năng nhỏ hơn mức trung bình nhiều năm khoảng 10-20%. Vì vậy, dự báo mùa cạn năm 2013-2014 Bắc bộ sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ ở miền núi và Trung du.

Cụ thể ở vùng đông bắc, vùng núi phía Bắc và vùng trung du Bắc bộ có khả năng sẽ thiếu nước nhiều hơn so với các vùng khác. Tuy nhiên các hồ thủy điện lớn ở Bắc bộ đã trữ được lượng nước khá lớn so với năm ngoái nên việc cấp nước và phát điện sẽ ít căng thẳng hơn cùng kỳ mùa khô các năm 2012-2013, đặc biệt phục vụ tưới nước đổ ải vụ xuân hè năm tới sẽ thuận lợi hơn.

Tại Trung Bộ, Tây Nguyên, đang bước vào chính vụ mùa lũ, trong mùa lũ năm 2013 số đợt lũ xuất hiện nhiều hơn so với năm 2012, nhưng ít có khả năng xảy ra lũ lớn và đặc biệt lớn.

Chính vì vậy, tình trạng khô hạn vào mùa khô sang năm tại đây sẽ bớt đi rất nhiều và không lo xảy ra hạn hán nghiêm trọng như mùa khô năm ngoái.

Ở Nam bộ cũng vậy, do mùa lũ năm nay duy trì trong khoảng thời gian dài, kết thúc muộn cộng với lưu lượng nước từ thượng nguồn về nhiều nên dự báo tình hình khô hạn cũng như xâm nhập mặn năm nay sẽ đỡ căng thẳng hơn rất nhiều so với mùa khô năm 2012-2013.

Dự báo bão năm 2013: sai số nằm trong mức cho phép

Trước thông tin cho rằng việc dự báo hướng đi, thời gian đổ bộ một số cơn bão có mức độ chính xác chưa cao (ví dụ như cơn bão số 2, bão số 8), ông Lương Tuấn Minh - trưởng phòng quản lý dự báo (NCHMF), cho biết:

Có thể nói việc dự báo cơn bão số 2 và số 8 chưa tốt bằng việc dự báo các cơn bão khác và cũng chưa đáp ứng đòi hỏi của người dân nhưng mức sai số nằm trong mức độ cho phép. Cụ thể mức độ sai số bão số 2 nhỏ 70-110km trong 24 giờ (trong đó sai số trung bình của Hong Kong lớn hơn 130km trong 24 giờ). Đối với bão số 8 cũng vậy, các số liệu quan trắc về mưa, gió cũng sát thực tế.

Tuy nhiên từ kinh nghiệm từ bão số 2 và bão số 8, việc dự báo sau này đã có tiến bộ hơn, đặc biệt là cơn bão số 10 mới đây. Hiện NCHMF đang từng bước nâng cao khả năng dự báo thông qua các qui chế chuyên ngành, qui định của Bộ TNMT, đặc biệt NCHMF đã đề xuất lắp đặt thêm các trạm quan trắc (khu vực miền Trung) để giúp công tác dự báo nhận định tình hình bão lũ ngày càng chính xác hơn.

QUANG KHẢI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên