Tô hồng nhiều quá
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) và nhiều đại biểu khác chung nhận định hai điểm sáng nhất về kinh tế cho đến nay là vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. “Nền kinh tế đã có những dấu hiệu phục hồi dù chưa mạnh mẽ lắm” - bà Hường nói.
Tuy nhiên, một số đại biểu nhận xét báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ vẫn còn lạc quan hơn so với tình hình thực tế. Đại biểu Bế Xuân Trường (Bắc Kạn) nói: “Tôi thấy rằng các báo cáo chúng ta đánh giá không sát, cứ đưa ra màu hồng nhiều hơn, đến khi không làm được lại thay đổi chỉ tiêu. Mình nên nhìn thẳng vào sự thật, báo cáo thật và làm thật đi. Sức mình chừng này chỉ đạt được chừng này thì cố gắng làm trong đó, đừng có đưa ra những con số viển vông”.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân
(TP.HCM) đưa ra các số liệu để phân tích việc ba năm vừa qua đều không hoàn thành kế hoạch. Ông chất vấn: “Như vậy phải chăng có lỗi của chúng ta là bấm nút quyết con số không chính xác, hay đã không thẩm định kỹ trước khi quyết? - và đề nghị - Hai năm tới kế hoạch đề ra phải bám sát thực tế, cần kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng chỉ nên vừa phải ở mức 5,5-6%”.
"Nên nhìn thẳng vào sự thật, báo cáo thật và làm thật đi. Sức mình chừng này, chỉ đạt được chừng này thì cố gắng làm trong đó, đừng có đưa ra những con số viển vông" Đại biểu Bế Xuân Trường (Bắc Kạn) |
“Nhà nước phải có cơ chế chính sách để khuyến khích được đầu tư từ khu vực dân doanh. Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp phải phát triển tương xứng, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng, hỗ trợ cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ ách tắc. Đây chính là khâu then chốt nhất để đạt mục tiêu tăng trưởng” - ông Ngân nói.
Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính và ngân sách Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cho rằng: “Nếu không huy động được nguồn lực thì chúng ta sẽ không có tăng trưởng tốt. Và với nguy cơ này thì chúng ta sẽ tụt hậu càng xa so với các nước trong khu vực”. Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Mai Xuân Hùng (Hậu Giang) nói: “Các nước trong khu vực người ta đã thoát khỏi suy thoái và tăng trưởng tốt rồi, chỉ còn chúng ta cứ một mình luẩn quẩn trong vòng khó khăn”.
Đề xuất lập ủy ban đặc biệt về tái cơ cấu
Đi vào phần giải pháp, đại biểu Bùi Đức Thụ đề nghị: “Hơn lúc nào hết, chúng ta phải quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế, loại bỏ những anh kém cạnh tranh ra. Lâu nay chúng ta cứ hô hào tái cơ cấu nhưng khi triển khai thực hiện thì rất chậm và chưa làm được bao nhiêu. Cùng với đó phải huy động mọi nguồn lực để đầu tư. Nợ xấu hiện nay không thể giải quyết được vì hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao, thành lập công ty xử lý tài sản cũng chỉ là cách bốc nợ chỗ này để sang chỗ khác thôi”.
Nghe ông Thụ phát biểu về hiệu quả nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh bình luận: “Vừa rồi nghe anh Thảo (Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo - PV) nói dự án đường chỗ Ô Chợ Dừa đầu tư 5.500 tỉ mà chi 5.000 tỉ cho giải phóng mặt bằng, như vậy giá trị con đường chỉ có 500 tỉ đồng. Thật khủng khiếp, đền bù giải phóng mặt bằng như vậy thì làm sao hiệu quả được, tiền đền bù như vậy thì làm dự án nào có lãi được?”.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nói: “Phải có tái cơ cấu thì mới chuyển đổi được, nhưng tái cơ cấu là tự mình mổ xẻ cho mình, tự mình chữa bệnh cho mình, tự có sự nghiệt ngã đối với mình. Cái này không làm được vì có vấn đề lợi ích. Các tập đoàn, tổng công ty nào cũng có lợi ích, ai cũng muốn tranh thủ lợi ích cho mình”. Ông Nghĩa đề xuất: “Tôi đề nghị phải có một ủy ban quốc gia chuyên về tái cơ cấu nền kinh tế, có sự tham gia của Quốc hội và các định chế tư vấn độc lập, các chuyên gia. Nếu không làm như vậy, cứ ngồi với nhau hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác, cứ chất vấn Chính phủ mãi như thế thì cũng không giải quyết được”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận