22/10/2013 16:21 GMT+7

Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong xử lý tham nhũng

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Đó là khẳng định của Ủy ban Tư pháp khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2013, được trình bày trước Quốc hội sáng nay (22-10).

Chưa đáp ứng yêu cầu

Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết trong thời gian qua một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm đã được đưa ra xét xử kịp thời. Việc áp dụng pháp luật và xử lý đúng người, đúng tội, mức hình phạt tương xứng thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.

“Trong năm 2013 đã có 41 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó có 4 người đã bị xử lý hình sự, 33 người đã bị kỷ luật hành chính, 4 trường hợp đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý (giảm 14% so với cùng kỳ năm trước). Nhìn chung, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa đạt yêu cầu và còn tình trạng nhầm lẫn giữa việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng với việc xử lý người đứng đầu do trực tiếp thực hiện hành vi tham nhũng” - ông Tranh cho biết.

Ủy ban Tư pháp cho rằng “hiệu quả hoạt động của các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý qua hoạt động của cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra còn thấp. Việc điều tra, truy tố, xét xử đối với nhiều vụ án tham nhũng còn kéo dài, trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, một số vụ việc đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, miễn trách nhiệm hình sự có dấu hiệu áp dụng chưa đúng với quy định của pháp luật. Việc thay đổi sang tội danh khác nhẹ hơn hoặc không phải là tội danh về tham nhũng còn chiếm tỉ lệ cao… Điều này phản ánh chất lượng hoạt động chưa cao của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng”.

Theo ông Tranh, sở dĩ còn những tồn tại trên là do: “Đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu do đối tượng phạm tội là những người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ chuyên môn cao, kiến thức xã hội rộng, có nhiều mối quan hệ, có nhiều thủ đoạn để che đậy hành vi phạm tội”.

“Án tham nhũng thường là những vụ án lớn, hành vi phạm tội phức tạp, nhiều bị can, quá trình điều tra thường phải trưng cầu giám định để xác định hậu quả thiệt hại. Trong khi đó công tác giám định thiệt hại về kinh tế, đất đai… mất khá nhiều thời gian, thiếu sự đồng thuận giữa các cơ quan liên quan” - ông Tranh nói tiếp.

Tham nhũng vẫn chưa giảm

“Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm. Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng thực hiện còn hình thức, hiệu quả thấp. Công tác phát hiện tham nhũng còn yếu, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra. Việc xử lý hành vi tham nhũng có biểu hiện nương nhẹ, vẫn còn tình trạng lạm dụng để xử lý kỷ luật, hành chính, không khởi tố vụ án, đình chỉ vụ án, bị can, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nói.

Vẫn theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp, đến nay “chưa có cơ chế khả thi để kiểm soát tính chính xác của việc kê khai tài sản; chưa có biện pháp xử lý đối với tài sản có giá trị lớn tăng lên bất thường mà người kê khai không chứng minh được tính minh bạch của tài sản tăng thêm. Việc kê khai tài sản, thu nhập mới chỉ dựa vào sự tự giác của người phải kê khai. Cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan rất khó biết được thực chất số lượng tài sản của người có chức vụ, quyền hạn và thông thường vì sợ bị trù dập nên họ rất ngại tố cáo trong trường hợp biết được lãnh đạo kê khai tài sản, thu nhập không đúng”.

“Thời gian qua có nhiều trường hợp lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích được nhận lương hàng tỉ đồng/năm, có nơi đến 2,6 tỉ đồng/người/năm và kéo dài nhiều năm nhưng qua công tác kê khai, minh bạch tài sản không phát hiện được cho thấy tính hình thức của biện pháp phòng ngừa tham nhũng này” - ông Hiện nêu ví dụ.

Vẫn theo Ủy ban Tư pháp, “việc phát hiện hành vi tham nhũng và thu hồi tài sản còn rất ít. Số vụ việc tham nhũng được phát hiện chủ yếu là các vụ tham nhũng nhỏ, gây thiệt hại không lớn về tiền, tài sản của Nhà nước với đối tượng phạm tội chủ yếu là cán bộ cấp xã hoặc ở thôn, làng, bản”.

Trong khi đó “số vụ tham nhũng lớn, xâm phạm nghiêm trọng tài sản, vốn của Nhà nước ít được phát hiện. Tình hình tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, quản lý vốn và tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa có dấu hiệu giảm, nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Ví dụ, vụ Nguyễn Thế Ngọc - Công ty Vận tải dầu khí Việt Nam - phạm tội tham ô tài sản, gây thiệt hại cho Nhà nước khoảng 1.800 tỉ đồng; vụ sai phạm tại Công ty cho thuê tài chính II - Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn gây thiệt hại cho Nhà nước ước tính trên 4.000 tỉ đồng; vụ vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Sóc Trăng gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng...”.

“Qua giám sát, khảo sát của Ủy ban Tư pháp ở một số địa phương và dư luận, báo chí cho thấy việc xử lý một số vụ việc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, nhiều hành vi có liên quan tới tham nhũng chỉ bị xử lý kỷ luật, hành chính. Việc đình chỉ điều tra, nhất là đối với một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng vẫn diễn ra (đã đình chỉ 19 vụ với 30 bị can, chiếm 8,15% số vụ việc và 5,28% số bị can so với số vụ án/bị can đã khởi tố)…”.

“Có tình trạng áp dụng hình phạt không đúng quy định của pháp luật như hình phạt nhẹ, phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, cho hưởng án treo hoặc phạt cải tạo không giam giữ (bị cáo cho hưởng án treo và phạt cải tạo không giam giữ chiếm 31,2% tổng số bị cáo phạm các tội về tham nhũng đã xét xử; một số bị cáo phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng vẫn được hưởng án treo)” - báo cáo của Ủy ban Tư pháp viết.

Ví dụ, Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình cho 8/9 bị cáo được hưởng án treo. Tòa án quân sự Quân khu 3 áp dụng điều 47 của Bộ luật hình sự để xử dưới khung hình phạt đối với cả 10/10 bị cáo đã xét xử và tuyên án treo cho 6/10 người. Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cho hưởng án treo, phạt cải tạo không giam giữ, phạt cảnh cáo đối với 50/113 bị cáo đã xét xử... Nhiều tòa án các tỉnh thành khác, lượng bị cáo hưởng án treo cũng trên 50% như Hòa Bình, Nghệ An, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang…

“Thực trạng xử lý không đúng pháp luật một số vụ tham nhũng và tình hình tham nhũng ngay trong chính các cơ quan tư pháp đã làm giảm lòng tin của nhân dân vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Dư luận nhân dân cho rằng với việc xử lý kỷ luật, hành chính, đình chỉ điều tra, cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ đối với tội phạm về tham nhũng như hiện nay có biểu hiện chưa nghiêm minh, bỏ lọt tội phạm” - Ủy ban Tư pháp khẳng định.

Nhiều vụ tham nhũng bị phát hiện

Trong năm 2013, ngành thanh tra phát hiện 90 đối tượng có hành vi liên quan tham nhũng với số tiền 117,5 tỉ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 4 tập thể, 28 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 11 vụ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Quốc phòng, TP Hải Phòng, các tỉnh Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Bình Phước, Bình Thuận là những ngành, địa phương phát hiện và xử lý nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực.

Lực lượng cảnh sát điều tra đã thụ lý 371 vụ án, 847 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 233 vụ, 568 bị can (so với cùng kỳ năm trước tăng 11 vụ và 97 bị can); gây thiệt hại khoảng 9.260 tỉ đồng, 51.000 lượng vàng SJC; đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 900 tỉ đồng; đã kết luận điều tra 255 vụ, 581 bị can; hiện đang điều tra 96 vụ, 230 bị can.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên