Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, ông Vũ Quốc Hùng (nguyên phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra trung ương) nói:
Phóng to |
Ông Vũ Quốc Hùng - Ảnh: Nguyễn Khánh |
- Vì nhiều lý do khác nhau, công việc mà các cơ quan của Đảng thực hiện - trong đó có ủy ban kiểm tra các cấp - đều phải tuân theo những nguyên tắc, quy trình, thủ tục chặt chẽ trong Đảng, kể cả cung cấp thông tin ra bên ngoài nói chung và cho báo chí nói riêng. Do đó, việc Ủy ban Kiểm tra trung ương mở rộng công khai thông tin, cung cấp tương đối đầy đủ và kịp thời kết quả sau mỗi kỳ họp trong những năm gần đây là một bước tiến lớn.
Theo tôi được biết, không phải tất cả ý kiến đều nhất trí cao việc “rộng cửa” thông tin, tuy nhiên xu hướng công khai, minh bạch đã trở thành chủ đạo. Nhằm đáp ứng nguyện vọng của đảng viên, người dân và cũng từ sự quan tâm của dư luận, năm 2012 thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ký ban hành quy định về việc cung cấp thông tin cho báo chí sau các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra trung ương, xác định mục đích cũng như nội dung, hình thức cụ thể của công việc này. Điểm đáng chú ý là quy định cho phép “nêu rõ những thiếu sót, khuyết điểm và vi phạm (nếu có) của các tổ chức Đảng và đảng viên”. Hai chữ “nêu rõ” là rất quan trọng, đây có thể ví như là một “thượng phương bảo kiếm” trên mặt trận thông tin của cơ quan kiểm tra.
* Trong cuộc gặp gỡ các thế hệ cán bộ nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống ngành kiểm tra Đảng, ông Nguyễn Văn Chi (nguyên chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương) cho rằng đẩy mạnh thông tin không phải để thấy thành tích mà “những gì cần nói thì phải nói, không nên để người dân đồn đại”. Ông nghĩ sao?
- Từ cuối năm 2009 và trong năm 2010, khi Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố chi tiết những thông tin nóng về vụ Vinashin hoặc vụ liên quan đến phẩm chất đạo đức, lối sống của nguyên chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang... đã tạo nên ấn tượng mạnh mẽ, nói theo ngôn ngữ đời thường là rúng động dư luận. Lúc bấy giờ tôi nghỉ công tác rồi nhưng điện thoại vẫn nóng ran. Bài học từ câu chuyện nêu trên là gì? Phải chăng, việc cung cấp thông tin chính thức trong bối cảnh dư luận đang đồn đại rất dữ dội không những định hướng dư luận mà còn tiếp thêm sức mạnh, phát huy hiệu lực của kết quả kiểm tra, giám sát.
Ở đây tôi muốn nói sự vào cuộc sớm của cơ quan chức năng, chủ động kiểm tra dấu hiệu vi phạm của tổ chức Đảng, đảng viên là hết sức quan trọng. Muốn vậy phải tìm hiểu, nghiên cứu, chọn lọc thông tin qua nhiều kênh, không để dư luận phản ứng kéo dài. Chẳng hạn với vụ việc liên quan đến nguyên chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, hay mới đây là chuyện “tham ô, mua nhà cho bồ nhí” được nêu trong báo cáo kết thúc điều tra vụ Vinalines, đâu phải khi “vỡ” ra mới có dư luận mà lời đồn đại đã có từ trước đó lâu rồi. Nếu cơ quan chức năng biết dựa vào dân, biết lắng nghe dư luận thì sẽ có thêm “trăm tay, ngàn mắt” để thực hiện nhiệm vụ của mình.
* Thông tin kiểm tra, giám sát liên quan chặt chẽ đến sinh mệnh chính trị của cán bộ, đảng viên. Vậy theo ông, cần làm gì để những thông tin được sử dụng đúng mục đích, loại trừ trường hợp thông tin bị chi phối bởi “nhóm lợi ích”?
- Ủy ban kiểm tra làm việc theo chế độ tập thể, đằng sau những thông tin về kết quả kỳ họp được công bố trên báo chí là một quy trình chặt chẽ gồm có tài liệu thẩm tra, xác minh nội dung thảo luận, kết quả bỏ phiếu... Cho nên không dễ để “nhóm lợi ích” nào đó chi phối. Vấn đề quan trọng hơn là hoạt động kiểm tra, giám sát phải chủ động ngay từ khi có dấu hiệu vi phạm, không được để vi phạm lan rộng, liên kết thành lợi ích nhóm, gây hậu quả nghiêm trọng
Để loại trừ khả năng bị chi phối, trước hết hoạt động của ủy ban kiểm tra các cấp phải theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Và theo tôi cũng cần công khai, minh bạch hơn nữa. Cần khẳng định rằng càng làm tốt việc công khai, minh bạch thì càng củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân.
Hiện nay, sau mỗi kỳ họp, cách thức thông tin thông thường là Ủy ban Kiểm tra trung ương ra thông báo bằng văn bản để các cơ quan báo chí sử dụng. Nên chăng với những vụ việc lớn, dư luận quan tâm thì có thể tổ chức họp báo cung cấp thêm các thông tin cần thiết để giúp người dân nhìn thấy “bức tranh toàn cảnh” và cũng để các tổ chức, cá nhân liên quan rút ra bài học cần thiết.
* Khi còn đương nhiệm, ông cởi mở với báo chí ở mức độ nào?
- Lúc bấy giờ không chỉ anh em báo chí tìm gặp tôi mà tôi cũng chủ động gặp báo chí, với ý thức rất rõ rằng đây là một kênh thông tin không thể thiếu trong công việc chung. Đối với tôi, việc cung cấp thông tin cho báo chí hoặc đón nhận thông tin từ báo chí để nghiên cứu xử lý là trách nhiệm của người cán bộ được quy định trong các văn bản của Đảng và trong Luật báo chí.
Nhiều lần, tôi nói với các anh lãnh đạo ở một số tờ báo thuộc hệ thống báo Đoàn rằng “những thông tin nào các anh đăng được thì đăng, nếu thấy chưa đăng được, cứ cung cấp cho tôi và tôi hứa sẽ thẩm tra, xử lý trong thời gian sớm nhất có thể”.
* Theo ông, đòi hỏi lớn nhất đối với ngành kiểm tra Đảng hiện nay là gì?
- Trong tình hình hiện nay, xã hội đang bức xúc đối với tệ nạn tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái về đạo đức, lối sống của không ít cán bộ... Đối với những tệ nạn đó dường như ai cũng lên án trên lời nói nhưng hành động cụ thể thì né tránh, ngại va chạm. Do vậy, tôi nghĩ rằng người dân chờ đợi các cơ quan chức năng, trong đó có ủy ban kiểm tra các cấp, phải “vạch lá” để “diệt sâu”, nhất là không “tìm sâu” rồi để đó.
Mới đây, lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra trung ương khi đề cập đến những công việc cần tập trung thực hiện tốt trong thời gian tới, việc đầu tiên được nêu ra là: “Tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức Đảng về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát”. Với thông điệp này, tôi nghĩ rằng hơn bao giờ hết cần đặt đúng tầm quan trọng của công tác cung cấp thông tin về hoạt động kiểm tra, giám sát.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận