13/10/2013 18:22 GMT+7

Đà Nẵng sơ tán 55.000 dân nếu bão số 11 đổ bộ

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TTO - Từ đêm nay 13-10, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) có gió mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 10, cấp 11. Biển động dữ dội.

0ok6HbcW.jpgPhóng to
Ngư dân Đà Nẵng khẩn trương neo đậu tàu, thuyền vào nơi an toàn vào chiều 13-10 - Ảnh: Đoàn Cường

Ngày 13-10, UBND TP Đà Nẵng có công điện chỉ đạo công tác đối phó với bão số 11. Theo dự báo cơn bão này sẽ mạnh tương đương cơn bão Xangsane 2006. UBND TP Đà Nẵng thông báo cho tất cả tàu thuyền vào bờ, hoặc di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm. Rà soát và sẵn sàng triển khai các phương án sơ tán nhân dân, đặc biệt chú ý đề người dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà trọ, nhà tạm, không kiên cố. Tất cả các quận, huyện bố trí lực lượng trực 24/24.

Chiều 13-10, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng nếu bão cho biết, hiện trên địa bàn vẫn còn nhiều nhà thiếu kiên cố, các nhà tạm, nhà cho thuê, theo kế hoạch nếu bão số 11 đổ bộ vào thì địa phương này phải sơ tán 11.000 hộ dân với 55.000 người. Việc sơ tán phải xong trước 12 giờ ngày 14-10. Hiện Đà Nẵng có 18 hồ chứa nước vừa và nhỏ hầu hết nước đã qua tràn.

Từ chiều 13-10, ngư dân dọc các bãi biển Nguyễn Tất Thành, Mân Thái, Thọ Quang…đã di chuyển, neo tàu thuyền để chuẩn bị tránh bão số 11. Bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng lưu ý là có 55 tàu cá với 592 ngư dân đang hoạt động trên khu vực biển Hoàng Sa hiện đang chạy vào bờ. Điều lo ngại là Đà Nẵng có 1.600 tàu cá, khi có bão thì có có thêm gần 500 tàu cá của các tỉnh khác vào neo đậu, tránh bão với tổng số 2.100 tàu.

Tuy nhiên, Đà Nẵng chỉ có 1 khu neo đậu tàu thuyền tránh bão ở cảng Thọ Quang với sức chứa tối đa 800 tàu, số lượng còn lại phải neo ở những vị trí không an toàn.

Chiều 13-10, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết các đập thủy điện xả nước để chuẩn bị cho đợt mưa lớn và bão số 11 sắp đến. Theo đó, thủy điện A Vương xả nước với lưu lượng từ 35-300m3/s, thủy điện Đắk Mi 4 từ 15g00 xả lũ với lưu lượng 100m3/s.

zVuNwaMz.jpgPhóng to

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, đến chiều ngày 13-10, tất cả tàu thuyền trên địa bàn tỉnh hoạt động trên biển đã vào trú ẩn an tỉnh cũng đang tích cực triển khai di dời gần 3.400 hộ dân với 11.000 khẩu ở những nơi bị đe dọa bởi sạt lở và lũ quét đến các nhà cao tầng trong dân, các trụ sở cơ quan nhà nước và trường học kiên cố…

Việc di dời dân sẽ đảm bảo hoàn thành trước thời điểm bão đổ bộ. Các hồ thủy điện Hương Điền, Bình Điền và A Lưới đã được yêu cầu khẩn trương xả nước để đón lũ, bảo đảm an toàn cho vùng hạ du.

Hồi 16 giờ ngày 13-10, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km. Đến 16 giờ ngày 14-10, vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 140km về phía Đông.

Đến 16 giờ ngày 15-10, vị trí tâm bão ở trên khu vực biên giới Việt - Lào.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội.

Từ đêm nay 13-10, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) có gió mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 13, cấp 14, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội.

Ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 – 4 mét.

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên