08/10/2013 16:11 GMT+7

Nhắc nhở lớn của hội nghị APEC

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TTO - Nhắc nhở lớn nhất từ APEC là “kỷ luật tài khóa sao cho bền vững”. Chợt nghĩ đến Việt Nam, những băn khoăn mà Thường vụ quốc hội nước ta nêu ra gần đây liệu chỉ để “xả sú-bắp” trước một làn sóng bội chi mới?

xV9wOxtb.jpgPhóng to
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (thứ tư từ phải sang) và các nguyên thủ chụp ảnh lưu niệm trước giờ bế mạc APEC sáng 8-10 - Ảnh: Reuters

Thông cáo chung của các bộ trưởng APEC, sau cuộc họp toàn thể có sự tham dự của Tổng Thư ký Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Chủ tịch Hội đồng tư vấn APEC (ABAC), Tổng thư ký ASEAN… khởi đầu bằng đoạn giải thích mục đích của Diễn đàn năm nay là để “thảo luận cách thức đảm bảo cho khu vực châu Á - Thái bình dương vẫn đóng vai trò cỗ máy tăng trưởng của thế giới”.

Các bộ trưởng nhất trí rằng cách thức để giữ vững vai trò đó chính là “tiến hành cải cách cấu trúc toàn diện nhằm tăng năng suất, tăng sự tham gia của lực lượng lao động đồng thời tăng công ăn việc làm có chất lượng cao… đảm bảo tài khóa sao cho bền vững, xây dựng khả năng nhân lực qua giáo dục và đào tạo… ”.

Thông cáo chung, trong phần đánh giá tình trạng của khu vực, đã nhắc nhở những cam kết trong thời đại “đảm bảo cho các thị trường để mở, không dựng lên những rào cản đầu tư hoặc thương mại mới trong mọi lĩnh vực”, nhất định “chống lại các biện pháp bảo hộ… và các biện pháp làm méo mó thương mại” đã đề ra trong các hội nghị thượng đỉnh APEC Honolulu 2011 và Vladivostok 2012.

Tất cả nhằm tiến đến một khu vực tự do thương mại châu Á - Thái bình dương.

Nghe qua thấy có vẻ như kêu gọi suông, song nếu đọc kỹ và nhìn lại thực tế hàng ngày cũng như tình hình đất nước, bắt đầu từ trong khuôn khổ ASEAN 10 nước, đến trong APEC 21 gồm nền kinh tế, rồi thì WTO toàn cầu, không thể không thấy rằng các nhắc nhở này là vô cùng hệ trọng cho mỗi quốc gia dân tộc.

Càng ngày càng không còn những rào cản thuế quan để tự bảo hộ, thậm chí đến 2015 sẽ mở toang nhiều lĩnh vực khác nữa trong cộng đồng kinh tế ASEAN (AAC). Rồi thì khu vực tự do thương mại và đầu tư APEC vào năm 2020 theo các mục tiêu đề ra ở hội nghị APEC Bogor (Indonesia) năm 1994. Thấm thoát đã 19 năm trôi qua kể từ ngày mục tiêu Bogor được ấn định cho đến hội nghị APEC lần này xoay vòng trở lại Bali của Indonesia!

Trong 19 năm ấy, Việt Nam đã khởi động được bao nhiêu cải cách hội nhập vào thị trường APEC? Tất nhiên có thể kể đến một công nghiệp chế biến sữa vươn ra nước ngoài, một công nghiệp khai thác dầu khí liên doanh khai thác với một nước láng giềng, một công nghiệp viễn thông sang tận Nam bán cầu đầu tư… Song, còn các lĩnh vực khác, sẽ chống trả như thế nào trước những con lũ đầu tư tràn vào từ 1015?

Đó chính là lý do mà các bộ trưởng APEC nhắc nhở “tiến hành cải cách cấu trúc toàn diện nhằm tăng năng suất”. Một thí dụ cực nhỏ song cũng cực đại: pin “Con Ó” đã được sản xuất từ đầu những năm 1970, nay có còn chỗ đứng bên cạnh rừng pin siêu bền, đắt tiền nhập nội đang chiếm lĩnh thị trường này hay đã thất thủ?

Chính vì thế các bộ trưởng APEC đã nhấn mạnh: “Tăng công ăn việc làm có chất lượng cao, xây dựng khả năng nhân lực qua giáo dục và đào tạo…”.

Đã có quá nhiều thở vắn than dài của các nhà đầu tư nước ngoài muốn bước vào các khu công nghệ cao về việc thiếu nhân lực có tay nghề cao, và tiếc rẻ sao ta chỉ cung cấp đươc mỗi lao động chân tay! Đã có những dự án đào tạo 10.000 tiến sĩ, cử nhân tài năng… , song kết quả không như mong muốn.

Tháng trước, khi tham dự một hội thảo về Myanmar ở Đại học Chulalongkorn, một đại học Thái Lan xếp hạng 239 trên bảng xếp hạng của QS World University Rankings, song riêng ngành khoa học nhân văn và quản trị đứng hàng 115 thế giói - trong khi không có một đại học Việt Nam nào trong danh sách 700 đại học hàng đầu thế giới của QS.

Điều gì tạo ra sự gì khác biệt? Một chi tiết nhỏ song vô cùng lớn: trong danh sách các diễn giả hội thảo có Gewn Robinson, nguyên ký giả của Foreign Policy đang là nghiên cứu cao cấp ở Viên nghiên cứu An ninh và chiến lược quốc tế (ISIS) của đại học Chulalongkorn; và tiến sĩ Jacques Leider, nguyên viện trưởng viện EFEO đại học Chiang Mai.

Cơ chế nào cho họ “biên chế”, thậm chí giữ chức vụ điều hành trong các đại học Thái? Trong khi đó, đại học Việt Nam vẫn đang cứ lấn cấn hết “quản trị - kinh doanh” mọc như nấm rồi ế, nay đến “y khoa” mọc dễ như mở trạm xá… còn mầm non, tiểu học thì thi nhau du nhập bảng tương tác.

Nhắc nhở lớn nhất từ APEC là “kỷ luật tài khóa sao cho bền vững”. Chợt nghĩ đến Việt Nam, những băn khoăn mà Thường vụ quốc hội nước ta nêu ra gần đây liệu sẽ chỉ để “xả sú-bắp” trước một làng sóng bội chi mới?

Thành ra, đọc Thông cáo chung APEC mà không khỏi bần thần. Không phải vô cớ mà những nhắc nhở đó đặt ngay đầu thông cáo chung. Một hội nghị không chỉ là diễn văn hoa mỹ và thông cáo chung dài dòng, mà những gì đọng lại từ đó như một mệnh lệnh của sự sống còn.

Và thời gian thì không chờ đợi.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên