03/10/2013 02:52 GMT+7

Bất bình đẳng trong lương hưu

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Ngày 2-10, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã phối hợp với Viện FES (Đức) tổ chức cuộc tọa đàm chuyên gia về “giải pháp mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) trong sửa đổi Luật BHXH”.

Sắp có bảo hiểm hưu trí bổ sung

Tại đây, nhiều chuyên gia đã cảnh báo VN sẽ phải đối mặt với tình trạng hàng triệu người về hưu mà không được hưởng lương hưu do tỉ lệ người lao động tham gia BHXH quá thấp.

TS Nguyễn Thế Huệ - viện trưởng Viện Nghiên cứu người cao tuổi - cho biết hiện nay tỉ lệ người cao tuổi nghèo là 23%, cao hơn tỉ lệ nghèo trung bình rất lớn, nhiều người trên 80 tuổi không có lương hưu đang phải sống dựa vào trợ cấp xã hội của Nhà nước. “Trong khi đó, lương của nhiều người cao tuổi rất thấp, lý do là những người nghỉ hưu từ năm 2004 trở về trước lương thấp, có những tiến sĩ về hưu hiện nay lương chưa được 3 triệu đồng. Sau khi cải cách tiền lương năm 2004 đến nay thì lực lượng công tác trong quân đội, công an và lãnh đạo trong bộ máy nhà nước về hưu hưởng lương rất cao, công chức hưởng lương vừa phải và công nhân về hưu hưởng mức lương rất thấp.

Lý do là cán bộ, công chức dựa vào tiền lương năm năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu để tính lương hưu, còn công nhân phải tính trung bình suốt cả quãng đời làm việc. Vì vậy, hiện nay tồn tại sự bất bình đẳng rất lớn trong việc hưởng lương hưu” - ông Huệ phân tích.

Theo TS Nguyễn Thị Lan Hương - viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, mức độ tuân thủ BHXH bắt buộc ở VN đang ở mức thấp, hiện nay vẫn còn 35% lao động hoặc trốn đóng BHXH hoặc doanh nghiệp không đóng cho người lao động. Riêng với BHXH tự nguyện mới chỉ khoảng 0,37% lao động trong khu vực phi chính thức tham gia. Bà đề nghị tới đây “chính sách BHXH phải thiết kế theo cá nhân, hộ gia đình chứ không nên thiết kế theo khu vực, ngành như hiện nay. Bởi vì rủi ro gắn với cá nhân, hộ gia đình và khi chi trả cũng chi trả cho cá nhân chứ không chi trả theo ngành hay lĩnh vực lao động”.

TS Bùi Sỹ Lợi - phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội - phân tích: Thực tế hơn sáu năm thực hiện Luật BHXH cho thấy đến cuối năm 2012 mới chỉ có gần 11 triệu người tham gia BHXH, mới chiếm khoảng 78% tổng số lao động có quan hệ lao động phải tham gia BHXH bắt buộc. Điều này có nghĩa đất nước sẽ phải đối mặt với tình trạng hàng triệu lao động bước vào tuổi về hưu không có thu nhập từ lương hưu. “Do vậy, việc mở rộng BHXH phải được xem là ưu tiên hàng đầu của chính sách BHXH. Đây chính là vấn đề rất lớn đặt ra cho việc sửa đổi Luật BHXH dự kiến được Quốc hội thông qua vào năm 2014” - ông Lợi nói.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên