20/09/2013 07:43 GMT+7

Nhiều nơi xây dựng trụ sở như cung điện

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Đó là phát biểu của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước ngày 19-9 tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ý kiến về nội dung báo cáo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 của Chính phủ và dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết các bộ, ngành, địa phương, cơ quan tài chính các cấp không bổ sung kinh phí ngoài dự toán; rà soát để cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa cấp thiết; phấn đấu đạt chỉ tiêu tiết kiệm tối thiểu 20% chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu; tiết kiệm tối thiểu 30% dự toán kinh phí đã bố trí cho các việc tổ chức hội nghị, hội thảo quốc gia, lễ khởi công, khánh thành, công bố quyết định, các đoàn đi công tác, học tập, khảo sát trong và ngoài nước.

“Vậy con số lãng phí là bao nhiêu?” - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước hỏi. Ông Phước khẳng định: “Quốc hội rất quan tâm đến con số này”. Rồi ông chỉ ra hàng loạt vấn đề: “Tôi đi các địa phương, người ta kêu rằng để thực hiện cắt giảm đầu tư phải dừng, hoãn các công trình, dự án thì nhiều công trình coi như mất trắng hàng ngàn tỉ đồng. Trong khi đó, đến nhiều nơi thấy xây dựng trụ sở như cung điện. Ngay cả trụ sở tỉnh ủy nhiều nơi cũng lộng lẫy lắm... Dân ta đang nghèo như vậy, xây trụ sở hoành tráng làm gì? Cần rà soát lại, công khai cho dân biết những nơi nào xây dựng nhà lộng lẫy quá mức cần thiết. Ông nào đi xe sang quá tiêu chuẩn thì Bộ Tài chính phải tuýt còi, không được tha” - ông Phước đề nghị.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trình bày: trong sáu tháng đầu năm 2013, cả nước đã triển khai 1.353 cuộc thanh tra lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, qua đó phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính trên 1.290 tỉ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 94 tập thể, 376 cá nhân có vi phạm.

Ông Ksor Phước lên tiếng: “Nếu báo cáo chỉ dừng lại con số như vậy thì không thấy được ý nghĩa của sử dụng tài sản là đất đai. Đề nghị Chính phủ chỉ đích danh những cơ quan, đơn vị, ngành, tỉnh nào có sai phạm trong quản lý đất đai. Tôi đi một số tỉnh thấy đất cho trụ sở rất hẹp, nhưng một số tỉnh thì đất cho trụ sở lại rộng mênh mông như công viên. Vậy chuẩn mực đất cho trụ sở như thế nào? Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên - môi trường cần nghiên cứu đưa ra tiêu chuẩn chung về đất trụ sở cơ quan nhà nước để làm căn cứ cho người dân giám sát”.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết dự luật đã quy định rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu. “Đặc biệt đã bổ sung quy định trách nhiệm và chế tài xử lý đối với người có thẩm quyền nhưng không xử lý các hành vi vi phạm Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để bảo đảm tính khả thi cũng như tính nghiêm minh của pháp luật, khắc phục tình trạng có sai phạm mà không bị xử lý”.

* Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi). Nhiều ý kiến cho rằng dự luật “quên” quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm trong quản lý môi trường. “Vụ chôn thuốc trừ sâu ở Thanh Hóa đang gây bức xúc trong dư luận, nhưng nếu căn cứ theo dự thảo luật này thì chẳng xử lý gì được” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển nói. Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nói thêm: “Dự thảo luật mới chỉ đề cập việc bảo vệ chứ chưa thấy quy định về trách nhiệm khắc phục. Ví dụ như vụ xả lũ ở Tây nguyên mà báo chí đang phản ánh gây lụt lội, san phẳng hết, vậy ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Hay vụ thuốc trừ sâu ở Thanh Hóa ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Luật phải quy định chứ không lại hòa cả làng”.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên