01/09/2013 07:09 GMT+7

"Con ngoài giá thú"

ĐƠN THƯƠNG
ĐƠN THƯƠNG

TT - Cách thủ phủ Tuyên Quang chưa đầy nửa giờ xe chạy là vùng quặng sắt có tên Thanh Vân (xã Hùng Đức, huyện Hàm Yên). Các doanh nghiệp khai thác sắt đã thuê nhiều nhân công người Trung Quốc và nhiều thôn nữ đã có những đứa con không cha.

hSJAX7eH.jpgPhóng to
Lý Thị Mai cùng đứa con “ngoài giá thú” - Ảnh: Đơn Thương

Thanh Vân là thôn nghèo nhất của Hùng Đức. Đứng trên đồi cao nhìn xuống, tinh mắt người ta mới thấy vài mái nhà lợp ngói ximăng. Còn lại toàn một thứ nhà tranh, vách đắp bằng đất trộn rơm. Trong thôn Thanh Vân, ngôi nhà nghèo nhất có lẽ là nhà của Đặng Thị Minh.

Người mẹ trẻ có tên Đặng Thị Minh vẫn hết sức hồn nhiên kể về đứa con mới được mấy tuần tuổi với một công nhân Trung Quốc. Cha đứa trẻ tên A Nhóc hay A Nhóng gì đó, Minh vẫn chưa rõ.

A Nhóc được một doanh nghiệp thuê sang thăm dò khoáng sản. Mới đầu Đặng Thị Minh cũng cảm thấy lạ lẫm và sợ những người như A Nhóc. Nhưng rồi có một người biết cả tiếng Trung Quốc và tiếng Việt Nam dẫn đến giới thiệu. Từ hôm giới thiệu này, tối nào A Nhóc cũng tìm xuống với Minh.

“Mình chả biết “yêu” A Nhóc từ lúc nào - Đặng Thị Minh hồi tưởng - Nó không biết tiếng mình, mình không biết tiếng nó. Mình với nó chỉ “nói chuyện” bằng tay thôi. A Nhóc nó cũng tốt. Mình nghèo, lúc thì nó cho ít tiền mua gạo, lúc cho ít tiền mua thịt. Thế rồi mình “yêu” nó lúc nào không biết. Rồi mình cho nó “nằm cùng”. Rồi có con với nó. Con chưa kịp ra đời thì nó phải về Trung Quốc. Nó đi mình không biết. Chỉ lâu không thấy nó xuống cho tiền mua gạo, mua thịt nữa, nhớ quá mình tìm lên bãi quặng. Hỏi thì bạn nó bảo nó về nước rồi. Hôm trước mình gặp thằng A Châu bạn nó. A Châu bảo A Nhóc cho biết là nó không sang Việt Nam nữa. Có con tự đẻ, tự nuôi thôi”.

Đứa con được mấy tuần tuổi nhưng Minh chưa biết đặt tên con là gì. Cũng như nhiều phụ nữ ở đất này, có “con với mỏ”, nghĩa là con với những người đàn ông Trung Quốc làm công trên mỏ, thì cứ lấy họ mẹ đặt cho con thôi. Minh suy tính mấy hôm nữa kiếm đủ gạo ăn cho tuần tới, Minh sẽ ra xã làm giấy khai sinh cho con. Và cũng như những phụ nữ lỡ lầm nơi đất này, chắc trong giấy khai sinh của đứa con phần khai về cha sẽ là những chữ: con ngoài giá thú!

Cũng lỡ lầm như Minh, nhưng với Lý Thị Mai thì số phận xem chừng có vẻ may mắn hơn. Là một thiếu nữ trẻ, lại có sắc đẹp nên Mai nhanh chóng được các công nhân Trung Quốc nơi đây đưa vào “tầm ngắm”. Khác Đặng Thị Minh, trong quá trình yêu đương “bằng tay”, Mai cũng biết tên tuổi cụ thể của gã người yêu mình: Láy Săn Huy.

Mai bảo mới đầu nó hay tìm đến và giúp mình. Ngoài tiền tiêu pha, nó còn giúp 30 triệu đồng để xây nhà đấy. Thế rồi mình nể, nó muốn làm gì mình cũng cho. Rồi mình có con với nó.

Mối tình bất đồng ngôn ngữ này đang ngập tràn hạnh phúc và sự tự hào với dân bản thì đùng một cái, cũng như A Nhóc, Láy Săn Huy bặt vô âm tín, để lại Mai và cái thai đang đến kỳ sinh nở. Mai lại lên bãi quặng để tìm “chồng”. Nhưng người ta bảo hết thời gian, nó về nước rồi. Nó bảo nó cho cái nhà và phải tự nuôi con thôi!

Con của Mai giờ đã tròn 5 tháng tuổi. Mai đã lấy họ mình làm họ của con và đặt cho con cái tên Lý Láy Phong. Cái tên này được người mẹ ý tứ ghép từ họ mẹ với họ cha, còn phần khai về người cha vẫn chỉ là những chữ đầy đau đớn: con ngoài giá thú!

Ông trưởng thôn Bàn Văn Năng nói: “Thanh Vân là thôn nghèo, tôi đã bảo với dân, nhất là những cô gái trẻ, rằng đừng vì cái nọ cái kia mà yêu. Nhà nghèo, đất không có, giờ phải đi mót quặng hay làm đủ mọi thứ để nuôi con đấy”.

ĐƠN THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên