22/08/2013 08:11 GMT+7

"Hòn đá bị nhốt trong lồng sắt" ra tòa

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TT - Sáng 21-8, TAND huyện Chư Sê (Gia Lai) mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ khiếu kiện xử phạt hành chính trong lĩnh vực khoáng sản. Người khởi kiện là bà Trần Thị Sắc - nông dân trồng hồ tiêu tại Chư Sê, bị đơn là ông Nguyễn Hồng Linh - chủ tịch UBND huyện Chư Sê.

Uui5Az3V.jpgPhóng to
Dù tòa chưa tuyên án nhưng tảng đá do bà Sắc đào lên đã được đưa đi trưng bày tại một địa điểm công cộng ở TP Pleiku - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG

Nội dung vụ án như sau: tháng 3-2012, bà Sắc thuê máy về đào ao lấy nước tưới trong vườn tiêu của gia đình, trong quá trình đào đã phát hiện một tảng đá khoảng 3m3, có màu sắc và hình dạng đẹp nên đã cho xe cẩu đưa về nhà trưng bày. Sau khi phát hiện sự việc, đoàn kiểm tra liên ngành của UBND huyện Chư Sê đã lập biên bản đối với bà Sắc. Ngày 30-5-2012, ông Nguyễn Hồng Linh đã ký quyết định xử phạt hành chính đối với bà Sắc về hành vi “vận chuyển khoáng sản trái phép”, đồng thời cho tịch thu tảng đá nói trên đưa về khuôn viên trụ sở UBND huyện. Với lý do “để bảo quản tốt tảng đá”, UBND huyện Chư Sê đã cho thợ hàn một lồng sắt thật lớn bao quanh, tảng đá được “giam cầm” trong lồng sắt suốt thời gian dài gây sự hiếu kỳ đối với người dân. Sau đó tảng đá được UBND tỉnh Gia Lai bố trí trưng bày tại một địa điểm công cộng ở TP Pleiku. Bất bình trước quyết định xử phạt, bà Sắc đã làm đơn khởi kiện chủ tịch UBND huyện Chư Sê ra tòa.

Tại phiên tòa sơ thẩm sáng 21-8, ông Nguyễn Đình Viên - trưởng Phòng tài nguyên - môi trường huyện Chư Sê - được ông Linh ủy quyền cho rằng việc bà Sắc cho xe cẩu tảng đá nằm chìm dưới đất khi chưa được các cấp thẩm quyền cho phép là hành vi trái phép, mặc dù tảng đá nằm trong vườn bà Sắc nhưng diện tích đất mà bà được Nhà nước cấp chỉ được trồng cây ngắn ngày, ngoài ra không được can thiệp gì thêm, kể cả việc... đào ao lấy nước. Ông Viên cũng cho rằng khi phát hiện bà Sắc cho xe cẩu tảng đá lên, UBND huyện đã tổ chức một đoàn cán bộ nhanh chóng đến hiện trường kiểm tra. Mặc dù các cán bộ này chưa xác định được đó là đá gì nhưng... “cho dù là đá gì thì đó cũng là... khoáng sản” nên UBND huyện đã cho tịch thu và ra quyết định xử phạt bà Sắc 2 triệu đồng và “bắt giam” tảng đá.

Bà Võ Thị Tiết - Văn phòng luật sư Võ Luật (Bình Định), đại diện quyền lợi hợp pháp của nguyên đơn - đặt câu hỏi: có quy định nào cấm người dân được cấp đất để trồng cây mà chỉ được phép trồng cây, ngoài ra không được đào ao, đào giếng, làm nhà tạm hay những điều tương tự không? Trả lời câu hỏi này, ông Viên cho rằng đất được Nhà nước cấp với mục đích như thế nào thì sử dụng đúng như thế, mọi tác động khác làm biến dạng đất đai đều là trái quy định. Bà Tiết hỏi tiếp: vậy việc bà Sắc đào ao để tưới tiêu cho cây trên đất đã được cấp quyền sử dụng, từ đó phát hiện có tảng đá nằm dưới đất thì phải xin phép không? Ông Viên khẳng định phải xin phép, đã tác động vào đất là phải xin phép. Bà Tiết khẳng định không có bất cứ quy định nào trong luật yêu cầu nông dân đào ao, đào giếng tưới tiêu mà phải ôm đơn lên xin phép chính quyền. Bà Tiết cũng cho rằng việc UBND huyện Chư Sê khi phát hiện tảng đá đẹp đã đến lập biên bản, kéo về và “bắt giam” vào lồng sắt là quá vội vàng, bất chấp các quy định của pháp lệnh về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản...

Sáng 21-8, phần tranh tụng kéo dài tới 12g. Chiều cùng ngày, khoảng 14g45, khi bước vào phần tuyên án thì chủ tọa tuyên bố tạm dừng phiên tòa. Lúc 9g30 sáng nay 22-8 tòa sẽ tuyên án.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên