Phóng to |
Bệnh nhân đợi lãnh thuốc tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ - Ảnh: chí quốc |
Theo điều tra, gói thầu mua thuốc năm 2013 của Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ được mở ngày 18-1. Hội đồng xét thầu của bệnh viện đề nghị cho trúng thầu 418 loại thuốc nhóm 1 thuộc gói thầu thuốc theo tên generic. Ngày 3-6, giám đốc bệnh viện là ông Đặng Quang Tâm có quyết định gửi từng nhà thầu về danh mục các mặt hàng thuốc trúng thầu năm 2013. Khi danh mục này được gửi đi thì nội bộ bệnh viện và nhà thầu râm ran dư luận có sự “thông thầu” giữa một số nhà thầu với hội đồng xét thầu.
Nhóm 3 thành nhóm 1
Qua điều tra, PV Tuổi Trẻ phát hiện có nhiều loại thuốc ở thời điểm mở thầu, xét thầu nằm ở nhóm 3 nhưng lại được hội đồng xét thầu chấm “đậu” vào nhóm 1. Tổng cộng có 70 mặt hàng của 22 công ty dược phẩm được hội đồng xét thầu cho trúng thầu vào nhóm 1 sai quy định, tổng trị giá lên đến hơn 52 tỉ đồng.
Theo một thành viên hội đồng chuyên gia xét thầu của chính bệnh viện, giá thành của những thuốc thuộc nhóm 1 cũng luôn cao hơn rất nhiều so với thuốc thuộc nhóm 3, số mặt hàng thuốc được Bộ Y tế công nhận xếp vào nhóm 1 không nhiều nên mức độ cạnh tranh thấp và cơ hội trúng thầu cao. Trong khi những thuốc thuộc nhóm 3 luôn có giá rẻ hơn và có nhiều mặt hàng cạnh tranh gay gắt, cơ hội trúng thầu thấp hơn nhiều. Việc hội đồng xét thầu Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ chấm cho 70 mặt hàng thuốc trúng vào nhóm 1 sai quy định, gây thiệt hại cho quỹ bảo hiểm y tế vì phải thanh toán tiền thuốc cao hơn rất nhiều.
Chúng tôi thử thống kê, so sánh 17/70 loại thuốc được hội đồng xét thầu đưa sai vào nhóm 1 thấy chênh lệch số tiền lên đến hơn 9 tỉ đồng. Đơn cử, cùng hoạt chất paclitaxel, hàm lượng 100mg nhưng biệt dược Panataxel của Công ty HĐ chào thầu và được chấm thầu trúng vào nhóm 1 với giá 2.998.000 đồng/lọ. Cùng hoạt chất này, biệt dược Mitotax do Công ty CP HN chào thầu và trúng vào nhóm 3 có giá 1.330.000 đồng/lọ. Chênh lệch giá giữa hai mặt hàng thuốc này do xếp sai nhóm thuốc tính trên số lượng thuốc Công ty HĐ trúng thầu thì lên đến gần 1,7 tỉ đồng. Tương tự, cùng hoạt chất meropenem 1g nhưng biệt dược Sanbemerosan của Công ty ĐN chào thầu và được chấm thầu trúng vào nhóm 1 với giá 528.000 đồng/lọ. Cùng hoạt chất này, biệt dược Lykapiper do Công ty DA chào thầu và trúng vào nhóm 3 có giá 370.000 đồng/lọ. Chênh lệch giá giữa hai mặt hàng thuốc này do xếp sai nhóm thuốc lên đến gần 1,6 tỉ đồng ...
Trong một biên bản kiểm tra ngày 10-7-2013 của tổ xét thầu nhóm 1 cũng thừa nhận có 62 mặt hàng không nằm trong danh sách công bố của Cục Quản lý dược. Sau đó, tổ cung cấp thông tin đấu thầu thuốc của bệnh viện còn phát hiện có thêm tám mặt hàng nữa không nằm trong nhóm 1 nhưng vẫn trúng thầu vào nhóm 1.
Phóng to |
Bệnh nhân đợi nhận thuốc tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ - h: chí quốc |
Nhiều bất thường
Tìm hiểu việc đấu thầu tại bệnh viện còn cho thấy ở gói thầu thuốc nhóm 1 có 123/418 loại thuốc có giá chào thầu y chang giá kế hoạch. Đơn cử như thuốc Albumin (25%,100ml) bệnh viện chào giá kế hoạch 2.256.396 đồng/chai thì Công ty V chào giá chính xác đến từng đồng lẻ là 2.256.396 đồng/chai. Thuốc này được trúng thầu vào bệnh viện với tổng trị giá gần 16,25 tỉ đồng. Tương tự, giá kế hoạch của thuốc Daptomycin (500mg,10ml) bệnh viện chào giá 2.936.976 đồng thì Công ty D chào giá không sai một đồng. Kết quả, Công ty D được trúng thầu loại thuốc này với tổng giá trị hơn 7 tỉ đồng. Nhiều công ty dược và bệnh viện ở TP.HCM khi được hỏi đều cho biết không có nhà thầu nào dám liều mạng đưa ra giá chào thầu bằng giá kế hoạch của bệnh viện, như vậy gần như cầm chắc rớt thầu, dám chào như vậy là họ biết chắc mặt hàng đó sẽ được trúng thầu.
Theo một thành viên hội đồng xét thầu Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, thời gian qua một số công ty dược có những mặt hàng thuốc mới được cấp số đăng ký, nên khi tham dự thầu họ chỉ được sáu điểm kỹ thuật về kinh nghiệm cung ứng thuốc. Có công ty đã dùng “chiêu” tặng, cho thuốc bệnh viện với mục đích từ thiện để được coi là hình thức cung ứng thuốc bệnh viện, đây cũng là cơ sở nâng điểm kỹ thuật kinh nghiệm cung ứng thuốc.
Làm đúng quy định?
Trả lời các vấn đề liên quan đến việc đấu thầu thuốc tại bệnh viện, ông Đặng Quang Tâm nói bệnh viện đóng thầu lúc 9g ngày 18-1 và 30 phút sau mở thầu công khai, có sự chứng kiến của các nhà thầu tham dự. Hồ sơ mời thầu do tổ chuyên viên soạn thảo và được thông qua hội đồng thuốc và điều trị của bệnh viện để bổ sung, điều chỉnh và thống nhất thông qua. Trong hồ sơ mời thầu không có nội dung nào thể hiện có sự “thông thầu” với các công ty.
Vì sao có nhiều loại thuốc chưa được Bộ Y tế xác nhận và công bố nằm trong nhóm 1 nhưng bệnh viện vẫn chấm cho trúng vào nhóm 1? Ông Tâm cho rằng tổ chuyên gia xét thầu thực hiện xét thầu theo đúng danh sách công bố của Cục Quản lý dược và dựa vào giấy chứng nhận đạt PIC/s hoặc GMP-EU do nhà thầu cung cấp trong hồ sơ tại thời điểm đóng, mở thầu. Khi có quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu thuốc năm 2013, bệnh viện đã tiến hành thông báo, thương thảo hợp đồng và ký kết hợp đồng với các nhà thầu trúng thầu đúng theo quy định.
Về việc có nhiều loại thuốc có giá kế hoạch và giá chào thầu giống nhau, ông Tâm giải thích: để có cơ sở trình Bộ Y tế phê duyệt hồ sơ mời thầu, bệnh viện phải thu thập giá từ các công ty dược. Khi có báo giá từ các công ty, bộ phận chuyên môn của bệnh viện sẽ xây dựng giá sản phẩm và trình Bộ Y tế phê duyệt. Sau khi thẩm định, nếu thấy phù hợp Bộ Y tế sẽ có kết quả phê duyệt giá sản phẩm và phản hồi cho bệnh viện để tổ chức mời thầu. Trong trường hợp một công ty sử dụng giá báo cho bệnh viện làm giá chào thầu chính thức thì sẽ dẫn đến việc giá kế hoạch và giá chào thầu giống nhau.
Về vấn đề nâng điểm kỹ thuật cung ứng thuốc cho một số công ty tặng thuốc, ông Tâm nói: “Việc một số công ty đưa thuốc vào bệnh viện sử dụng dưới hình thức cho, tặng có thể được hiểu là hình thức cung ứng cho bệnh viện vì đáp ứng được một số nhu cầu của người sử dụng”.
Nhiều năm có sai phạm trong đấu thầu thuốc Tình trạng đấu thầu thuốc “loạn xạ” đã xảy ra trong nhiều năm tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ và được Bộ Y tế có kết luận thanh tra vào đầu tháng 5-2013. Nổi bật trong các sai phạm tại bệnh viện này là tình trạng cho trúng nhiều gói thầu trong đợt xét thầu năm 2011 (trị giá khoảng 256 tỉ đồng) với các lý do “lạ”. Trong số này có việc cho doanh nghiệp trúng thầu để... trả nợ vì bệnh viện đã mượn thuốc trước đó. Điển hình là sản phẩm có ký hiệu VN0163, bệnh viện mượn thuốc của hai doanh nghiệp là chi nhánh Công ty TNHH một thành viên Dược phẩm T.Ư2 Cần Thơ và Công ty Dược - trang thiết bị y tế Bình Định, nên hội đồng thầu thống nhất chọn hai công ty này để... có cơ sở trả nợ. Thậm chí, hội đồng xét thầu bệnh viện còn cho trúng thầu cả sản phẩm thuốc Harxone 2g (tên cũ là Mesutyl 2g) trong đợt đấu thầu thuốc năm 2009 khi thuốc này chưa được Cục Quản lý dược cấp phép lưu hành sản phẩm. Tuy nhiên, với những sai phạm như vậy nhưng Bộ Y tế chỉ yêu cầu kiểm điểm đối với ông Đặng Quang Tâm. CHÍ QUỐC |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận