06/08/2013 08:12 GMT+7

Nguy cơ nộp phạt hàng trăm tỉ đồng

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TT - Dự án xây dựng cây cầu dây văng đẹp nhất Việt Nam - cầu Nhật Tân - đang phải đối diện với khoản bồi thường hơn 155 tỉ đồng do chậm bàn giao mặt bằng.

Hàng loạt dự án cầu đường trọng điểm khác cũng đang lâm vào tình trạng tương tự. Bộ Giao thông vận tải và chính quyền Hà Nội ngày 5-8 đã phải có cuộc họp khẩn nhằm tháo gỡ những vướng mắc từ các dự án này.

09fiqaIr.jpgPhóng to
Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đoạn qua xã Trung Giã (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) gián đoạn thi công do bị vướng 60 nhà dân nằm chính giữa tuyến. Như trong ảnh, một ngôi nhà chắn ngay trước đoạn cầu đang thi công - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Dự án quốc lộ 3 mới (đoạn Hà Nội - Thái Nguyên) vì vướng mặt bằng nên chỉ thông xe được nửa đường trên địa phận Thái Nguyên, còn một nửa đoạn qua Hà Nội đang phụ thuộc vào mặt bằng. Dự án cầu Nhật Tân đang phải thương thuyết đền bù cho nhà thầu Nhật Bản hơn 155 tỉ đồng vì chậm bàn giao mặt bằng, nhưng hiện nay vẫn tiếp tục vướng mặt bằng. Trong khi đó, tuyến đường nối cầu Nhật Tân với sân bay Nội Bài đang có nguy cơ xong cầu cũng không nối thông được với sân bay.

Dự án cầu Nhật Tân: đối mặt khoản bồi thường hơn 155 tỉ đồng

Đến thời điểm này, Bộ GTVT đang thương thuyết với nhà thầu Tokyu việc hỗ trợ nhà thầu này hơn 155 tỉ đồng (lúc đầu nhà thầu đòi bồi thường 200 tỉ đồng) do chậm bàn giao mặt bằng gói thầu số 3 xây dựng đường dẫn phía bắc của dự án xây dựng cầu Nhật Tân. Cùng với việc bồi hoàn, gói thầu số 3 phải giãn tiến độ đến tháng 5-2014 mới hoàn thành (chậm 27 tháng).

Tuy nhiên, dự án xây dựng cây cầu dây văng đẹp nhất Việt Nam vẫn đang lâm vào tình cảnh “có chân thì thiếu tay” tại nút giao Phú Thượng (gói thầu số 2 xây dựng cầu dẫn và đường dẫn phía nam, giá trị 1.300 tỉ đồng) vì đến thời điểm này vẫn còn 158 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Trước đó, gói thầu này đã hai lần mời thầu không thành do nhà thầu ngán chuyện mặt bằng nên mãi đến tháng 5-2011 mới khởi công. Qua gần chục đợt bàn giao mặt bằng nhỏ giọt, phía Hà Nội cam kết bàn giao mặt bằng trên phần đất 158 hộ dân ở đây vào tháng 4-2013 để nhà thầu xây dựng trọn vẹn nút giao hoa thị nối cầu Nhật Tân với các tuyến đường phía nam cây cầu này. Tuy nhiên, đến nay hiện trạng mặt bằng vẫn y nguyên.

“Với tình hình mặt bằng hiện tại và năng lực thi công của các nhà thầu, sẽ đảm bảo thông xe trên toàn bộ chính tuyến của dự án trong tháng 10-2014. Nhưng việc chậm trễ bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công có khả năng ảnh hưởng đến việc hoàn thành đồng bộ dự án và việc kết nối giao thông giữa tuyến cầu Nhật Tân với đường đê An Dương Vương” - ông Nguyễn Lê Minh, giám đốc dự án xây dựng cầu Nhật Tân thuộc ban quản lý dự án 85 (Bộ GTVT), cho biết. Còn trong báo cáo gửi Thủ tướng trong tuần rồi, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng đây là vướng mắc lớn nhất gây kéo dài của dự án cầu Nhật Tân. Ông Thăng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Hà Nội bàn giao mặt bằng trước tháng 9-2013 để dự án hoàn thành kịp tiến độ.

Tiếp nối với cầu Nhật Tân, dự án đường nối Nhật Tân - Nội Bài cũng đang vướng mặt bằng của 342 hộ dân thuộc huyện Sóc Sơn dù UBND TP Hà Nội đã cam kết bàn giao mặt bằng trong tháng 6-2013. Dự án được xem là tuyến đường đối ngoại chính của thủ đô trong việc đưa đón các đoàn khách ngoại giao đang lâm vào cảnh bế tắc vì mặt bằng. “Việc chậm trễ này dẫn đến nguy cơ tháng 10-2014 xong cầu Nhật Tân nhưng không nối thông được cầu Nhật Tân với sân bay Nội Bài” - Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá như vậy trong báo cáo gửi Thủ tướng.

6pbCzQuo.jpgPhóng to
Cầu Nhật Tân chậm thi công do vướng giải phóng mặt bằng - Ảnh: Nguyễn Khánh - Đồ họa: V.Cường

Chặt đôi đường vì vướng mặt bằng

Được kỳ vọng rất nhiều về việc nối thông Hà Nội - Thái Nguyên để tránh tình trạng từ Hà Nội lên Thái Nguyên mất 3 giờ cho quãng đường 75km nhưng đến ngày 13-7, quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội - Thái Nguyên (hay còn gọi là đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên) chỉ thông xe được 31km trên địa phận Thái Nguyên. Khoảng 24km trên địa phận Hà Nội dù có những đoạn đã thảm bêtông nhựa nhưng vẫn bị chặt khúc bởi mặt bằng “xôi đỗ”.

Tại thôn 1, xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội) còn vướng 150m mặt bằng do 13 hộ dân chưa nhận tiền đền bù. Còn tại xã Trung Giã (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) vướng mặt bằng ba điểm với tổng chiều dài trên 420m do 60 hộ dân phải đợi chính quyền xây dựng khu tái định cư. Đồng thời, đoạn này cũng vướng hai đường dây điện cao thế và hạ thế chưa được di dời. Như vậy sau ba năm kể từ khi khởi công dự án với nhiều đợt cam kết bàn giao mặt bằng, số phận 24km đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên còn lại vẫn phụ thuộc vào những điểm vướng mặt bằng này, trong khi thời hạn hoàn thành dự án trị giá 10.000 tỉ đồng này được Bộ GTVT ấn định là cuối năm 2013.

“Do vị trí mặt bằng còn vướng ở Trung Giã có 100m đi qua nền đất yếu nên nếu được bàn giao mặt bằng trong tháng 8-2013 thì cũng phải xin giải pháp chờ bù lún sau khi thông xe vào cuối năm. Đó là phương án tốt nhất nếu nhận được mặt bằng sớm” - một lãnh đạo ban quản lý dự án 2 (đại diện Bộ GTVT làm chủ đầu tư dự án) cho biết.

Dự án cầu Nhật Tân

Gói thầu số 3 xây dựng đường dẫn phía bắc cầu Nhật Tân có tổng chiều dài 4,6km được khởi công ngày 7-3-2009. Theo hợp đồng, việc thi công gói thầu sẽ hoàn thành sau 34 tháng kể từ ngày khởi công, hợp đồng kết thúc vào tháng 2-2012. Nhưng đến tháng 3-2012 phía Hà Nội mới giải phóng được đường điện cao thế 110kV trong phạm vi nút giao Vĩnh Ngọc. Do quá hạn hợp đồng mới giải phóng mặt bằng xong, khối lượng thi công còn nhiều nên Chính phủ đã chấp thuận đề nghị của Bộ GTVT cho gói thầu 3 được giãn tiến độ, lùi thời hạn hoàn thành vào tháng 5-2014 (chậm 27 tháng). Vì sự chậm trễ này, nhà thầu Tokyu đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư hỗ trợ thêm 200 tỉ đồng ngoài hợp đồng cho những chi phí phát sinh do phải chờ đợi mặt bằng, kéo dài hợp đồng thêm 27 tháng. Đến thời điểm này, Bộ GTVT đang thương thuyết mức hỗ trợ mà Tokyu mới đưa ra là hơn 155 tỉ đồng.

Gói thầu số 1 xây dựng cầu chính và cầu dẫn phía bắc (giá trị 10.208 tỉ đồng) thi công từ tháng 10-2009 và dự kiến hoàn thành vào tháng 10-2012 nhưng giãn tiến độ đến tháng 10-2014 mới xong (chậm 24 tháng do vướng mắc mặt bằng trước đây).

Gói thầu số 2 xây dựng cầu dẫn và đường dẫn phía nam (giá trị 1.300 tỉ đồng) sau hai lần mời thầu không thành do nhà thầu chê không có mặt bằng, đến tháng 5-2011 mới khởi công, dự kiến hoàn thành vào tháng 7-2014. Đến nay sau nhiều đợt bàn giao mặt bằng vẫn còn 158 hộ dân trong phạm vi nút giao hoa thị kết nối cầu Nhật Tân với đường An Dương Vương chưa bàn giao mặt bằng.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên