Thủ tướng đã lắng nghe và thảo luận với các chuyên gia, đồng thời nêu rõ các giải pháp của Chính phủ để tiếp tục thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.
Ngày 26-7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành trọn phiên làm việc buổi sáng để tham vấn các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế.
Phóng to |
Thủ tướng Chính phủ tham vấn các nhà khoa học, chuyên gia về tình hình kinh tế - Ảnh: V.V.Thành |
Vào đầu cuộc làm việc, ông Trương Đình Tuyển (nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại) cho biết Thủ tướng muốn lắng nghe ý kiến thẳng thắn của các chuyên gia, cả những vấn đề ngắn hạn từ nay đến cuối năm 2013 cũng như trung hạn và nhất là các kế sách để thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu nông nghiệp.
Niềm tin của nhà đầu tư chuyển biến tích cực
Theo trình bày của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Cao Viết Sinh, bức tranh kinh tế bảy tháng đầu năm 2013 đã có những điểm sáng.
Đơn cử như phát triển doanh nghiệp (DN) bước đầu có những dấu hiệu tích cực, số DN đăng ký thành lập mới bắt đầu tăng, số DN ngừng hoạt động tuy vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2012 nhưng tốc độ tăng có xu hướng giảm dần. Số DN tạm ngừng quay lại hoạt động cũng tăng dần qua từng tháng, trong bảy tháng có khoảng 10.000 DN.
Qua đó có thể thấy các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh đang dần phát huy tác dụng, niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế vĩ mô có những chuyển biến tích cực.
Ông Võ Trí Thành (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) cho rằng tình hình kinh tế vĩ mô đến nay có nhiều chỉ số được cải thiện theo hướng tốt hơn, trong đó một trong những kết quả đáng kể nhất là lạm phát bước đầu được kiềm chế.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô, ví dụ nói lạm phát được kiềm chế, chỉ số giá tăng thấp, nhưng áp lực tăng giá vẫn còn đó như tăng lương, tăng giá xăng, chuẩn bị vào đầu năm học mới.
Ông Nguyễn Đức Thành (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách) đánh giá việc thực hiện chính sách liên quan thị trường vàng bước đầu giúp tách chức năng tiền tệ ra khỏi vàng, nhưng mức độ thành công của chính sách phụ thuộc rất lớn vào bước đi tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước...
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nói đến nay cơ bản xong giai đoạn các ngân hàng thương mại tất toán vàng cho người dân, không còn quan hệ vay mượn, chuyển sang giai đoạn quan hệ mua bán, vấn đề quan trọng nhất có liên quan ở đây vẫn là ổn định giá trị đồng Việt Nam.
Xây dựng chương trình phục hồi kinh tế trung hạn
“Kinh nghiệm các nước cho thấy chỉ có phá băng tín dụng mới giúp phục hồi DN và phục hồi nền kinh tế” - ông Lê Xuân Nghĩa (nguyên phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia) nói. Ông Trương Đình Tuyển hỏi: “Với Việt Nam thì bằng cách nào?”.
Ông Nghĩa cho rằng có hai cách quan trọng là nâng tổng cầu và xử lý triệt để nợ xấu, với những DN vẫn còn nợ xấu mà không tiếp cận được vốn thì ngân hàng cần có cách xử lý linh hoạt hơn. Ông Nghĩa phân tích: “Tôi biết có DN xuất khẩu bao bì ký hợp đồng đến hết năm 2014 nhưng không vay được vốn ngân hàng, vì DN này dính vào nợ xấu trong hai dự án bất động sản.
Tình trạng này khá phổ biến với các DN nhỏ và vừa. Như vậy, với nhiều DN chỉ xấu về bất động sản, còn lĩnh vực khác là thế mạnh của họ thì cần được hỗ trợ vốn để phát triển sản xuất”.
Ông Nguyễn Đình Cung (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) đề xuất một trong những việc cần ưu tiên trong thời gian tới là đẩy mạnh cải cách, thoái vốn trong DN nhà nước.
Ông Trần Đình Thiên (viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) đề nghị Chính phủ nên tập trung tái cơ cấu vài ba tập đoàn kinh tế để làm mẫu, “hiện ta đang làm theo cách giao các tập đoàn, tổng công ty tự xây dựng đề án trình lên duyệt rồi về triển khai, tuy nhiên với nguồn lực có hạn thì không thể nào tái cơ cấu đại trà, nếu để tập đoàn tự làm thì sẽ cải lương, khó triệt để”.
Đề xuất của ông Trần Du Lịch (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) nhận được đồng tình của nhiều chuyên gia khác. Đó là kiến nghị Chính phủ xây dựng chương trình phục hồi kinh tế trung hạn (ba năm), theo đó phải kéo lãi suất trung hạn xuống, từ nay đến cuối năm 2013 phấn đấu bỏ trần lãi suất huy động.
Đối với giá các yếu tố đầu vào quan trọng như điện, xăng dầu, phân bón... và giá dịch vụ công như y tế, giáo dục cũng phải được xây dựng gói trung hạn ba năm để Chính phủ điều hành tổng thể, theo hướng loại giá nào được tăng, cái gì chưa được tăng, lộ trình điều chỉnh cụ thể ra sao, không để các bộ tự điều chỉnh theo nhu cầu quản lý nhà nước riêng của bộ mình.
Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô
Sau khi lắng nghe kỹ lưỡng cũng như thảo luận với các chuyên gia, phát biểu kết thúc cuộc tham vấn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết điều hành của Chính phủ từ nay đến cuối năm sẽ bám vào mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, không nóng vội đặt cao tăng trưởng.
Theo Thủ tướng Chính phủ, tình hình kinh tế vĩ mô có chuyển biến tốt hơn nhưng chưa thật sự vững chắc, về tăng trưởng thì quý sau cao hơn quý trước nhưng vẫn còn khó khăn, nông nghiệp đang chững lại, sản xuất công nghiệp có tăng nhưng chưa cao.
Thủ tướng nhấn mạnh việc xử lý những vấn đề kinh tế trước mắt phải gắn bó chặt chẽ, thực hiện đồng thời với những giải pháp tái cơ cấu căn cơ lâu dài. Trong thực hiện tái cơ cấu có hai vấn đề quan trọng là đổi mới tư duy và tạo đột phá về xây dựng đồng bộ thể chế.
Thủ tướng cũng khẳng định cổ phần hóa là chủ trương và giải pháp cơ bản, quan trọng nhất trong sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DN Nhà nước, tiếp tục bán cổ phần nhà nước tại các DN không cần vốn nhà nước chi phối.
Thủ tướng cho rằng một vấn đề lớn hiện nay là thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đề án chung đã được phê duyệt, nay phải triển khai cụ thể.
Từ nay đến cuối năm 2013, chính sách tín dụng phải ưu tiên mạnh cho nông nghiệp và xuất khẩu. Thủ tướng cũng đặt hàng các chuyên gia xây dựng đề án về các vấn đề liên quan đến việc Việt Nam đàm phán TPP, đánh giá tác động cũng như đề ra giải pháp để đất nước hội nhập sâu hơn, đảm bảo lợi ích tốt hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận