25/07/2013 10:19 GMT+7

Kinh tế, thương mại là trọng tâm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ

ĐÀ TRANG (từ Washington D.C)
ĐÀ TRANG (từ Washington D.C)

TT - Đó là khẳng định của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong buổi tiếp Bộ trưởng thương mại Penny Pritzker, Bộ trưởng nông nghiệp Tom Vilsack và đại diện thương mại Michael Froman trong ngày làm việc chính thức đầu tiên tại Hoa Kỳ hôm qua.

Chủ tịch nước khẳng định kinh tế, thương mại chính vừa là nền tảng, vừa là động lực cho quan hệ hai bên. Hoa Kỳ hiện là đối tác kinh tế hàng đầu của VN.

qM3tFysX.jpgPhóng to
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Bộ trưởng thương mại Hoa Kỳ Penny Pritzker đến chào - Ảnh: TTXVN

Từ năm 2005 đến nay, Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN. Kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng trong những năm gần đây, tính đến tháng 5-2013 đạt hơn 11 tỉ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại buổi gặp, Chủ tịch nước đề nghị Hoa Kỳ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho VN và đưa VN vào danh sách các nước đang phát triển; tiếp tục mở cửa thị trường hàng hóa, hạn chế rào cản thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu của VN.

Nhập khẩu trở lại nội tạng trắng

Đề cập vấn đề lâu nay Hoa Kỳ rất quan tâm là việc VN nhập khẩu trở lại nội tạng trắng đông lạnh (cách đây hơn hai năm, VN cấm nhập với lý do bảo vệ người tiêu dùng trong nước trước tình trạng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của các sản phẩm lòng, tràng, dạ dày... động vật - PV), tại buổi tiếp Bộ trưởng Tom Vilsack, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói: “Tôi xin vui mừng thông báo: VN sẽ chính thức mở cửa trở lại đối với mặt hàng nội tạng trắng đông lạnh từ ngày 1-9 năm nay”.

Các bộ trưởng Hoa Kỳ đều cho rằng chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có ý nghĩa rất quan trọng trong sự phát triển quan hệ hai nước. Bộ trưởng thương mại Pritzker và đại diện thương mại Froman nhấn mạnh quyết tâm của Chính phủ Hoa Kỳ, cùng với các thành viên khác, đẩy nhanh tiến trình đàm phán để có thể sớm hoàn tất Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bộ trưởng nông nghiệp Tom Vilsack bày tỏ cá nhân ông có sự tôn trọng lớn đối với đức tính cần cù của người VN. Ông cũng ấn tượng với thành tựu phát triển kinh tế, nhất là nông nghiệp của VN. “Chúng tôi đánh giá cao việc VN mở cửa thị trường cho hàng hóa Hoa Kỳ vào VN” - Bộ trưởng Tom Vilsack nói.

Nhập khẩu thêm trái cây VN

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát gặp Bộ trưởng nông nghiệp Hoa Kỳ Tom Vilsack trao đổi nhiều vấn đề thúc đẩy hợp tác trong nông nghiệp. Hai bên thống nhất sẽ có các thỏa thuận cụ thể hóa đối với hai lĩnh vực khoa học công nghệ và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời thống nhất phối hợp xử lý những vấn đề còn tồn tại. “Phía Hoa Kỳ công bố một số loại trái cây nhiệt đới VN như vải, nhãn sẽ sớm được nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ và tiếp tục xem xét những mặt hàng nông sản khác. Việc xây dựng một hiệp định khung về hợp tác nông nghiệp cấp chính phủ đang được hai bên xúc tiến” - Bộ trưởng Cao Đức Phát nói với báo giới sau cuộc gặp.

Theo Bộ trưởng Phát, phía VN đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục mở cửa thị trường cho hàng nông sản VN. Trước mắt sớm cho phép nhập khẩu bốn loại trái cây đã hoàn tất thủ tục liên quan. Ngoài vải, nhãn là vú sữa và xoài. Phía VN cũng đã nêu rất cụ thể vấn đề liên quan các vụ kiện bán phá giá, chống trợ cấp. Theo đó, mức độ và tần suất các vụ việc này quá lớn, trong đó có các vụ việc đối với cá tra, tôm ảnh hưởng tiêu cực tới nông dân. Đó không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề xã hội, công ăn việc làm... Hoa Kỳ cần đánh giá kỹ thông tin, bằng chứng trong quá trình điều tra để đưa ra quyết định công bằng, phù hợp quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Phía Hoa Kỳ cho biết sẽ ghi nhận giải quyết vấn đề này.

Ngày làm việc đầu tiên tại Hoa Kỳ (24-7 theo giờ Mỹ) của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang diễn ra dồn dập với mười hoạt động nối nhau liên tiếp. Đêm qua và rạng sáng nay theo giờ VN, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự chiêu đãi chào mừng của Chính phủ Hoa Kỳ do Ngoại trưởng John Kerry chủ trì, gặp Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim và giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Christine Lagarde, gặp gỡ các nghị sĩ thượng viện và hạ viện, dự bàn tròn với doanh nghiệp Hoa Kỳ...

Charles Bailey: đề cập tới người khuyết tật trong đối thoại

Ông Charles Bailey, giám đốc chương trình chất độc da cam Việt Nam ở Viện Aspen, đã kêu gọi hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ - Việt Nam lưu ý vấn đề hỗ trợ người khuyết tật trong đối thoại. “Hậu quả của dioxin trong chất độc da cam vẫn là chủ đề tranh cãi. Tuy vậy, các trao đổi về vấn đề này đã tiến triển trong thời gian gần đây từ chỗ là quan điểm đối lập sang hợp tác tích cực hơn; từ thiếu hiểu biết sang rõ ràng và cụ thể hơn; từ tội lỗi chuyển sang trách nhiệm chung về hành động nhân đạo” - ông Bailey, cựu giám đốc Quỹ Ford tại Việt Nam, viết trên tờ Huffington Post.

Theo ông Bailey, bảy năm sau khi cựu tổng thống Bush và nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết lần đầu đưa ra tuyên bố chung về dioxin, tuyên bố đó đã mở cửa cho hai bên hợp tác với nhau trong việc đo đạc, kiểm soát và giờ là giải quyết vấn đề dioxin ở sân bay Đà Nẵng. “Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong ngày thứ năm là cơ hội cho lần đột phá thứ hai, lần này là cho những người khuyết tật”. Theo ông, hỗ trợ nhân đạo của Hoa Kỳ trong vài năm vừa qua đã giúp những người khuyết tật Việt Nam (không phân biệt nguyên nhân từ đâu), giúp xây dựng khuôn khổ pháp luật và thể chế cho các hợp tác dài hạn. Tiến bộ sẽ đạt được nhanh hơn nếu vấn đề người khuyết tật được đề cập trong thỏa thuận giữa hai bên.

THANH TUẤN

ĐÀ TRANG (từ Washington D.C)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên