11/07/2013 08:35 GMT+7

Cướp giật lộng hành: giải quyết như Đà Nẵng được không?

Q.THANH - M.HƯƠNG
Q.THANH - M.HƯƠNG

TT - Sáng 10-7, kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM khai mạc với chương trình làm việc trong ba ngày rưỡi. Dự phiên khai mạc có hai ủy viên Bộ Chính trị: bà Nguyễn Thị Kim Ngân - phó chủ tịch Quốc hội và ông Lê Thanh Hải - bí thư Thành ủy TP.HCM.

L5lIlFXq.jpgPhóng to
Ủy viên Bộ Chính trị - Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (giữa) và Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải (bìa trái) trao đổi cùng các đại biểu tại phiên khai mạc sáng 10-7 - Ảnh: Minh Đức

Phát biểu tại phiên khai mạc, bà Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận những nỗ lực chung của TP.HCM đã mang lại nhiều kết quả kinh tế - xã hội trong sáu tháng đầu năm nay. Theo đó, tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) đạt 7,9%, tăng 1,6 lần so với cả nước; thu ngân sách đạt 45,17% dự toán... cùng với các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội được triển khai hiệu quả.

Tránh áp lực cho dân quá nhiều

Tại kỳ họp lần này, UBND TP đã quyết định rút lại tờ trình đề nghị HĐND TP xem xét cho tăng viện phí như dự kiến trước đó (ước tính tỉ lệ tăng bình quân trên tổng số các dịch vụ kỹ thuật y tế là 149% - 1,49 lần). Như vậy cho đến nay, TP.HCM là địa phương duy nhất trong cả nước chưa tăng viện phí theo thông tư liên tịch số 04 của Bộ Y tế - Bộ Tài chính (năm 2012) quy định mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước.

Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề kỳ họp về việc vì sao tờ trình tăng viện phí phải rút lại ở “phút 89”, Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận cho biết lúc đầu UBND TP dự kiến trình HĐND TP điều chỉnh tăng học phí và viện phí, nhưng sau khi cân nhắc nếu đưa cả hai ra thông qua HĐND TP tại kỳ họp lần này và áp dụng thì áp lực lên cuộc sống của người dân quá nhiều. Theo ông Thuận, UBND TP sẽ đề xuất tăng viện phí và áp dụng từ năm 2014, đồng thời sẽ đưa ra lộ trình tăng mỗi năm khoảng 10% và đến năm 2016 mới thu đạt mức cao nhất của khung giá quy định tại thông tư 04.

Theo Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm, học phí hay viện phí đều phủ khá rộng đối với đời sống xã hội, nên nếu xem xét tăng cùng lúc hai loại này thì thấy băn khoăn, có thể tạo nên tâm lý xã hội không tốt trong lúc đời sống còn khó khăn.

Cướp giật lộng hành: giải quyết như Đà Nẵng được không?

Chiều cùng ngày, HĐND TP.HCM đã thảo luận tại tổ về các báo cáo và tờ trình của UBND TP. Theo đại biểu Lâm Đình Chiến, tăng trưởng GDP sáu tháng đầu năm của TP.HCM đạt 7,9%, như vậy chỉ tiêu cả năm 9,5% sẽ rất khó đạt được. Ông Chiến phân tích: “Với kết quả 7,9% so với chỉ tiêu cả năm thì sáu tháng còn lại phải phấn đấu đến 11,2%, điều này gần như là bất khả thi. Tình hình dự báo còn rất nhiều khó khăn nhưng nhìn lại các giải pháp quan trọng, tôi chưa thấy có giải pháp nào thật sự đặc thù để đạt được chỉ số này. Giải pháp hiện nay cũng bình bình như sáu tháng đầu năm”. Ông Chiến đề nghị UBND TP phải dự báo sát và cung cấp giải pháp cụ thể hơn để đạt được 11,2% này.

Đại biểu Trần Trọng Dũng băn khoăn: “Gói tín dụng 30.000 tỉ đồng đã được thông qua từ lâu, vậy mà đến nay chỉ có vài hộ dân được vay, trong khi đó số doanh nghiệp được giải ngân để xây nhà ở xã hội lại nhiều hơn. Đó là một nghịch lý”. Đại biểu Dũng còn đưa ra một vấn đề nữa đáng quan tâm là việc thu hút đầu tư tại các khu công nghiệp - khu chế xuất: “Đầu tư của các đơn vị trong nước vào khu công nghiệp - khu chế xuất đã giảm 63,48% trong khi đầu tư nước ngoài vẫn tăng. Tôi thấy giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đã đề ra nhưng giải pháp kêu gọi và thu hút doanh nghiệp trong nước mạnh dạn đầu tư còn chưa rõ”.

Bức xúc trước tình trạng cướp giật lộng hành, đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết đặt vấn đề: “Chính quyền Đà Nẵng đã từng đặt những mục tiêu cụ thể: chẳng hạn như trong năm này toàn TP không còn ăn xin, không có cướp giật... Vậy TP.HCM có thể làm như thế không? Nếu sáu tháng cuối năm không làm được thì sang năm có được không? Nếu làm toàn TP.HCM chưa được thì có nên khoanh vùng từng khu vực trọng điểm, đặt ra mục tiêu rồi quyết tâm làm không? Tôi muốn hỏi là liệu chúng ta có làm không, hay chúng ta cho là tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội như vậy là được rồi? Rồi trật tự an toàn giao thông, báo cáo vẫn nói là “diễn biến phức tạp” nhưng xuống phần giải pháp thì không thấy nhắc đến”.

Tăng học phí phải chú ý đến các gia đình khó khăn

Nhìn chung các ý kiến thảo luận ở tổ đều đồng tình với các tờ trình của UBND TP, trong đó nhiều ý kiến đề nghị lưu ý các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, nhất là đối với người nghèo khi tăng học phí trong năm học 2013-2014. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Công Hùng - trưởng Ban văn hóa xã hội HĐND TP - nói rằng con em của các hộ nghèo và cận nghèo đều được đến trường, chỉ có các hộ nghèo không có hộ khẩu hoặc KT3 ở TP thì TP sẽ cố gắng vận động các tổ chức chính trị - xã hội, các quỹ học bổng... để tạo điều kiện cho các cháu đến trường. Nhưng theo ông Hùng, diện này không cao.

Đại biểu Trần Trọng Dũng bày tỏ: “Đồng ý là tăng học phí nhưng phải tính toán cách làm và xác định lộ trình tăng như thế nào. Quận 8 là quận hiện có gần 3.800 hộ nghèo, chiếm 10% hộ nghèo toàn TP, mức thu ngân sách của quận cũng thấp nhất TP. Tôi cho rằng nếu xếp quận 8 vào nhóm các quận nội thành với mức tăng học phí cao hơn là chưa hợp lý”. Ông Dũng nói thêm: “Chi phí cho một em nhỏ đi học, theo chúng tôi khảo sát là khoảng 170.000 đồng/ tháng chứ không phải 75.000 đồng như con số của Cục Thống kê đưa ra. Nếu lần này ta thông qua tờ trình về học phí, trong khi chỉ còn hơn một tháng nữa là khai trường thì người nghèo sẽ rất khó. 150.000 đồng/tháng cho con đi học nhà trẻ không phải là ít, mà người nghèo thường lại đông con”.

Hôm nay (11-7) kỳ họp bước vào ngày làm việc thứ hai với các trọng tâm thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm 16 chức danh do HĐND TP bầu và làm công tác nhân sự.

Người dân rất khổ

“Ô nhiễm môi trường, triều cường, ngập lụt nhiều nơi, người dân rất khổ. Giờ mình giải quyết sao đây chứ bản thân chúng tôi mỗi lần đi tiếp xúc cử tri không biết trả lời như thế nào với dân” - đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung bức xúc. Bà dẫn chứng: “Chuyện nhà xây trái phép, không phải xây một vài ngày là xong, vậy địa phương có biết không? Hàng trăm căn nhà đã xây trái phép, giờ tháo dỡ hết sẽ gây tốn kém lắm, thiệt hại rất lớn cho người dân nghèo”, đại biểu Nhung nói và đặt vấn đề: “Có phải do chúng ta chưa có quy hoạch cụ thể hay không? Nếu chúng ta quy hoạch rõ ràng, tạo được quỹ đất phù hợp thì sẽ hạn chế được rất nhiều tình trạng mua đất nông nghiệp rồi tự xây dựng nhà ở như thế”.

Q.THANH - M.HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên