Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: sau một tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, kỳ họp thứ 5 của Quốc hội đã kết thúc, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Không điều chỉnh đất nông nghiệp
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm phản ánh chân thực tình hình đất nước Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của mình, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được tiến hành theo quy trình dân chủ, công khai, minh bạch để công luận và đồng bào, cử tri cả nước theo dõi, giám sát. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã phản ánh chân thực tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và các hoạt động tư pháp của đất nước. |
Chưa thông qua dự án Luật đất đai (sửa đổi) như dự kiến ban đầu do phải chờ Quốc hội xem xét thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vào cuối năm nay, Quốc hội đã ban hành “Nghị quyết kéo dài thời hạn sử dụng đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân”. Theo đó, cho phép người đang sử dụng đất nông nghiệp tiếp tục sử dụng ổn định đến khi Quốc hội có quyết định mới.
“Khi hết thời hạn sử dụng, Nhà nước không điều chỉnh lại đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối đã giao cho hộ gia đình, cá nhân theo Luật đất đai hiện hành. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối được tiếp tục sử dụng đất đến khi Luật đất đai (sửa đổi) được ban hành và có hiệu lực. Khi đó thời hạn sử dụng đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân áp dụng theo quy định của Luật đất đai (sửa đổi)” - Quốc hội quyết nghị.
Theo “Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5” được thông qua tại phiên bế mạc, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn: “Tiếp tục hoàn thiện tổ chức và quy trình sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, từ giống đến sản xuất, chế biến, lưu thông, phân phối trên thị trường, tiêu thụ nông sản, thủy sản, ổn định giá mua lúa; kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất kinh doanh phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và các vật tư nông nghiệp khác; khắc phục tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thực phẩm không an toàn; thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bao gồm đầu tư công, tín dụng, bảo hiểm, thuế và các lĩnh vực khác, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả; đặc biệt quan tâm đến chính sách cho ngư dân vùng biển gắn với chiến lược biển”.
Điều chỉnh tiền lương theo lộ trình
Đối với lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội, Quốc hội yêu cầu: “Quản lý doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị quản lý trong nước, đơn vị sử dụng lao động ngoài nước và người lao động. Cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về chính sách, chế độ, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của người lao động. Nghiên cứu, xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, nhất là các thị trường ổn định, chi phí thấp, quyền lợi của người lao động được bảo đảm; ưu tiên lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, ở vùng sâu vùng xa”.
“Thực hiện tốt chính sách, pháp luật về an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo; bổ sung, sửa đổi chính sách, chương trình mục tiêu chưa phù hợp. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo, góp phần rút ngắn khoảng cách giàu nghèo. Tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh lương tối thiểu theo quy định của pháp luật về lao động” - nghị quyết nêu rõ.
Siết chặt quản lý vốn trái phiếu chính phủ
Cũng trong chiều qua, Quốc hội đã thông qua “Nghị quyết việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012”. Đây là nghị quyết được ban hành sau khi Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề về lĩnh vực này.
Quốc hội đánh giá: “Việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012 có mặt, có việc còn chưa nghiêm, hiệu quả đầu tư chưa cao, để xảy ra lãng phí, thất thoát. Việc mở rộng phạm vi đầu tư, bổ sung nhiều mục tiêu đã làm tăng số lượng dự án và tổng mức đầu tư; phê duyệt nhiều dự án không tính đến khả năng cân đối vốn ở nhiều bộ, ngành, địa phương; công tác khảo sát, thiết kế, dự toán, thẩm định và tổ chức thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán còn nhiều tồn tại dẫn đến nhiều công trình, dự án chậm tiến độ, dở dang, lãng phí”.
Quốc hội yêu cầu: “Việc phát hành thêm vốn trái phiếu chính phủ cho một số công trình quan trọng, cấp bách, Chính phủ xem xét thận trọng, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia trình Quốc hội quyết định. Tiếp tục rà soát dự án đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ, kiên quyết không bố trí vốn cho phần điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư không phù hợp với nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ... Kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với các sai phạm trong quản lý và sử dụng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2006-2012, báo cáo kết quả với Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu. Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra các công trình, dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ có biểu hiện thất thoát, lãng phí. Kiểm toán Nhà nước bổ sung kế hoạch kiểm toán năm 2013 và các năm tiếp theo để tiến hành kiểm toán toàn diện chương trình trái phiếu chính phủ và báo cáo kết quả với Quốc hội”.
Phóng to |
Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM): Sự ngộ độc mãn tính có thể đã, đang và sẽ âm thầm diễn ra qua từng bữa ăn hằng ngày của chúng ta - Ảnh: Việt Dũng |
Thảo luận về dự án Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật sáng 21-6, đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) cho hay tuy chưa có nghiên cứu đầy đủ nào về mối liên quan giữa việc sử dụng hóa chất tràn lan với sự gia tăng nhanh chóng của tỉ lệ bệnh nhân ung thư ở Việt Nam, nhưng mối lo lắng về sự an nguy đối với sức khỏe giống nòi vẫn luôn luôn hiện hữu.
“Cùng với việc xây dựng Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật, tôi đề nghị Quốc hội cần sớm nghiên cứu sửa đổi Luật hóa chất để có biện pháp kiểm soát thật chặt chẽ thị trường hóa chất đang bị thả nổi như hiện nay, khi hóa chất đủ các loại, trong đó có nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc bảo vệ thực vật độc hại, ngoài danh mục, các phụ gia thực phẩm không an toàn có thể được mua bán dễ dàng và vô điều kiện như mua bán bánh kẹo ngoài chợ. Sự ngộ độc mãn tính có thể đã, đang và sẽ âm thầm diễn ra qua từng bữa ăn hằng ngày của chúng ta trước sự thờ ơ, lỏng lẻo của luật pháp và có khi của chính chúng ta” - đại biểu Trang nói.
Dự án Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật sẽ tiếp tục được Quốc hội xem xét tại kỳ họp cuối năm nay.
V.V.Thành
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận