19/06/2013 08:50 GMT+7

Đồng nghiệp bàng hoàng trước cái chết của 4 thợ lặn

NGUYÊN LINH
NGUYÊN LINH

TT - Đến 20g ngày 18-6, thi thể nạn nhân thứ tư là anh Văn Công Thang (32 tuổi, trú Đồng Tháp) vẫn chìm sâu dưới khoang tàu.

Trục vớt tàu Malaysia, 4 thợ lặn ngạt khí độc chết tại khoang

Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phong tỏa hiện trường, đình chỉ hoạt động trục vớt tàu gặp nạn và di tản toàn bộ công nhân ra khỏi khu vực để tránh khí độc.

ey8ITnkz.jpgPhóng to
Hiện trường chiếc tàu - nơi bốn thợ lặn thiệt mạng - Ảnh: Nguyên Linh
TnkQqmAb.jpgPhóng to
Anh Phan Thanh Sự (trú ở Hồng Ngự, Đồng Tháp), một trong bốn người bị ngạt thở đã may mắn được đưa ra khỏi hầm tàu - Ảnh: NG.LINH

Hiện trường nơi bốn thợ lặn tử nạn là khoang ballast - phần đầu của tàu Onnekas One (quốc tịch Malaysia) gặp nạn tại vùng biển Thừa Thiên - Huế vào tháng 12-2012.

Sau khi gặp nạn, chủ tàu Onnekas One đã hợp đồng thuê Công ty TNHH một thành viên đóng tàu Sài Gòn trục vớt, sau đó Công ty TNHH một thành viên đóng tàu Sài Gòn thuê lại Công ty TNHH Trục vớt Long An thực hiện.

Có mặt tại bờ biển xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang, chúng tôi gặp anh Phan Thanh Sự (39 tuổi, trú huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) - một trong bốn người may mắn thoát chết.

Chưa khỏi bàng hoàng, anh Sự kể trưa 18-6, anh đang ngồi ở sà lan để thả dây thì nghe tiếng kêu cứu rất lớn phát ra từ trong boong tàu gặp nạn. Bốn thợ lặn bị mắc kẹt, ngạt thở dưới khoang ballast.

“Khi nghe tiếng kêu cứu, tôi và một số anh em đứng bên ngoài tàu chạy đến. Lập tức tôi đeo kính, ngậm ống thở oxy bò xuống khoang tàu ứng cứu kéo anh em mắc nạn ở dưới khoang lên. Khi lặn xuống thì gặp một thi thể, tôi cột dây vào thi thể này để anh em ở phía trên kéo lên, vừa cột xong thì thấy khó thở. Tôi cố bám dây bò lên gần đến miệng khoang tàu thì ngất lịm và hai giờ sau mới tỉnh lại trong bệnh viện” - anh Sự kể.

Anh Nguyễn Tấn Dân - một trong số những người tham gia cứu nạn may mắn được cấp cứu kịp thời - cho biết nhóm thợ lặn của Công ty TNHH Trục vớt Long An đang bơm nước từ khoang chiếc tàu gặp nạn bị chìm ra bên ngoài thì bơm gặp sự cố. Thợ lặn Võ Văn Thuận (38 tuổi, Đồng Tháp) nhảy xuống khoang ballast kiểm tra vòi bơm thì bị ngạt thở, la thét vẫy vùng.

Nghe tiếng anh Thuận kêu cứu, anh Văn Công Thang (32 tuổi, trú Đồng Tháp) lập tức nhảy xuống khoang tàu để ứng cứu và cũng bị ngạt khí độc. Tiếp đó, anh Phan Văn Mạnh (39 tuổi, trú huyện Bến Lức, Long An) và Phan Văn Hiệp (19 tuổi, trú tỉnh Tiền Giang) cùng nhảy xuống khoang ứng cứu và đều tử vong.

Lúc này nhiều công nhân, thợ lặn ở trên khoang tàu thay nhau mang kính, ngậm ống thở oxy nhảy xuống khoang tàu để cứu nạn, vớt thi thể các thợ lặn.

Đến 14g cùng ngày, thi thể ba thợ lặn xấu số đã được đưa lên bờ chuyển về cảng Thuận An khám nghiệm. Bốn công nhân bị ngạt thở may mắn được đưa đi cấp cứu kịp thời đã qua khỏi cơn nguy kịch, sức khỏe dần ổn định.

Nhận được tin báo, lãnh đạo tỉnh, lực lượng công an và bộ đội biên phòng tỉnh đã có mặt tại hiện trường. Ông Phan Ngọc Thọ, phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, trực tiếp chỉ đạo đình chỉ việc trục vớt tàu, phong tỏa hiện trường, đồng thời kiểm tra khí độc gây chết người.

Tuy nhiên đến cuối ngày, công tác kiểm tra khí độc vẫn chưa thể triển khai vì tỉnh không có thiết bị chuyên dụng đo khí độc.

Trong khi đó đại tá Phạm Văn Đức, phó giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết những thợ lặn thiệt mạng khi lặn xuống khoang tàu đã không mang thiết bị bảo hộ lao động như kính hay ống thở oxy dẫn đến nhiễm phải khí độc ở dưới khoang.

Ông Nguyễn Hữu Phú, đại diện Công ty TNHH một thành viên đóng tàu Sài Gòn, nói trước mắt công ty hỗ trợ mỗi nạn nhân thiệt mạng 50 triệu đồng. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ mỗi người chết 4 triệu đồng.

NGUYÊN LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên