Xem toàn bộ nội dung họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII
Bị đánh giá là quốc nạn, diễn ra ở khắp mọi nơi, nhưng điều trớ trêu là chưa thấy ai bị xử lý vì tội lãng phí. Các đại biểu Quốc hội đã yêu cầu đưa vào dự luật các quy định chế tài mạnh mẽ, buộc người gây ra lãng phí phải bỏ tiền túi để đền, thậm chí phải bị xử lý hình sự.
Phóng to |
Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) - Ảnh: V.Dũng |
Nhìn đâu cũng thấy lãng phí
“Hiện trạng lãng phí ở nước ta hiện nay thật ra không kém gì tham nhũng, nhưng dường như quyết tâm chính trị, quyết tâm xây dựng một hành lang pháp lý đầy đủ nhằm tăng cường trách nhiệm và nhận thức của người đứng đầu, cũng như cán bộ công chức và những chế tài thì chưa được quan tâm đúng mức” - thiếu tướng Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận) nhận xét.
Theo ông Kỳ, quan sát hằng ngày thì nhìn đâu cũng thấy lãng phí: lễ khởi công, khánh thành tổ chức linh đình; lễ hội cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp thôn tổ chức rình rang, đình đám; gần đây lại thêm hội chứng festival...
“Bây giờ có những hội nghị mà Chính phủ triệu tập cả nước mỗi tỉnh khoảng trên, dưới năm chức danh tập trung họp một ngày, có khi là một buổi, trong khi mạng lưới trực tuyến chúng ta đã có, những hội nghị như thế này chi phí bao nhiêu?” - ông Kỳ cho ví dụ.
“Trong nhiều trường hợp yếu tố thời gian quan trọng hơn tiền bạc nhưng chúng ta lại ít quan tâm” - đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) bổ sung. Ông phân tích: “Ví dụ trong xây dựng cơ bản, nhiều công trình có thể thi công ba ca để rút ngắn thời gian mang lại hiệu quả nhưng trong quy chế đấu thầu chúng ta không xem là điều kiện quan trọng. Do quá chú trọng đến yếu tố giá cả nên xảy ra tình trạng bỏ thầu thấp để được dự án, sau đó kéo dài thi công, xin điều chỉnh mức kinh phí. Trong lĩnh vực hành chính nhà nước, tình trạng quan liêu về thủ tục khiến nhiều dự án gác lại, kéo dài thời gian làm mất cơ hội, đây là hình thức khá phổ biến nhưng chưa được quan tâm”.
"Các đồng chí đi nước ngoài mà xem, có muốn lãng phí cũng không được, họ thiết kế các chế tài, công nghệ của họ là không thể lãng phí được. Nhưng ta thì lãng phí thoải mái, lãng phí rất dễ, không ngăn ngừa được. Chống lãng phí của ta trong dự luật này chủ yếu là khuyến khích động viên và cổ vũ, chưa xử phạt ai, chưa bắt ai, chưa truy tố ai" Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) |
Nhìn ở một góc độ khác, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) nêu: “Các dự án bất động sản, các nhà máy, bến cảng, trường đại học, cao đẳng và nhiều lĩnh vực khác đang phát triển theo phong trào và quy mô không gắn với chất lượng, không cân đối cung cầu xã hội, cung cầu nguồn nhân lực, gây lãng phí rất lớn... Thời gian qua do chúng ta chưa coi trọng đúng mức việc này, để xảy ra hậu quả khá nặng nề, chưa kiểm soát được những đối tượng cơ hội, lợi ích nhóm”.
Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) chỉ rõ: “Bức tranh ảm đạm của các khu đô thị bỏ hoang, đô thị ma, đó chính là thực trạng lãng phí nghiêm trọng nhất hiện nay. Sự lãng phí này đều bắt nguồn từ người quyết định quy hoạch, quyết định đầu tư sai trái và không ít trường hợp đằng sau đó là những động cơ vụ lợi nhưng luật pháp hiện hành chưa bóc tách được, chưa cụ thể hóa được trách nhiệm của cá nhân gây ra sự lãng phí”.
Gây lãng phí, phải đền
Theo đại biểu Cao Thị Xuân, để xảy ra lãng phí thì “thực chất là ý chí của cá nhân ai đó chính nhưng khi hậu quả xảy ra lại được núp bóng an toàn trong các chủ trương của tập thể hoặc vô can vì pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đang còn quy định rất chung chung. Việc sửa đổi, bổ sung lần này phải quy định cho được trách nhiệm cá nhân, ai để xảy ra lãng phí, thất thoát thì phải bị truy cứu trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự và thậm chí trách nhiệm hình sự”.
Đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) cho rằng cần quy định một chương riêng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong ban hành cơ chế chính sách, trong đó đặc biệt quan tâm đến trách nhiệm người đứng đầu, cơ quan soạn thảo tham mưu đề xuất và cơ quan có thẩm quyền ban hành.
“Phải có quy định cụ thể nhằm định lượng mức độ vi phạm, nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng thì truy cứu trách nhiệm hình sự. Bởi lẽ, nếu cơ chế chính sách khi ban hành không phù hợp thì quá trình triển khai thực hiện sẽ gây lãng phí rất lớn, có trường hợp không lượng hóa được làm ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của người dân cũng như quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” - ông Lâm phân tích.
Điểm nghẽn: chế độ, định mức, tiêu chuẩn
Đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) nói: “Trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì yếu tố quan trọng để có cơ sở thực hiện và làm căn cứ giám sát việc thực hiện là quy định các định mức tiêu chuẩn, chế độ cụ thể rõ ràng. Vì hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ là trọng tâm của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. Ông Tấn đề nghị bổ sung vào dự án luật quy định chế tài đối với người có thẩm quyền, có hành vi không tuân thủ, không ban hành, chậm ban hành hoặc cố tình ban hành định mức, tiêu chuẩn, chế độ không đảm bảo tính khoa học, không phù hợp với thực tiễn hoặc bất hợp lý nhưng vẫn được áp dụng trong một thời gian dài, gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân thực hiện.
Cho rằng hệ thống định mức, tiêu chuẩn, chế độ đang là “điểm nghẽn trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) phân tích: “Đây là vấn đề rất là quan trọng, là căn cứ, là tiêu chuẩn để đánh giá một hoạt động là tiết kiệm hay không tiết kiệm, lãng phí hay không lãng phí. Bên cạnh đó, định mức, chế độ tiêu chuẩn phải phù hợp với thực tiễn, nếu không phù hợp, không sát thực tiễn thì trong nhiều trường hợp lại gây tác động ngược, tác động tiêu cực, gây cản trở cho sự phát triển và gây ra sự lãng phí vì cơ quan tổ chức, đơn vị muốn thực hiện nhiệm vụ của mình thì phải hợp thức hóa giấy tờ, có khi phải gian dối.
“Chúng tôi nhận thấy luật hiện hành của chúng ta chưa có các quy định để giải quyết, hạn chế những bất cập này. Cụ thể là chưa có quy định xử lý trách nhiệm của những người có thẩm quyền trong việc không ban hành hoặc chậm ban hành các quy định về định mức chế độ tiêu chuẩn, hoặc chậm ban hành các quy định về việc sửa đổi các định mức chế độ tiêu chuẩn chưa phù hợp với quy định, chưa phù hợp với thực tiễn” - ông Cường đề nghị.
Đồng ý nghiên cứu thí điểm chính quyền đô thị Sáng 18-6, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014. Theo đó, Quốc hội quyết định không lùi thời hạn thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 mà vẫn đặt mục tiêu thông qua vào cuối năm nay. Giải thích về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng công tác chuẩn bị dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vẫn đang được triển khai đúng tiến độ. Hơn nữa, nếu lùi thời điểm thông qua Hiến pháp sẽ ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng nhiều dự án luật có liên quan đến các quy định trong Hiến pháp. Quốc hội đã đồng ý với đề xuất của đại biểu tỉnh Quảng Ninh, cho phép xây dựng luật về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để thể chế hóa quy định của Hiến pháp. Quốc hội cũng đồng ý với đề xuất của TP.HCM, đưa vào chương trình nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm chính quyền đô thị, giao cho Chính phủ nghiên cứu xây dựng đề án này trên cơ sở đề án của TP.HCM. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận