15/06/2013 08:10 GMT+7

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Câu hỏi rất khó và rất lớn "

VÕ VĂN THÀNH
VÕ VĂN THÀNH

TT - Đăng đàn cuối cùng trong phiên chất vấn của Quốc hội chiều 14-6, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời nhiều câu hỏi “nóng” của các vị đại biểu về giải pháp đột phá trong tăng trưởng kinh tế, tình hình tái cơ cấu Vinashin và Vinalines, hiệu quả hai dự án bôxit ở Tây nguyên...

* Nói “tôi nhận trách nhiệm” phải có giải pháp đi kèm * Sửa luật để xử nghiêm tội tham nhũng

kuzCs5IU.jpgPhóng to
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Vinashin còn lỗ rất nặng" - Ảnh: Việt Dũng
jWl71QL1.jpgPhóng to
Hàng trên từ trái qua: đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM), Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị). Hàng dưới từ trái qua: Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh), Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trong phiên chất vấn tại Quốc hội ngày 14-6 - Ảnh: VIỆT DŨNG

Mỗi tháng bơm thêm 40.000 tỉ đồng

Trình bày báo cáo bổ sung của Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng đến cuối năm 2013 là 12%, bình quân hằng tháng sẽ có thêm khoảng 40.000 tỉ đồng vốn tín dụng cho nền kinh tế. Khẩn trương đưa Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam đi vào hoạt động để tập trung xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có tỉ lệ nợ xấu cao (trên 3%). Hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức tín dụng thành lập công ty quản lý tài sản của mình để xử lý nợ xấu. Phấn đấu đến cuối năm sẽ xử lý được khoảng 105.000 tỉ đồng nợ xấu, đưa tỉ lệ nợ xấu về mức an toàn vào năm 2015.

Liên quan đến thị trường bất động sản, phấn đấu đến hết năm 2013 giải ngân được 15.000-20.000 tỉ đồng. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo bước chuyển mạnh mẽ hơn trong việc giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội.

* Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị): Vinashin, Vinalines vẫn gam màu tối, các doanh nghiệp này bàn giao lại cho đất nước món nợ xấu khổng lồ, nhiều con tàu, ụ tàu là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép. Xin Phó thủ tướng cho biết kết quả tái cơ cấu các doanh nghiệp này, hiệu quả đến đâu và có đạt theo lộ trình không? Phó thủ tướng đưa ra thông điệp vui hay không vui, bi quan hay lạc quan sau tái cơ cấu?

- Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đây là câu hỏi rất khó và rất lớn, nhưng với tinh thần công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, xin được báo cáo Quốc hội như sau: Việc tiến hành tái cơ cấu Vinashin diễn ra trong giai đoạn mà thị trường thế giới vẫn bị khủng hoảng, nhưng qua tái cơ cấu thì tình hình đã ổn định hơn, quản lý tốt hơn. Trong ba năm qua Vinashin đã đóng và bàn giao 170 tàu lớn, xuất khẩu 66 tàu lớn, nếu như chúng ta không tiếp tục sản xuất để bàn giao 170 tàu này thì số lỗ tăng thêm ít nhất 10.000 tỉ đồng. Về tái cơ cấu nợ, đã có 19 ngân hàng trong nước giảm 70% nợ cho Vinashin, còn số nợ 600 triệu USD mà doanh nghiệp tự vay cũng đang đàm phán và đã giảm được 30%. Khoản giảm này rất lớn, kết quả tái cơ cấu nợ là tiền đề quan trọng để tái cơ cấu Vinashin.

Hiện nay tình hình của Vinashin còn lỗ rất nặng, tinh thần chỉ đạo là thực hiện tái cơ cấu cơ bản, toàn diện, triệt để theo hướng kết hợp giữa tái cơ cấu và giải thể, phá sản. Phương án tái cơ cấu đã được trình lên, chỉ còn lại tám doanh nghiệp nòng cốt đang hoạt động bình thường với khoảng 8.000 lao động giỏi, có tay nghề cao. Đối với các doanh nghiệp không giữ lại, phấn đấu đến năm 2015 xử lý xong số doanh nghiệp nhỏ lẻ. Khi chúng ta đàm phán về tài chính thì đến năm 2022 chúng ta bắt đầu trả nợ, nếu năm 2022 bắt đầu trả nợ thì đến năm 2016 thu phải cao hơn chi, đó là phương án tích cực. Nếu tái cơ cấu được thì sẽ có ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam diện mạo mới, giữ được đội ngũ công nhân lành nghề.

Cũng có câu hỏi đặt ra là tại sao khó khăn mà không cho doanh nghiệp phá sản? Giữa tái cơ cấu và phá sản cái nào có lợi hơn? Vinashin là tập đoàn kinh tế Nhà nước, nếu phá sản thì Nhà nước phải trả nợ thay, nếu trả nợ thay thì mất tiền, mất uy tín... trên 30.000 gia đình không ổn định cuộc sống. Xét đến cùng tái cơ cấu có lợi hơn. Nếu thị trường phát triển, phục hồi thì Vinashin với cách làm như vậy sẽ chấn chỉnh được tình hình tốt hơn.

* Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM): Liên quan đến hai dự án bôxit ở Tây nguyên, đề nghị Phó thủ tướng làm rõ vấn đề hiệu quả và phương án vận tải đường bộ trong khi đường bộ đang quá tải?

- Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nước ta có trữ lượng bôxit rất lớn. Bộ Chính trị đã có chủ trương khai thác nguồn tài nguyên này trên ba cơ sở: một là đảm bảo hiệu quả kinh tế; hai là có công nghệ tiên tiến; ba là đảm bảo môi trường.

- Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải (tham gia trả lời chất vấn tại hội trường): Đối với hai dự án này, Bộ Công thương được giao nhiệm vụ thẩm tra, đánh giá hiệu quả. Trong quá trình đầu tư, chủ đầu tư phải thường xuyên xem xét đánh giá. Nếu như dự án phát hiện không có hiệu quả thì phải có giải pháp để xử lý, nếu không xử lý được thì phải ngừng dự án. Dự báo giá alumin cho đời kinh tế của dự án là 30 năm, đối với Tân Rai là khoảng 379 USD/tấn thì vẫn thấp hơn dự báo của các công ty tư vấn trên thế giới là bình quân 450 USD. Với dự báo mang tính bảo thủ như vậy, nghĩa là an toàn hơn như vậy, dự án Tân Rai vẫn hiệu quả, tuy là thời gian lỗ lũy kế từ ba năm bị kéo dài lên năm năm và thu hồi vốn cũng bị kéo dài.

Về phương án vận tải đường bộ, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải cùng UBND các địa phương lên phương án vận tải và từ đó lên phương án đầu tư để bảo đảm vận tải cho các vật tư, nguyên vật liệu của hai dự án này.

* Đại biểu Trần Du Lịch: Chúng ta có nguồn vốn rất lớn là vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp, đang nằm chết ở những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối. Báo Tuổi Trẻ trong các số báo gần đây nêu lên một số đơn vị đã cổ phần hóa, đã lên thị trường chứng khoán, nhưng các đơn vị giữ nó để lấy cổ tức mà ngân sách không được một xu nào. Chúng ta vướng gì mà không sử dụng nguồn này để làm quốc lộ 1, làm những công trình rất bức xúc mà lại đi vay?

- Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nghị quyết trung ương có nêu “số tiền thu được từ cổ phần hóa dùng để thực hiện chính sách đối với người lao động và để Nhà nước tái đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, không được đưa vào ngân sách để chi thường xuyên”. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đã có chỉ đạo giải quyết chính sách cho người lao động, bổ sung vốn cho doanh nghiệp quan trọng, đầu tư vào các dự án quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chúng tôi sẽ lắng nghe ý kiến này của đại biểu để báo cáo với Thủ tướng, báo cáo với Bộ Chính trị có biện pháp thu từ cổ phần hóa mà các doanh nghiệp nhà nước không cần lắm để sử dụng số tiền này có hiệu quả nhất.

* Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên): Thời gian qua tồn tại một số băng nhóm côn đồ hoạt động theo kiểu xã hội đen, một số tụ điểm tội phạm hoạt động ngang nhiên trong thời gian dài, nhiều người dân đều biết nên không thể nói công an và chính quyền cơ sở không biết. Cử tri rất bức xúc và cho rằng thực trạng trên là dấu hiệu của hiện tượng hoặc là chùn tay hoặc là bảo kê cho tội phạm. Đề nghị Phó thủ tướng cho biết nguyên nhân và giải pháp cho tình trạng trên?

- Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chính phủ nhận rõ trách nhiệm về vấn đề để tội phạm, một số băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen diễn ra trong thời gian qua. Theo tôi, giải pháp quan trọng là các cấp, các ngành phải triển khai nghiêm túc chỉ thị 48 của Bộ Chính trị về công tác chỉ đạo phòng chống tội phạm. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, người đứng đầu, trong đó có cấp ủy, chính quyền và công an phải chịu trách nhiệm về tình hình an ninh, trật tự và tội phạm trên địa bàn... Chúng ta phải đánh mạnh, đánh trúng, đánh liên tục, đánh có hiệu quả và không bỏ lọt tội phạm, kể cả tội phạm tham nhũng, tội phạm môi trường, đặc biệt là các tội phạm hình sự, tội phạm băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen đang tồn tại trên từng địa bàn của nước ta, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Địa bàn nào để tội phạm lộng hành thì trước hết phải cho ngừng chức, thôi chức các đồng chí công an phụ trách địa bàn đó.

* Đại biểu Lê Thị Nga: Trong quản lý thị trường xăng dầu, tại sao chúng ta đã có đủ pháp luật, có đủ bộ máy lực lượng chuyên trách nhưng những vụ rút ruột xăng dầu, pha chế xăng rởm lớn thời gian qua chủ yếu không phải do lực lượng chức năng phát hiện mà do báo chí phát hiện?

- Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thật ra rút ruột là tổ chức ăn cắp xăng dầu, đây là một loại tội phạm. Có nhiều biện pháp nhưng chúng tôi nghĩ rằng phải đề cao cảnh giác, tăng cường quản lý của các đại lý, cửa hàng, công ty vận chuyển, thường xuyên theo dõi kiểm tra... Khi phát hiện phải xử lý nghiêm.

VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên