11/11/2004 20:20 GMT+7

Một con tàu và 12 thuyền viên VN bị bắt giữ làm con tin ở châu Phi

Theo TN
Theo TN

Suốt hơn 3 tháng nay, con tàu cùng 12 thuyền viên Việt Nam của một công ty liên doanh VN-Đan Mạch bị bắt giữ ở châu Phi vì một nguyên nhân không liên quan đến họ...

jAnnSc1w.jpgPhóng to
Các thuyền viên tàu Cần Giờ bị giữ làm con tin tại Tanzania
Suốt hơn 3 tháng nay, con tàu cùng 12 thuyền viên Việt Nam của một công ty liên doanh VN-Đan Mạch bị bắt giữ ở châu Phi vì một nguyên nhân không liên quan đến họ...

"Quýt làm", bắt "cam chịu"

Ngày 27-7-2004, con tàu mang tên Cần Giờ, hô hiệu HYZU, số IMO: 8131154 của Công ty liên doanh Vận tải thủy SEA Saigon (TP.HCM) thực hiện một chuyến chở hàng đến cảng Dar ES Salaam tại nước Tanzania (châu Phi).

Sau khi tàu trả hàng xong chuẩn bị rời cảng thì Tòa án tối cao của Tanzania có trát bắt giữ tàu Cần Giờ (!) và suốt từ đó đến nay, con tàu cùng 12 thuyền viên người Việt trên tàu bắt đầu cuộc sống của những con tin. Nguyên nhân của vụ việc trên, lạ thay không hề liên quan đến họ.

Theo trát bắt giữ tàu của Tòa án Tanzania: năm 1999, một doanh nghiệp có tên Mohamed Enterprises của Tanzania ký hợp đồng và thanh toán trước toàn bộ số tiền khoảng 1,4 triệu USD để mua 6.000 tấn gạo của Công ty Thanh Hòa ở Tiền Giang, sau đó, Công ty Thanh Hòa thuê một tàu chở gạo để thực hiện hợp đồng trên. Tuy nhiên, con tàu được thuê lại là một con tàu "ma" và trên đường chở hàng đã trốn bặt tăm. Không nhận được gạo, Công ty Mohamed Enterprises đâm đơn kiện đối tác của Việt Nam... Sự việc trên chưa được giải quyết dứt điểm. 4 năm sau, khi tàu Cần Giờ của Công ty SEA Saigon cập cảng Tanzania đã bị bắt giữ làm con tin nhằm tạo áp lực để phía Việt Nam thanh toán số nợ năm 1999.

Bị vạ oan, Công ty SEA Saigon ra sức giải thích, và thật sự từ khi bị bắt giữ đến nay, Tòa án Tanzania đã 5 lần xét xử nhưng cũng không đủ chứng lý để thu giữ tàu Cần Giờ và viện lý do giấy tờ của tàu Cần Giờ là giả để trì hoãn xử lý. Tàu Cần Giờ và 12 thuyền viên trên tàu từ đó phải sống trong cảnh bị giam lỏng và không biết bao giờ mới kết thúc (!).

Cầu cứu!

Ngay sau khi bị bắt giữ, lãnh đạo Công ty SEA Saigon tìm mọi cách để cầu cứu. Ông Phạm Ngọc Sơn - Phó tổng giám đốc Công ty SEA Saigon cho biết: "Suốt 3 tháng qua, chúng tôi gửi công văn đi khắp nơi, nhưng không được hồi đáp. 12 thuyền viên trên tàu phải sống trong cảnh thiếu thốn, hiện chưa có biện pháp hữu hiệu để giải cứu".

Ông Henrik Andersen, Tổng giám đốc SEA Saigon, đối tác liên doanh từ Đan Mạch cũng rất buồn rầu: "Thuyền trưởng và thuyền viên của chúng tôi bị cầm giữ ở nước khác, tôi thật sự rất buồn, họ còn gia đình và người thân và tất cả đều muốn được quay về. Chúng tôi đã tính đến tình huống là cho tàu chạy trốn bằng mọi giá nhưng còn uy tín của công ty, và cả uy tín của đất nước Việt Nam. Chính phủ Đan Mạch cũng đã tạo nhiều áp lực với Tanzania nhưng cũng chỉ có hạn...".

Ông Andersen lo lắng: "Tính đến nay, thiệt hại của công ty đã lên đến 500.000 USD và nếu không kịp thời giải quyết thì con số thiệt hại sẽ bằng cả giá trị con tàu. Chúng tôi đã chịu đựng suốt một thời gian dài nhưng đến nay thì không chịu nổi nữa, chúng tôi quyết định nhờ công luận lên tiếng".

Nỗ lực nhưng chưa đủ

Chúng tôi được biết, nhận được thư cầu cứu của Công ty SEA Saigon, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania đã nhiều lần gửi công văn cho chính phủ và Tòa án tối cao Tanzania yêu cầu trả tự do cho con tàu và bảo đảm an toàn cho số thủy thủ trên tàu. Mới đây nhất, theo Công văn CD số 08/2004 ngày 1/10 gửi Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania cho biết đã tiếp xúc với ông Gulam Dewji, Chủ tịch Công ty Mohamed Enterprises, phê phán việc công ty này yêu cầu tòa án Tanzania bắt giữ tàu Cần Giờ và cho rằng đây là hành động bắt giữ trái phép vì chiếc tàu này thuộc sở hữu của một công ty không hề liên quan đến tranh chấp thương mại trước đó. Đại sứ quán cũng yêu cầu Công ty Mohamed Enterprises trước hết phải yêu cầu Tòa án Tanzania ra lệnh thả tàu Cần Giờ thì mới bàn đến các việc khác. Còn phía ông Gulam Dewji đã yêu cầu bù đắp số gạo đã mất...

Theo chúng tôi, việc giải cứu các con tin Việt Nam thoát khỏi tình trạng bị quản thúc tại Tanzania là điều cần làm khẩn cấp. Giải quyết tranh chấp về tài sản trong trường hợp này cần thiết có một tổ chức trọng tài quốc tế.

Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu thông tin về Công ty Thanh Hòa và những thông tin khác liên quan đến con tàu "ma” để gửi đến bạn đọc.

Theo TN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên